21/10/2019 11:41 GMT+7

Cả trường 10 năm đỡ đần anh em thầy giáo mồ côi

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - 10 năm ròng rã chống chọi bệnh tật của anh em thầy giáo mồ côi Truyền Luân - Truyền Nhân, thầy cô Trường tiểu học Quảng Phú 2 và phụ huynh luôn cận kề 'tiếp sức'...

Cả trường 10 năm đỡ đần anh em thầy giáo mồ côi - Ảnh 1.

Nụ cười của thầy Luân luôn có sự thầm lặng phía sau của các giáo viên đầy tử tế - Ảnh: TRẦN MAI

Giây phút đôi mắt của anh Trần Truyền Nhân (32 tuổi, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) được hiến cho người khác, ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, ngoài người em Trần Truyền Luân còn có những giáo viên Trường tiểu học Quảng Phú 2 (phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi). Họ đã bên cạnh Luân mãi đến khi tro cốt anh Nhân hòa vào sông Trà Khúc và cả lúc này.

Và đằng sau hành trình 10 năm ròng rã chống chọi bệnh tật của anh em mồ côi Nhân - Luân luôn có sự hiện diện của tập thể giáo viên Trường tiểu học Quảng Phú 2. Dưới mái trường này chứa đựng những câu chuyện quá ân tình và tử tế, ít người biết đến.

Trường tiểu học Quảng Phú 2 là một tập thể đoàn kết và tử tế. Chính việc làm của các thầy cô khiến phụ huynh đoàn kết theo. Tôi chưa bao giờ xem Luân chỉ là thầy của các con, đó là người em như ruột thịt.

Chị TRẦN THỊ TRUNG THU (một phụ huynh học sinh)

Gầm cầu thang ân tình

Lo đám tang cho anh Nhân xong, cô Nguyễn Thị Minh Thu, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Phú 2, trở về trường ổn định lại công tác giảng dạy. Những ai có tiết buổi chiều, buổi sáng vượt 10km lên nhà để thầy giáo Luân đỡ hiu quạnh. "Tối nay sẽ có nhóm thầy cô khác lên với Luân, chúng tôi sẽ đồng hành với đồng nghiệp qua thời khắc khó khăn này" - cô Thu tâm tình.

Kể về anh em Nhân - Luân, cô Thu bất chợt rơm rớm nước mắt. Chỉ tay về góc cầu thang cạnh phòng phó hiệu trưởng, cô Thu bảo: "Anh em Nhân và Luân từng ở đó hai năm". Đó là vào năm 2015, mẹ Luân qua đời sau hai năm chống chọi ung thư.

Mẹ mất, Luân gánh khoản nợ mấy trăm triệu đồng. Đồng lương giáo viên chưa đến ba triệu đồng, Luân vẫn phải thuê phòng trọ dưới phố tiện cho anh Nhân điều trị. Luân ngoài giờ dạy phải đi múa đám cưới, hội nghị và cả những công việc bốc vác để có thêm tiền chữa bệnh cho anh và trả bớt nợ nần.

Người đồng nghiệp trẻ sống trọn lòng hiếu thảo và tình anh em khiến các thầy cô thương yêu. Thế là trong một cuộc họp, ban giám hiệu đi đến một quyết định chưa từng có: "Lấy gầm cầu thang trường làm chỗ ở cho anh em Luân để đỡ chi phí thuê trọ và giao cho đồng nghiệp công việc làm bảo vệ trường vào buổi tối kiếm thêm 1,2 triệu đồng/tháng. Hôm nào Luân đi làm buổi tối, Nhân thay em ngồi trước vọng gác nơi cổng trường trông coi và chờ em về" - cô Thu nhớ lại. Tập thể giáo viên hoàn toàn nhất trí với phương án đưa ra.

Dù rất xót xa, nhưng trường chẳng kiếm đâu ra phòng cho hai anh em ở ngoài cái gầm cầu thang nhỏ bé ấy. Mỗi ngày, thầy cô thấy Nhân và Luân cười, hạnh phúc ngập tràn ở ngôi trường nơi ngoại ô thành phố.

Anh Nhân và Luân ở gầm cầu thang đó hai năm. Chừng ấy thời gian, buổi trưa khi học trò ăn xong, phần còn lại của nhà ăn bán trú hai anh em ăn. Còn buổi tối, các thầy cô nấu ăn rồi mang đến, hoặc gọi hai anh em về nhà mình ăn cùng cho ấm cúng.

Cuối năm 2016, bệnh tình anh Nhân trở nặng, phải đi bệnh viện liên tục. Lúc đó ban giám hiệu thấy Nhân và Luân không thể ở trường vào buổi tối thường xuyên, chẳng may mất đồ sẽ thêm khổ. Thế là hai anh em ra ngoài thuê trọ.

Những năm 2016, 2017, khó khăn bủa vây hai anh em khi anh Nhân liên tục nhập viện cấp cứu. Nhà trường phải tính toán giáo viên dạy thay môn thể dục cho Luân mỗi lần người thầy này bỏ tiết đột ngột lao vào viện cấp cứu anh mình.

Cô Thu bảo biết vậy là sai, thậm chí trường bị kỷ luật, nhưng không lẽ ký hợp đồng với giáo viên mới, còn thầy Luân nghỉ việc không lương thì tiền đâu mà chăm anh. Những năm đó, lần nào Nhân vào viện cấp cứu, chẳng ai bảo ai, cả trường tự góp tiền và cử người xuống viện chăm Nhân để Luân chợp mắt.

Khi bệnh nặng quá, cần khoản tiền nhiều thì thầy cô kêu gọi cộng đồng góp. "Phụ huynh cũng rất tuyệt vời, nhà trường chưa khi nào kêu gọi, nhưng trong số tiền góp cho anh em thầy Luân lúc khó khăn nhất luôn có phụ huynh đồng hành" - cô Thu tâm sự.

Chia nhau lo tang lễ

Tập thể giáo viên Trường tiểu học Quảng Phú 2 đều là "chủ nợ" của Luân. Nhưng hỏi đã cho Luân mượn bao nhiêu tiền thì chẳng ai nhớ. Cô Trương Thị Đông cười tươi khi nói về "con nợ": "10 năm qua, thấy thầy Luân cần là góp lại đưa, hoặc đưa với tư cách cá nhân. Chúng tôi yêu thương đồng nghiệp của mình, nói vui vậy thôi, ai mà nhớ làm gì. Chúng tôi chỉ mong thầy Luân bớt khổ, chẳng ai nghĩ đó là nợ".

Thậm chí đêm 22-9, khi Luân phải đưa anh Nhân ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu, các thầy cô biết Luân không có tiền. Vậy là cô Trần Thị Phúc ngay lập tức có mặt tại Đà Nẵng. Cả đêm hôm ấy, đóng xong viện phí cô Phúc chẳng thể ngủ được, phần vì lo sức khỏe của Nhân, phần lo giữ "balô tiền" sợ kẻ gian lấy.

Lúc biết anh Nhân không qua khỏi, thầy cô ở trường chia nhau ra Đà Nẵng bên cạnh đồng nghiệp. Trong giờ phút hiến giác mạc và tất cả chi phí điều trị, chuẩn bị tang lễ, hỏa thiêu, cán bộ trường đứng ra lo hết.

Ở quê nhà Quảng Ngãi, nhóm giáo viên khác lên nhà Luân dọn dẹp, mua tất cả vật dụng cần thiết cho mâm cúng chuẩn bị đón tro cốt.

"Nhà Luân quá lâu không có người ở, nên chúng tôi gần như phải dọn dẹp từ ngoài vườn vào nhà. Ngôi nhà trống trơn, giáo viên và các bạn của Luân, Nhân lo sắm xoong nồi, chén bát, bàn thờ... Người đi chợ, người nấu nướng và đón tiếp người đến viếng" - cô Trần Thị Kim Loan tâm tình.

Trong đám tang, nhiều phụ huynh gần như túc trực 24/24 giờ tại nhà thầy giáo Luân.

Còn với Luân, khoảng lặng sau tang lễ dần hiện diện. Khi bằng hữu đến viếng lần lượt trở về cuộc sống thường nhật, anh trơ trọi trong nỗi buồn. Mất đi người thân cuối cùng, điều chẳng dễ dàng vượt qua. May cho Luân khi những đồng nghiệp quá đỗi tuyệt vời vẫn hiện diện bất kể sáng lên, đêm xuống.

"Không chỉ hôm nay, 10 năm qua tôi và anh Nhân nhận của các thầy cô quá nhiều sự hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần. Tình nghĩa này, anh Nhân hiến đôi mắt mình như lời cảm tạ. Còn tôi, cả đời còn lại cũng chẳng thể lấy gì đáp đền được. Anh em tôi mang ơn thầy cô và mãi mãi ghi nhớ" - thầy Luân chia sẻ.

Nhìn nụ cười biết đói no, thiếu đủ

Cô Nguyễn Thị Minh Thu và các giáo viên nói vui rằng chỉ cần nhìn nụ cười của Luân là biết đói no, thiếu đủ. Dù Luân luôn cười và kiên cường, chưa bao giờ than vãn số phận, nhưng thầy cô có thể phân biệt hôm đó thầy Luân có ổn không chỉ qua nụ cười.

"Hôm nào chưa ăn sáng hoặc thức khuya, thầy Luân nói cười rất thiếu năng lượng, mặt hốc hác hẳn. Hỏi thì Luân chối ngay. Chúng tôi mua đồ ăn ép ăn, lúc đó Luân mới thú nhận cả tuần qua lo thuốc thang cho anh Nhân, tiền vơi đi nhiều, Luân phải giữ số tiền còn lại mua thức ăn cho anh, còn bản thân thì nhịn. Giáo viên trong trường còn phải canh Luân hết tiền là góp lại buộc nhận" - cô Thu cười hiền.

Con là thiếu tá hiến tạng cứu 6 người, cha cũng hiến giác mạc giúp người Con là thiếu tá hiến tạng cứu 6 người, cha cũng hiến giác mạc giúp người

TTO - Ngày 10-10, Bệnh viện Mắt trung ương đã tiếp nhận đôi giác mạc của ông Lê Xuân Cựu, 74 tuổi, là cha đẻ thiếu tá Lê Hải Ninh - người quân nhân hiến tạng cứu 6 người sau khi qua đời.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp