Phóng to |
Nhiều bạn trẻ thực hiện ước mơ của mình thông qua những “lò rèn ca sĩ”. Trong ảnh: Ba giọng ca trẻ Thanh Duy, Nguyễn Dân và Lê Minh đang được dìu dắt bởi ca sĩ Phương Uyên của Công ty Ba Con Mèo - Ảnh: Gia Tiến |
Phải hát nhạc teen, phải lên báo, phải đi nước ngoài... mới chóng thành sao. Các ca sĩ trẻ hôm nay hình thành một ý thức máy móc và lệch lạc về sự nổi tiếng. Họ không ngại đổ tiền để hình ảnh của mình xuất hiện trên các báo, tạp chí dưới dạng một bài phỏng vấn kiểu "dự định tương lai", "hình tượng sexy", "sở thích khi nhàn rỗi"... Những bạn kinh phí dồi dào hơn có thể yêu cầu được xuất hiện trên trang bìa và trở thành một phần nguồn thu của tạp chí - nguồn thu không bao giờ xuất hiện trên sổ sách.
Muôn nẻo đường tắt
P.Tr., sắp ra mắt album đầu tay, đã vội tìm ngay "đường dây" mua bìa, đặt hàng viết bài giới thiệu bởi: "Thầy bói nói em phải ra album vào tháng 8 mới hên, chóng thành sao". Cô tỏ ra sành sỏi khi ngã giá, so sánh giữa nhiều đầu báo, giữa bài to, bài nhỏ hay tin. Còn nhạc sĩ làm album cho Tr. thừa nhận: "Giọng nó còn non lắm!".
H.Ng. là một trường hợp khác. Chưa đi hát ở đâu nhưng đã thuê hẳn trợ lý tiếp xúc với các phóng viên văn nghệ, đặt vấn đề trả trước nhuận bút nếu họ nhận lời viết về album sắp phát hành của cậu. Ðể dự phòng cho khoản ăn nói vụng về, êkip của Ng. bao gồm cả người chuyên trả lời phỏng vấn khi có báo đồng ý "lên bài"... Họ không phải là những trường hợp hiếm hoi mang ảo tưởng rằng chỉ cần lên được báo là sẽ thành danh, album sẽ thắng lợi khi trong kế hoạch xuất hiện của hàng loạt ca sĩ, nhóm nhạc trẻ luôn có khoản dự trù kinh phí dành cho PR.
Ca sĩ càng nhiều, sự đào thải càng lớn Khi các bạn trẻ cố nổi danh chỉ bằng xìcăngđan, bằng những thủ pháp bề mặt của công nghệ bất chấp năng lực hiện có thì sự thua thiệt sẽ rơi vào khán giả và chính nền nhạc nhẹ Việt Nam. Khi những tài năng không nhiều cơ hội xuất hiện trên truyền thông vì thiếu kinh phí PR, khi sân khấu biểu diễn bị những “ca sĩ kèm người” chiếm dụng thì âm nhạc đích thực đã mất chỗ vang lên và khán giả cũng mất cơ hội thưởng thức. Từng có câu nói mỉa mai rằng: “Thời bây giờ ca sĩ còn nhiều hơn cả người thường”, nhưng những giọng ca thật sự có chất lượng lại quá hiếm hoi. Ca sĩ càng nhiều thì sự cạnh tranh đào thải càng lớn và chính khán giả sẽ quyết định loại bỏ ai khỏi danh sách nghệ sĩ đáng nghe. Nếu không đủ khả năng, dù có bao nhiêu lần đánh bóng, bao nhiêu chuyện lùm xùm, được bao nhiêu người biết thì rồi cũng sẽ phải lặng lẽ ra đi. |
Giọng ca N.Th. đã khiến tất cả người quen biết cô trong làng văn nghệ tiếc nuối khi quyết hát "nhạc teen" cho mau nổi, vì "khán giả bây giờ chỉ nghe nhạc teen thôi". Hơn bảy năm theo nghiệp hát, giọng khá, từng đoạt giải trong nhiều cuộc thi ca nhạc nhưng vẫn chưa được tổ đãi, cô chán nản chuyển sang làm nhiều nghề khác nhau.
Bất chấp chất giọng khàn đặc trưng được đánh giá chỉ hát tốt những tác phẩm rock mạnh mẽ, sôi động; bất chấp cả lứa tuổi không còn phù hợp làm công chúa, búp bê; bỏ ngoài tai những lời khuyên, cô cãi: "Bảo Thy, Bích Hữu nhờ hát nhạc teen mà lên thấy không?". Bạn bè chỉ còn cách lắc đầu: "Thôi kệ, nói nữa mất công nó giận".
Sau những giải thưởng dành cho thí sinh nhỏ tuổi trong các cuộc thi ca hát, T.T. được định vị là ca sĩ chuyên thể hiện những ca khúc tuổi hoa. Vài thành công nho nhỏ có lẽ chưa làm cô hài lòng bèn chuyển sang hát những tác phẩm vượt quá lứa tuổi.
Ðĩa nhạc "lớn" không mấy thành công dù được đầu tư lớn, cô đành phải quay về với dòng nhạc teen quen thuộc. Cô ra nước ngoài mang theo hi vọng thắng trên sân chơi hải ngoại nên sẵn sàng hùn vốn vào một trung tâm ca nhạc để được mời hát trong các chương trình của đơn vị này. Tiếc thay gu thưởng thức của kiều bào lại không mấy tương hợp với lối hát và chất giọng của cô. Sắp tới đây cô sẽ lại quay về với lớp khán giả teen của mình. Cái mác "từng bay show hải ngoại" liệu có giúp cô bứt phá khỏi vị trí đã có trước lúc ra đi, khi mà khán giả teen cũng chóng quên không thua gì dễ nhớ?
Vội đến, vội đi
Những cuộc chia tay giữa các bầu show, công ty quản lý và ca sĩ thời gian qua đã làm hao tốn không ít giấy mực của báo chí. Bên nào cũng đầy lý lẽ nhằm kéo chân lý về phía mình và công kích những người từng được gọi là thầy, cô, trò... Không ai nói đến nguyên nhân thật của sự chia ly - mâu thuẫn giữa một bên muốn thu lợi nhuận với mức đầu tư thấp nhất và bên kia muốn được nổi tiếng, kiếm tiền nhanh nhất.
Khi thấy mình ít được đầu tư hơn, mức lương thấp hơn một đồng nghiệp đàn em, cô ca sĩ từng lận đận nhiều năm ở Hà Nội, được một công ty nâng đỡ có chút tên tuổi đã vội quay lưng và không quên màn tố khổ lẫn nhau trên báo. Gặp lại S.H. sau một thời gian vắng mặt khỏi các sân khấu ca nhạc, anh cho biết đã rút khỏi Công ty G vì: "Làm việc với nhau một năm rồi mà vẫn chưa có gì sáng sủa trong khi tôi không còn trẻ nữa, thôi nghỉ!". Từng là thành viên của một nhóm nhạc nam đình đám, từng được nhiều người dìu dắt, nâng đỡ mà vẫn chưa thể thành công, liệu rồi thần may mắn có mỉm cười với anh ở cái chỗ khác mà anh sắp đến?
Nỗi sợ hãi về sự ngắn ngủi của tuổi nghề, khát vọng nổi nhanh, kiếm tiền nhanh đã không cho phép các ca sĩ trẻ theo đuổi những dự án dài hơi. Họ lao vào các công ty "đào tạo ca sĩ" cùng những khóa học cấp tốc ba tháng cơ bản, ba tháng nâng cao - những khóa học không thể biến một người bình thường thành ca sĩ tài năng. Song thay vì dành thời gian rèn luyện, các "ca sĩ" trông chờ ở công nghệ lăngxê hầu được nổi tiếng để rồi khi không thỏa nguyện, họ lại nhảy cóc qua các đơn vị, ông bầu, kéo theo những vụ lùm xùm, đổ vỡ.
"Ca sĩ muốn sớm nổi tiếng tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường và chẳng có gì đáng trách. Nhưng nổi tiếng mà không có thực lực, không chuyên cần rèn luyện sẽ rất nguy hiểm" - lời của nhạc sĩ Dzoãn Bình liệu có đánh động được suy nghĩ của những bạn trẻ đang ôm mộng hóa sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận