09/12/2016 11:18 GMT+7

Cả trăm gia đình bị phạt vì không diệt lăng quăng

YẾN TRINH - LÊ THANH HÀ
YẾN TRINH - LÊ THANH HÀ

TTO - Một số quận huyện trên địa bàn TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt 74 trường hợp hộ dân không tham gia diệt lăng quăng để ngừa bệnh Zika.

Nhiều ý kiến cho rằng đó là một “biện pháp mạnh” và cần thiết của chính quyền địa phương nhằm thiết lập kỷ cương nhà nước. Đồng thời đây cũng là dịp để người dân thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng cũng như thái độ thượng tôn pháp luật, dù chỉ là chuyện con lăng quăng...

Bất ngờ vì bị phạt

Ông Trần Minh Tú, chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), cho biết vừa ra quyết định xử phạt sáu trường hợp hộ dân không chấp hành việc diệt lăng quăng tại nơi ở.

Ông Tú cho biết: “Quyết định xử phạt được đưa ra ngày 2-12 căn cứ theo Luật xử lý vi phạm hành chính, nghị định 176/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và biên bản vi phạm hành chính do tổ kiểm tra liên ngành của phường lập trước đó”.

Theo ông Tú, các hộ dân và cơ sở kinh doanh này đã vi phạm với hành vi thải bỏ các chất và vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch. Mức phạt từ 700.000 - 1,5 triệu đồng/trường hợp vi phạm.

Trước đó, phường đã thành lập đoàn vận động, gửi văn bản về việc diệt lăng quăng phòng chống Zika cho tổ trưởng các tổ dân phố để phổ biến cho người dân, các cơ sở kinh doanh. Thấy hộ nào chưa diệt lăng quăng, đổ bỏ các lu hũ chứa nước ngoài trời... đoàn vận động sẽ nhắc nhở.

Còn đối với những tuyến kênh rạch, mương lớn, phường sẽ phối hợp với Trung tâm chống ngập, UBND quận để diệt lăng quăng. Nếu sau đó các hộ không thực hiện nghiêm chỉnh, phường kiểm tra sẽ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Tú cho biết phường cũng sẽ tiếp tục kiểm tra việc này. Đối với các hộ dân đã bị xử phạt, phường cũng sẽ tái kiểm tra, nếu hộ nào không chấp hành nghiêm sẽ tiếp tục bị xử phạt.

Một chủ hộ ở P.Hiệp Bình Chánh cho biết hết sức bất ngờ khi mình có tên trong danh sách bị phạt tiền vì lỗi... không diệt lăng quăng theo thông báo của phường.

Còn anh N.T.N., chủ một quán cà phê bị xử phạt, cũng tỏ ra tâm phục khẩu phục khi nhận quyết định xử phạt: “Do bận bịu buôn bán nên gia đình tôi cũng không để ý diệt lăng quăng, dọn dẹp quanh nhà. Trước đó bên tổ dân phố cũng đã nhắc nhở, lập biên bản.

Tôi sẽ dọn dẹp, khắc phục việc này và chấp hành việc đóng phạt nghiêm chỉnh. Qua việc này, gia đình tôi cũng hiểu hơn về bệnh Zika và công tác phòng chống”.

Xử phạt còn hạn chế

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, ngày 14-11-2013 Chính phủ đã ban hành nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 31-12-2013. Tuy nhiên, năm 2015 toàn TP chỉ xử phạt được 55 trường hợp và năm 2016 xử phạt được 74 trường hợp vi phạm về việc không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

Số trường hợp bị xử phạt trong năm 2016 cũng chủ yếu là xử phạt trong hai tháng 10 và 11-2016, khi dịch bệnh Zika tại TP xuất hiện và lây lan ra nhiều quận, huyện.

Cũng theo bác sĩ Dũng, UBND TP.HCM đã có chỉ thị đề nghị UBND các quận, huyện triển khai việc xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong nghị định 176 trong phòng chống dịch sốt xuất huyết.

“Tuy nhiên, việc triển khai để áp dụng, thực thi pháp luật, chế tài hành vi vi phạm ở nhiều địa phương còn hạn chế, chưa đầy đủ. Ngành y tế vẫn chỉ có thể luôn tham mưu và đề nghị làm tiếp thôi.

Theo tôi, địa phương cần phải đẩy mạnh việc thực hiện nghị định 176 để các tổ chức, đơn vị, cá nhân sống, thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật.

Những vấn đề gì vi phạm thì phải tiến hành xử phạt. Nhưng trước khi phạt phải hướng dẫn, vận động các đơn vị, tổ chức, người dân thực hiện trước. Nếu vẫn không thực hiện mới tiến hành xử phạt.

Còn quy trình thực hiện, xử phạt thế nào thì địa phương có bộ phận tư pháp sẽ triển khai thực hiện” - bác sĩ Dũng nói.

Bác sĩ Dũng cho biết tại tất cả các buổi làm việc về công tác kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, ngành y tế, cơ quan y tế dự phòng đều đề nghị UBND các địa phương phải triển khai nội dung xử phạt này.

Bởi vì đó là một trong những biện pháp để kiểm soát tốt những điểm nguy cơ và xóa bỏ những điểm nguy cơ lây truyền dịch bệnh.

Những điểm nguy cơ đó có thể là công trình xây dựng, vựa ve chai, quán cà phê sân vườn, nhà hàng có nhiều cây kiểng, nơi bán hòn non bộ... có những vật chứa tạo thuận lợi cho muỗi, lăng quăng phát triển.

Khoản 2, mục b, điều 11 nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định: nếu không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

Theo cảnh báo của ngành y tế TP, hiện nay sốt xuất huyết và Zika là dịch bệnh đang lưu hành trên địa bàn và có thể lây lan bất cứ lúc nào nếu có điều kiện thuận lợi.

Do đó nếu để những vật chứa, đựng có lăng quăng - điều kiện thuận lợi để lây lan dịch bệnh - được xem là hành vi vi phạm theo nghị định 176.

YẾN TRINH - LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp