Ca sĩ Vũ Thắng Lợi (trên) chuẩn bị làm live concert các ca khúc trữ tình về Hà Nội - Ảnh: NVCC
Điều này cũng dễ hiểu vì sẽ có những lúc các ca sĩ muốn lui vào những ngóc ngách tâm hồn rất cá nhân, không thể cứ mãi vạm vỡ, phơi phới như nhạc đỏ. Nhưng cũng có những ý kiến hoài nghi các ca sĩ nhạc đỏ chuyển hát thêm nhạc xưa, thậm chí bolero, là bởi dòng nhạc này đang được yêu thích và ca sĩ dễ kiếm sô.
Tới lúc này tôi thấy âm nhạc thính phòng không đáp ứng được nhu cầu đi sâu vào ngõ ngách cảm xúc của mình. Tới lúc tôi không muốn lúc nào cũng phải gồng lên, vạm vỡ, hào sảng mà cũng có lúc cần phải nhẹ nhàng, trìu mến. Xét cho cùng, dù hát dòng nhạc nào đi nữa cũng là hát cho khán giả nghe. Âm nhạc không phân cao thấp, sang hèn.
Ca sĩ Phúc Tiệp
Ai rồi cũng hát nhạc xưa
Trọng Tấn có lẽ là ngôi sao nhạc đỏ đầu tiên được đánh giá là mạnh dạn ra khỏi vùng an toàn và chứng minh khả năng biến báo, có thể chinh phục nhiều dòng nhạc khác nhau.
Từ lâu, Trọng Tấn là giọng nam dòng nhạc thính phòng và nhạc đỏ gần như duy nhất được mời đứng chung sân khấu với những ca sĩ hàng đầu dòng nhạc nhẹ như Tùng Dương, Thanh Lam. Khán giả còn nhớ màn song ca Gọi nắng (Trịnh Công Sơn) đầy bất ngờ của Trọng Tấn - Tùng Dương. Sau đó, Trọng Tấn còn ra mắt album nhạc trữ tình Ngõ vắng xôn xao gồm các sáng tác của Thanh Tùng, Từ Huy…
Tiếp sau đó, giọng hát thính phòng Lan Anh gây bất ngờ khi trong live concert cuối năm 2018, bên cạnh những ca khúc nhạc đỏ làm nên tên tuổi của mình, chị trình diễn ca khúc bolero Không bao giờ quên anh (Hoàng Trang) cùng dàn nhạc giao hưởng.
Được khán giả đón nhận, từ đó mỗi năm chị lại lặng lẽ ra một album Chuyện tình bolero và thêm một album "nhạc xưa". Điều bất ngờ là các album này đều rất đắt hàng, ca sĩ có lãi. Chị cho biết gần đây ngoài các bài hát nhạc đỏ, chị cũng được khán giả yêu cầu hát bolero trong các sự kiện.
Mới đây nhất, ca sĩ thính phòng và nhạc đỏ Phúc Tiệp - người có giọng hát rất khỏe, được ví von hài hước là "giọng hát vỡ gương" - cũng ra mắt album nhạc xưa mang tên Vết xưa gồm các ca khúc của Đức Huy, Nguyễn Đình Toàn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn.
Từng đoạt giải nhì dòng nhạc thính phòng cuộc thi Sao mai 2007, giải nhì cuộc thi Tiếng hát thính phòng toàn quốc 2009, Phúc Tiệp khẳng định mình là "dân thính phòng" chính hiệu và chỉ khi hát dòng nhạc này thì anh mới được là chính mình.
Song cuối cùng giảng viên khoa thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng kìm giọng, dùng 10% năng lượng để hát nhạc xưa. Nam ca sĩ tiết lộ sau album này, anh nghĩ đến việc hát nhạc Đoàn Chuẩn, Phú Quang…
Vũ Thắng Lợi - một "ngôi sao" khác của dòng nhạc đỏ, phục vụ trong quân đội, gắn bó với dòng nhạc này gần 20 năm - xác định rõ sở trường của mình là nhạc đỏ, nhưng anh cũng vừa ra đĩa than và đĩa CD Hà Nội của tôi gồm các ca khúc như Nỗi lòng người đi, Hoa sữa, Tôi muốn mang hồ Gươm đi, Hà Nội ngày ấy, Em ơi Hà Nội phố, Phố nghèo, Hà Nội ngày trở về...
Cảm nhận được giọng hát của mình nay đạt đến độ chín, ca sĩ chia sẻ anh muốn thử sức với những bài hát mềm mại, trữ tình, sâu lắng hơn. Ngoài album mới, vào ngày 3-12 tới, anh còn tổ chức live concert cùng tên.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét giọng hát Vũ Thắng Lợi kết hợp được cả phần mềm mại của dân ca với phần hào hùng của tráng ca, vì vậy anh chuyển từ "màu" này sang "màu" kia rất dịu và êm.
Ca sĩ Phúc Tiệp vừa phát hành album nhạc xưa - Ảnh: HÒA NGUYỄN
"Con dao hai lưỡi" hay xu hướng tất yếu?
Ca sĩ - giảng viên thanh nhạc Lê Anh Dũng mặc dù thừa nhận các ca sĩ nhạc đỏ chỉ đủ trang trải cuộc sống chứ khó "giàu" như các ca sĩ dòng nhạc ăn khách khác, nhưng anh cũng cho rằng các đồng nghiệp đến một lúc muốn tìm về nhạc xưa là vì ở một tuổi nào đấy họ cần tìm đến những tiếng nói tâm tình mang tính cá nhân hơn cho chính cảm xúc của mình và cho khán giả, để được trải lòng chứ cũng không phải vì mục đích kinh tế.
Thường là khi các ca sĩ nhạc đỏ đã đạt được độ chín trong dòng nhạc mình theo đuổi thì "dạo chơi" thêm với một số dòng khác.
Dẫu vậy, việc các ca sĩ nhạc đỏ rẽ ngang hát nhạc xưa, theo Lê Anh Dũng, cũng là "con dao hai lưỡi". Giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho rằng mỗi ca sĩ nên chọn lối đi riêng cho mình và trung thành với lối đi ấy.
Nhạc sĩ Anh Quân lại không khắt khe như vậy khi nhìn nhận câu chuyện nhiều ca sĩ nhạc đỏ gần đây hát nhạc xưa. Nguyên nhân theo anh là do nhạc thính phòng hay nhạc đỏ cũng rất gần với nhạc xưa.
Ngoài ra, xu hướng ca sĩ hát nhiều dòng nhạc, thậm chí rất cách xa nhau, cũng là xu hướng đang có trên thế giới. Anh cho biết trên thế giới hiện nay ca sĩ opera hát pop rất nhiều.
"Âm nhạc bây giờ không còn đóng gói trong các thể loại phân chia rõ ràng mà là một thế giới mở kết hợp với nhau, tạo nên những thứ mới lạ. Khán giả có xu hướng đóng khung ca sĩ vào một dòng nhạc cố định nhưng đừng nên nghĩ thể loại này thể loại kia mà chỉ cần phù hợp với giọng hát", nhạc sĩ Anh Quân nói.
Không vì thu nhập
Ca sĩ Phúc Tiệp cho biết sau hơn 20 năm nay hát toàn những tác phẩm đồ sộ, anh nghĩ đến việc hát nhạc xưa khi tự thấy bản thân đã đủ độ va vấp, trải nghiệm và sẵn sàng thả lỏng mình hơn trong cách hát.
Theo anh, về cơ bản nghệ sĩ thính phòng, nhạc cách mạng... nghèo, nhưng với anh thì hoàn toàn không phải vì "chết đói phải tìm dòng nhạc khác có tiền hơn".
Ca sĩ Lan Anh cũng khẳng định việc chị hát thêm nhạc xưa, bolero chỉ là để đến gần hơn với khán giả. Bởi giai đoạn này mọi người cần những cảm xúc, câu chuyện đời thường trong các bài hát bolero, thích nghe những gì rất đời, rất bình dị.
Chị cũng được nhiều người hỏi có phải tại bolero dễ kiếm sô, nhưng nữ ca sĩ phủ nhận điều này bởi đến nay chị vẫn được mời hát nhạc đỏ nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận