Đức Tuấn trình diễn trong đêm nhạc Phú Quang hôm 26-12 tại Hà Nội - Ảnh: HOÀNG VIỆT
Tốn kém, ngược thời là hai nhận định mà ngay lập tức công chúng dành cho Đức Tuấn.
Nói Đức Tuấn ngược đời, thậm chí cho chút ngông cuồng, nhưng dường như anh cũng có lý khi 300 đĩa anh "bán sớm" đã hết sạch ngay trong giờ giải lao live show của nhạc sĩ Phú Quang Trong miền ký ức vào tối 26-12 tại Hà Nội vừa qua.
đã phải nhờ đơn vị phát hành gửi gấp thêm 150 album để bán cho đêm thứ hai.
Album mới nhất của Đức Tuấn
* Anh có nghĩ rằng "Đức Tuấn - Phú Quang in Symphony" vẫn là một album rất khó bán vì giá cao (1 triệu đồng/đĩa), hình thức nghe nhạc bằng CD đã lỗi thời và nhạc giao hưởng vốn kén khán giả?
- Đĩa nhựa, băng cassette hay CD cũng chỉ là hình thức thôi. Nếu chọn phát hành sản phẩm âm nhạc trực tuyến, tôi cũng phải làm một album cho chỉn chu mới có thể phát hành. Tôi vẫn sẽ phát hành album theo hình thức trực tuyến, nhưng tôi chọn hình thức CD trước vì thích cảm giác cầm một cái CD trên tay, ngắm nghía, lắng nghe.
Qua việc "cháy hàng" bán đĩa sớm vừa rồi, tôi biết vẫn có những khán giả có niềm hạnh phúc cầm CD trên tay giống mình, coi mỗi đĩa nhạc là một tác phẩm nghệ thuật và mua đĩa ngoài việc thưởng thức còn để sưu tầm, lưu giữ như một kỷ niệm. Và nếu đã như vậy, tôi lại càng phải đầu tư thật xứng đáng cho mỗi album của mình dù chi phí hay giá thành có cao.
18 ca khúc Phú Quang do nhạc sĩ Huyền Trung phối cho hai CD hoàn toàn được thu "sống" cùng dàn giao hưởng tại Hà Nội, qua phần chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji sẽ phải mất một khoản chi không thể nhỏ. Nhưng tôi làm vì tôi yêu thích, đam mê và cũng vì mong muốn của chính nhạc sĩ Phú Quang.
Không ít ca sĩ hát nhạc của ông, không ít đêm nhạc của ông, nhưng ông nói rằng ông luôn mong có một album mà các ca khúc của ông được "đứng" cùng dàn giao hưởng. Nếu cả hai đều đồng lòng thì sao không làm đến nơi đến chốn?
Đức Tuấn hát Chiều không em
* Nhưng nhạc giao hưởng vốn kén khán giả...
- Khi chọn giao hưởng, tôi chưa bao giờ nghĩ mình đã hay đang đi ngược dòng. Giao hưởng là xương sống của nền âm nhạc thế giới. Giao hưởng có thể chơi được mọi thể loại, chứ không riêng gì cổ điển. Chắc nhiều người đã nghe giao hưởng chơi với tinh thần của dance, R&B, hip hop qua các tác phẩm của Kanye West, Justin Timberlake... rồi chứ.
Vậy nên tôi chọn giao hưởng cho những tác phẩm pop cùng những bản phối rất phù hợp với người đương thời. Tôi mong muốn khán giả của mình không chỉ được nghe những lời ca hay, giọng hát đẹp, mà còn cả những âm thanh tuyệt hảo của dàn nhạc giao hưởng.
Nghe Đức Tuấn hát nhạc Phú Quang “in Symphony”
* Nhưng đã hát cùng giao hưởng thì đi theo đó phải là một dàn nhạc hay nhà hát tiêu chuẩn. Anh lại tự làm khó cho mình!
- Không riêng gì giao hưởng, những người làm sô giải trí tại Việt Nam đều đau đầu về vấn đề nhà hát. Chúng ta chỉ có những nhà hát "tạm được", chứ để đạt những tiêu chuẩn, yêu cầu cơ bản nhằm trình diễn và thưởng thức hiện đại thì không. Trong suốt sự nghiệp của mình, hình ảnh tôi đã gắn liền với dàn giao hưởng.
Tôi đã tổ chức đêm Music of the night tại Nhà hát TP và sau đó là tại nhà hát Hòa Bình, đều rất nuối tiếc về không gian biểu diễn. Nhà hát TP đảm bảo được âm thanh mộc nhưng hạn chế về chỗ ngồi, điều kiện để kết hợp những loại hình nghệ thuật khác. Trong khi nhà hát Hòa Bình chỉ được số lượng khán giả và sân khấu lớn.
Một nhà hát chuẩn mực, hiện đại là nhu cầu vô cùng thiết yếu và cấp bách để chúng ta có được những sô diễn tầm cỡ, đỉnh cao cho nghệ sĩ trong và cả ngoài nước. Tôi vẫn sẽ theo đuổi đam mê của mình và mơ được trình diễn trong nhà hát giao hưởng đúng nghĩa trong tương lai.
Ca sĩ Đức Tuấn trong một buổi ra mắt album
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận