09/03/2016 10:30 GMT+7

Cả xóm cùng… cưới

TIẾN TRÌNH 
(nguyentientrinh@tuoitre.com.vn)
TIẾN TRÌNH 
([email protected])

TT - Mỗi năm có hàng chục đôi trai gái làm ăn xa xứ đồng loạt kéo về quê cưới vợ gả chồng. Xóm vắng bỗng trở nên chật người, và lễ cưới vì thế được cộng hưởng thành những ngày hội.

 

Đi ăn cưới ở xóm La Ma - Ảnh: tư liệu gia đình
Đi ăn cưới ở xóm La Ma - Ảnh: tư liệu gia đình

 

“Ăn cưới chật đường”

“Năm nay người ta cưới ít rồi. Từ mùng 2 tới mùng 5 tết “chỉ có” 32 đám hà. Năm ngoái cưới nhiều, tới 46 đám lận...” - chị Ha Ry Fhé, trưởng ấp La Ma (xã Vĩnh Trường, H.An Phú, An Giang), nói trong xóm La Ma chiều dài chưa quá 2 cây số này, mấy ngày diễn ra “hội cưới” người ta đi đám chật đường. Đi đâu cũng nghe hát hò.

“Sát nhà mình đợt này có nhà Ma Rim, Ma Ri Dam, Ma Sa Leh, Mari... làm đám cưới. Còn lại từ đầu xóm tới cuối xóm đi đâu cũng gặp đám cưới”. Chị Fhé nói từ nhiều năm nay rồi, cứ mấy ngày Tết Nguyên đán của người Kinh thì xóm Chăm lại dồn dập cưới.

“Mấy ngày đó đi đám cưới mệt nghỉ. Người thân thiết thì mình đi ban ngày. Còn tình làng nghĩa xóm thì đi ban đêm. Đi đám cưới là chỉ có mặt cho vui với các gia đình. Còn ngồi tiệc thì ôi thôi, không thể nào cho nổi” - chị Fhé bảo mấy ngày cưới xóm La Ma người ta đi chen chân, xe cộ chạy rầm rầm sáng đêm.

Câu chuyện các cặp đôi trong xóm đồng loạt... cưới đã diễn ra nhiều năm nay tại các xóm Chăm theo đạo Hồi ở An Giang. Không phải là tập tục truyền thống.

Đó cũng không phải là nghi lễ đạo giáo. Đơn giản vì Tết Nguyên đán là những ngày rảnh rang. Mà rảnh thì là cơ hội tuyệt vời để... cưới nhau. Đó xem ra là lý do duy nhất để trai gái trong xóm chọn ngày để cưới.

Vì người Chăm không có thói quen coi ngày lành tháng tốt để cưới vợ gả chồng như người Kinh, nên khi nào thấy thích hợp thì tổ chức đám.

Chị Sa Ki Roh (xóm La Ma) nói ngày trước nam nữ trong xóm cưới là “cưới theo ban nhạc”. Nghĩa là ban nhạc rảnh ngày nào thì họ tổ chức lễ cưới ngày đó. Đám tiệc thường hát hò rất vui.

Thế rồi mấy năm lại đây, trai gái lớn lên phần nhiều rời xóm đi làm. “Tết thấy đông vui vậy chứ qua tết xóm này vắng hoe hà” - anh Mohamed nói người Chăm ít khi sống bám đồng đất.

Nhiều người rời xứ mưu sinh với đủ nghề, từ làm thuê đến buôn bán nhỏ. Gần đây, người Chăm trẻ thường lên Sài Gòn làm công nhân. Kỳ nghỉ tết là dịp tốt để họ về thăm quê và tranh thủ cưới.

Có quá nhiều bạn trẻ có “nhu cầu” cưới trong dịp này, để sau đó họ nhanh chóng trở lại Sài Gòn bắt đầu một vòng quay sinh kế. Xóm Chăm vì thế đã có những ngày đầy ắp tiệc vui.

Chú rể tiếp bạn đến chúc mừng ngày cưới với trà, bánh - Ảnh: tư liệu gia đình
Chú rể tiếp bạn đến chúc mừng ngày cưới với trà, bánh - Ảnh: tư liệu gia đình

Cà ri bò ở 32 đám cưới

Anh Os Sa Man nói xóm La Ma của anh có ba ban nhạc. Ngày trước, khi có đám cưới ban nhạc thường đến chơi rất khuya. Nhưng tới “đợt cưới” này thì ban nhạc phục vụ không xuể.

Các ca sĩ hát nhạc dân tộc giao kèo mỗi đám cưới họ chỉ có thể phục vụ ba bài hát, rồi đi đám khác. Thế nhưng, khi họ đến phục vụ đám cưới đầu tiên tới đám cuối cùng thì đã qua ngày mới.

Đám cưới người Chăm thường nhiều nghi lễ. Nhưng theo phong tục đạo Hồi, đôi nam nữ được coi là vợ chồng khi người đàn ông quyền lực trong nhà (cha, anh...) cầm tay cô gái trao cho chàng trai trước sự chứng kiến của đại diện ban giáo cả.

Tết rồi, anh Du Số (30 tuổi) và chị Gu Ki Giah (25 tuổi) đưa nhau về xóm La Ma làm đám cưới. Anh rời quê đi bán dạo, chị cũng làm công nhân ở Sài Gòn. Hôn lễ được tổ chức với tập tục của dân tộc Chăm theo đạo Hồi.

Du Số nói tuy đám cưới anh trùng với... 31 đám cưới khác trong xóm, nhưng bạn bè, xóm giềng thân thiết đều có mặt. Trước đó, gia đình Du Số phát đi 50 thiệp mời dự đám cưới. Theo thông lệ thì chỉ những người nhận được thiệp mới gửi tiền mừng đám cưới.

Ngoài ra, gia đình còn làm tiệc đãi trên 100 vị khách không mời khác. Du Số giải thích người Chăm ở đây đi tiệc cưới không cần phải mời. Đám cưới nào thấy thích thì cứ tự nhiên đến chúc mừng và dùng tiệc, không cần phải gửi tiền mừng.

Tuy cùng lúc xóm có 32 đám cưới nhưng có một điều là hầu hết các bữa tiệc đều... giống nhau. Đó là nơi nào cũng đãi món chính là cà ri bò. Cho nên 32 đám cưới thì người đi ăn tiệc nhiều lắm cũng chỉ một vài tiệc.

Trước ngày cưới, khi gia đình đàng trai sang đàng gái bàn bạc lễ cưới thì gia đình nhà gái có quyền yêu cầu nhà trai đóng góp tiền của để nhà gái chi phí cho tiệc cưới.

Ngày trước, có không ít trường hợp nhân cơ hội này, nhà gái đã “thách cưới” bằng những đòi hỏi vượt quá khả năng của nhà trai. Sau này, nhiều xóm Chăm đã quy định rõ số tiền mà nhà trai đóng góp cho nhà gái là bao nhiêu.

Như tại ấp Phủm Soài (xã Châu Phong, Tân Châu, An Giang), anh Sa Les, trưởng ấp, cho biết bà con ở đây đã thống nhất áp “mức trần” thách cưới.

Theo đó, nhà gái đòi hỏi tối đa không quá bảy chỉ vàng. Còn trường hợp nhà trai có điều kiện cho nhiều hơn thì tùy. Tại ấp La Ma, chị Ha Ry Fhé cho biết người dân ở đây đã thỏa thuận quy định nhà gái có quyền yêu cầu nhà trai đóng góp chi phí tiệc cưới tối đa 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, với trường hợp người đàn ông đã từng kết hôn trước đó mà cưới phụ nữ chưa chồng thì không áp dụng mức “trần” như vậy.

“Mình phải quy định mức thách cưới như vậy để tránh những nhà nghèo không cưới được vợ. Hoặc trai gái yêu nhau nhưng không có tiền cưới thì dắt nhau đi. Như vậy là không tốt” - chị Ha Ry Fhé nói.

Sau tiệc cưới, thay vì đón dâu về nhà chồng thì đám cưới người Chăm theo đạo Hồi ở An Giang làm ngược lại. Chú rể được đưa tới nhà cô dâu. Gia đình cô dâu tặng cho chú rể xà rông, áo, nón... đủ mặc trong ba ngày.

Sau ba ngày “ở rể”, gia đình sẽ cho đôi vợ chồng mới các vật dụng cần thiết của cuộc sống gồm thực phẩm, vật dụng nấu nướng. Hết thời gian này, đôi vợ chồng có quyền quyết định tiếp tục ở nhà cô dâu, sang nhà chú rể hay ra riêng tùy điều kiện mỗi gia đình.

Đưa chúng tôi ngang các căn nhà khóa kín, chị Fa Ty Mah bảo những người trẻ chỉ về quê để... cưới thôi. Sau lễ cưới thì họ kéo nhau đi hết.

Nhiều người Chăm đi xa làm ăn, có tích lũy thì trở về quê. Người trẻ thì đi làm xa gửi tiền về để cha mẹ có cuộc sống tốt hơn. Nhiều bạn trẻ làm cả năm tích lũy để đủ tiền về quê đám cưới.

“Người Chăm quan trọng chuyện cưới hỏi. Nghèo giàu gì cũng phải cho nhau cái đám cưới. Tiệc lớn tiệc nhỏ không quan trọng, chỉ khi có lễ “cột tay” mới trở thành vợ chồng” - Ma Ry Dam nói do giữ được truyền thống đó nên người Chăm trẻ dù đi xa ở đâu, làm ăn có thành công hay thất bại cũng nhớ đường về quê mỗi khi ngày vui đến.

Nghi thức vén khăn che mặt cô dâu trong đám cưới người Chăm theo đạo Hồi 
- Ảnh gia đình 
cung cấp
Nghi thức vén khăn che mặt cô dâu trong đám cưới người Chăm theo đạo Hồi - Ảnh gia đình cung cấp

Đặc biệt, trong các tiệc cưới của người Chăm theo đạo Hồi tuyệt đối không có rượu, bia.

Sa Les giải thích không phải chỉ ở tiệc cưới mà ngày thường trong cộng đồng không ai dùng đến chất men. “Có mấy người con trai mới lớn, đi theo người Kinh chơi thì tập uống. Nhưng khi có vợ thì tự nhiên mắc cỡ phải bỏ”.

Sa Les bảo người uống rượu, bia ở đây bị khi dễ và cô lập. Có đám tiệc, những người bị mang tiếng “dính” vào rượu, bia ít khi được mời, họ không được vào thánh đường, khi chết cũng không được chôn trong nghĩa trang của đạo.

__________

Kỳ 2: Đám cưới sinh đôi

TIẾN TRÌNH 
([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp