22/11/2021 11:14 GMT+7

Cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành phim trường

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Huế đang sở hữu một viên ngọc quý mà gần như chẳng nơi nào có được trong điện ảnh. Đó là nét duyên, cổ kính, trầm mặc của đền đài, cung điện, di tích, kiến trúc Pháp...

Cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành phim trường - Ảnh 1.

Bối cảnh trong phim Kiều được quay ở Huế - Ảnh: ĐPCC

Đây là bối cảnh mà những nhà làm phim, đặc biệt là dòng phim cổ trang ở Việt Nam, đang rất cần, đó là chia sẻ của đạo diễn phim Kiều Mai Thu Huyền. 

Khi bộ phim công chiếu tại Mỹ, nhiều người xem thích thú trước những cảnh đẹp được quay ở Huế xuất hiện trên màn ảnh như hồ Dài ở lăng vua Gia Long, hồ Lưu Khiêm ở lăng vua Tự Đức, hệ thống trường lang trong Tử Cấm thành, vườn ngự uyển Thiệu Phương, làng cổ Phước Tích... 

"Tôi hy vọng dự án xây dựng Huế trở thành phim trường ở Việt Nam sẽ được triển khai càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp Huế mang lại nguồn thu đáng kể từ các hoạt động điện ảnh, du lịch và góp phần phát triển ngành điện ảnh Việt Nam nhờ có một phim trường đẹp, thật và chuyên nghiệp" - đạo diễn Mai Thu Huyền nói.

Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế, cho biết phim Đông Dương của đạo diễn Régis Wargnier là bộ phim nước ngoài đầu tiên được quay trong cung điện, lăng tẩm thuộc quần thể di tích cố đô Huế từ những năm 1990. Sau khi công chiếu tại Pháp năm 1992, bộ phim này đã đoạt giải Oscar (dành cho phim nói tiếng nước ngoài). 

Tiếp đến là bộ phim Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 1987. Gần đây nhất, phim Mắt biếc (giải Bông sen vàng phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22) của Victor Vũ đã tạo nên một cơn sốt thú vị, đặc biệt với giới trẻ, khi những cảnh quay đậm chất thơ ở Huế như đồi Vọng Cảnh, cây cô đơn... lên sóng. 

Theo ông Hải, chừng đó thôi cũng đủ cho thấy tiềm năng phát triển phim trường với những bối cảnh ở Huế là rất lớn.

Ông Hải cũng cho biết ý tưởng xây dựng một phim trường cho Huế, đặc biệt là phim trường cổ trang, đã được lãnh đạo tỉnh nêu lên từ khá sớm. Sở đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh và các sở ngành liên quan xây dựng các chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn nghiên cứu xây dựng phim trường chuyên nghiệp, phục vụ khai thác một cách bền vững thế mạnh này. 

"Khó khăn lớn nhất khi xây dựng Huế trở thành phim trường là những rủi ro về vấn đề thời tiết. Vì xứ Huế liên tục gặp mưa bão đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch, chất lượng của các diễn viên và êkip đoàn làm phim" - ông Hải nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh đang hướng đến việc xây dựng cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một phim trường lớn, một điểm đến điện ảnh. Tuy nhiên, ông Bình cũng nói thêm rằng tỉnh luôn chào đón các đoàn làm phim đến Huế để xây dựng bối cảnh nhưng muốn bấm máy thì cần có sự chọn lọc, thẩm định. 

"Có những bộ phim chúng tôi phải lập cả một hội đồng thẩm định kịch bản để xem bộ phim này có phù hợp khi chọn bối cảnh ở Huế hay không. Không thể đưa đoàn phim hài kịch, diễn viên ăn mặc phản cảm vào quay phim trong Đại Nội được" - ông Bình nói.

Gái già lắm chiêu V: Phim 2 triệu USD quay ở Cung An Định, Đại Nội Huế Gái già lắm chiêu V: Phim 2 triệu USD quay ở Cung An Định, Đại Nội Huế

TTO - Phim Tết 'Gái già lắm chiêu V' có kinh phí 2 triệu USD (46 tỉ đồng), quay tại các bối cảnh hoành tráng thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp