Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 người dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Các chuyên gia y tế cho biết các đợt phong tỏa xã hội của dịch COVID-19 có thể làm giảm tiếp xúc và giảm khả năng miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm, khiến xã hội dễ bị tổn thương trước các đợt bùng phát mới.
Cúm mùa đông ở Mỹ năm 2020 và 2021 là những mùa cúm nhẹ nhất được ghi nhận cả về số ca tử vong và số người nhập viện. Tuy nhiên, các ca bệnh đã tăng lên vào tháng 2 và tăng cao hơn nữa vào mùa xuân và mùa hè khi các hạn chế xã hội được bãi bỏ.
Tiến sĩ Scott Roberts, phó giám đốc y tế phòng chống nhiễm trùng tại Bệnh viện Yale New Haven, nói với Đài CNBC: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy mùa cúm ở Mỹ kéo dài đến tháng 6. Virus hoạt động theo những cách rất kỳ quặc mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây".
Và bệnh cúm chỉ là sự khởi đầu.
Virus hợp bào hô hấp, một loại virus giống như cảm lạnh thường gặp trong những tháng mùa đông, đã biểu hiện sự gia tăng vào mùa hè năm 2021 với số ca mắc bệnh tăng ở trẻ em sống tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Sau đó, vào tháng 1-2022, một đợt bùng phát virus adenovirus 41, thường gây ra bệnh đường tiêu hóa, đã trở thành nguyên nhân rõ ràng của một căn bệnh gan nghiêm trọng và bí ẩn ở trẻ nhỏ.
Bang Washington (Mỹ) đã trải qua đợt bùng phát bệnh lao tồi tệ nhất trong 20 năm.
Hiện tại là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, một bệnh nhiễm virus hiếm gặp thường thấy ở Trung và Tây Phi, đang gây khó khăn cho các chuyên gia y tế với hơn 1.000 trường hợp được xác nhận và nghi ngờ xuất hiện ở 29 quốc gia không có dịch bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết ít nhất hai biến thể đậu mùa khỉ khác biệt về mặt di truyền đang lưu hành ở Mỹ, có khả năng xuất phát từ hai bệnh lây lan khác nhau từ động vật sang người.
Hiện vẫn chưa rõ liệu virus giống bệnh đậu mùa có bị đột biến hay không, mặc dù các chuyên gia y tế đã báo cáo rằng nó đang hoạt động theo những cách mới và không điển hình.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ lo ngại việc phong tỏa xã hội có thể khiến nhiều trẻ em bỏ lỡ các lần tiêm chủng thời thơ ấu. Từ đó, có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin khác như sởi và ho gà.
Bà Jennifer Horney, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Delaware, nói với CNBC: "Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhiều trẻ em không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc ban đầu, bao gồm cả tiêm chủng cho trẻ nhỏ".
Bà nói thêm: "Để ngăn chặn sự gia tăng các bệnh này, cần có các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận