Người dân nhận gạo tại một cây ATM ở Sài Gòn, mùa dịch 2021 - Ảnh: THỤC MINH
Dịch ập đến nhiều hộ đến 2/3 nhân khẩu mất thu nhập hoàn toàn, không có tiền tích lũy, gói hỗ trợ thì chưa biết khi nào nhận được...
Mấy ngày qua thấy bà con tiu nghỉu, hỏi ra mới hay là từ đầu tháng 6, cứ mỗi sáng là họ cùng nhau đến ATM gạo gần nhà để nhận 2kg gạo/ngày, đủ lo cơm ngày 3 bữa cho gia đình mấy miệng ăn nhưng gần tuần nay ATM gạo đóng không phải vì nhà hảo tâm ngừng giúp đỡ, mà phải đóng do cơ quan chức năng lo lắng về đảm bảo an toàn mùa dịch.
Cây "ATM gạo" và siêu thị 0 đồng đã được khởi động lại tại nhiều quận, huyện như sự cứu cánh cho những người dân khốn khó, mùa COVID. Ý kiến cá nhân của tôi cho rằng không nên ngừng việc này vì thật ra thì hoạt động của ATM gạo giống như siêu thị hay các cửa hàng lương thực, thực phẩm, chỉ khác một chút là người nghèo không phải đến quầy tính tiền, ít tiếp xúc hơn...
Chưa kể, siêu thị là môi trường kín, nguy cơ lây lan còn dễ hơn gấp bội so với ATM gạo (hoạt động ngoài trời, đảm bảo 5K). Tình hình có tiền vẫn không vào được siêu thị thì người nghèo không có tiền lại càng khó khăn hơn.
Tôi băn khoăn tại sao người dân xếp hàng rất dài, rất đông mua thực phẩm ở siêu thị trong những ngày này được coi là "lý do chính đáng được ra đường", trong khi người nghèo cùng kiệt xếp hàng trật tự chờ được nhận gạo, thực phẩm thì bị coi là nguy cơ lây lan dịch bệnh?
Tôi nghĩ nên để các điểm từ thiện, đặc biệt các nơi mở ATM gạo được hoạt động trở lại. Trong tình hình phong tỏa căng thẳng, nhân lực hạn chế, khó có thể đòi hỏi một giải pháp chu toàn. Vì vậy hơn ai hết, chính lúc này chính quyền phải tạo hành lang thông thoáng để người dân có thể phụ một tay.
Các nhà hảo tâm lo duy trì ATM gạo hoặc siêu thị 0 đồng, chính quyền địa phương lo việc giữ trật tự, giúp người nghèo tuân thủ 5K nghiêm túc. Có như vậy mới chung sức chung lòng cùng nhau chống dịch nhưng không ai bị bỏ lại phía sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận