Nhóm đối tượng mang theo nhiều hung khí để giải quyết mâu thuẫn tại nhà nghỉ, karaoke Hoàn Xuyến - Ảnh cắt từ camera ghi hình của gia đình |
Ngày 16-6, UBND huyện Di Linh cho biết đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng, Công an tỉnh hỗ trợ điều tra, xử lý vụ hàng trăm người cầm hung khí tấn công nhà nghỉ Hoàn Xuyến (xã Tân Lâm, huyện Di Linh) vào ngày 13-6.
Công an tỉnh Lâm Đồng cũng xác nhận hiện vụ việc đã được Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) tiếp nhận và đang khẩn trương điều tra, truy bắt các đối tượng liên quan.
Trước đó, vào khoảng 9h30 ngày 13-6, có khoảng 120 người đi trên 6 ôtô, mang theo hung khí là dao, gậy tự chế đến quán kinh doanh nước giải khát, karaoke, nhà nghỉ Hoàn Xuyến (xã Tân Lâm, huyện Di Linh) do Nguyễn Văn Hoàn (43 tuổi) làm chủ để giải quyết mâu thuẫn.
Tại đây, dù không gặp được ông Hoàn và Nguyễn Văn Hiệp (hai anh em) nhưng nhóm này vẫn đập phá đồ đạc và đánh con của ông Hoàn là Nguyễn Việt Anh (16 tuổi) bị thương nặng.
Ngoài ra, nhiều vật dụng trong nhà cũng bị nhóm người trên đập phá hư hỏng. Qua xác minh, Công an huyện Di Linh đã xác định được biển kiểm soát của 6 xe mà các đối tượng trên đã sử dụng.
Được biết, nhóm người tìm đánh người của nhà nghỉ Hoàn Xuyến là do mâu thuẫn băng nhóm.
Sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện phối hợp với UBND xã Tân Lâm tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tình hình nhằm kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Tuy nhiên, nguồn tin từ UBND huyện Di Linh cho biết do địa bàn quản lý rộng, giáp ranh với các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà và với tính chất phức tạp của vụ việc, nên UBND huyện phải đề nghị PC45 công an tỉnh vào cuộc.
Cũng theo nguồn tin này, trong thời gian qua trên địa bàn xã Tân Lâm với các xã Lộc Đức, Lộc Phú, Lộc Ngãi, Tân Thanh xuất hiện nhiều băng nhóm giang hồ phức tạp.
Đây cũng là khu tái định canh của Dự án thủy điện Đồng Nai 3 (do Ban quản lý dự án thủy điện 6 làm chủ đầu tư). Tuy nhiên do dự án triển khai chậm dẫn tới tình trạng lấn chiếm đất, tranh chấp đất đai gay gắt.
Các băng nhóm này có hành vi đe dọa, uy hiếp cán bộ quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh; cưỡng đoạt, lấn chiếm đất lâm nghiệp đối với hộ nhận khoán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận