Phóng to |
Chí Thiện đã qua những ngày tháng phung phí tuổi trẻ, giờ đây nuôi dưỡng ước mơ bằng lao động thật sự - Ảnh do Chí Thiện cung cấp |
Tôi từng là một quý tử “đốt tiền” như rác ở bar, vũ trường từ những năm trung học.
Thời điểm ấy, khi bạn bè xung quanh mỗi ngày chỉ được cho vài ngàn đồng đi học thì trong túi tôi lúc nào cũng rủng rỉnh số tiền bằng cả tháng lương người khác. Tiền nhiều, có xe hơi đẹp lại thêm những lời rủ rê của bạn bè, tôi thường diện những bộ đồ hiệu giá cả triệu đồng để đi sàn, rồi sau đó nốc những chai rượu đắt tiền đủ để người thường chóng mặt.
Việc “boa” những tờ tiền lớn cho các cô phục vụ vây quanh mình chưa bao giờ là điều khiến tôi phải bận tâm. Cảm giác được chào đón, tôn vinh lên mây như những VIP (nhân vật quan trọng) thực thụ mỗi khi tới bar kỳ lạ lắm: nó khiến tôi ngây ngất như được làm ông hoàng. Và tôi thèm cảm giác ngây ngất đó mỗi đêm, cứ lún sâu, lún sâu vào.
Gia đình tôi sau đó sạt nghiệp. Cha mẹ tôi lần lượt bán căn nhà này đến căn nhà khác để trả nợ rồi mướn một căn phòng nhỏ ở khu chung cư xập xệ ở tạm. Từ một quý tử đi đâu cũng có xe hơi bóng loáng, áo quần hàng hiệu thẳng thớm, lần đầu tiên tôi phải khoác chiếc áo phục vụ ở một quán nước và bắt đầu làm việc với thân phận mới: bồi bàn. Thú thật, cảm giác của tôi lúc ấy là vô cùng tủi thân, xấu hổ.
Tôi suy nghĩ nhiều lắm... Đêm thường mất ngủ, sáng ra không còn muốn bước chân ra khỏi nhà vì tự thấy mặc cảm tràn trề. Thử tưởng tượng mới hôm nào mình còn ở vị thế chuyên là kẻ ban phát giờ lại là kẻ ngửa tay, tôi nghẹn ngào... Có những người bạn trước đây luôn vồ vập chào đón, được tôi khao đi bar giờ gặp lại chỉ nhếch môi, đôi khi chẳng buồn nhìn.
Nếu trước đây “boa” cho phục vụ bar mỗi lần nhiều trăm ngàn đồng không tiếc thì bây giờ tôi nâng niu và trân trọng từng tờ tiền lẻ nhàu nát được “boa” sau tám tiếng đứng cả ngày. Tôi phải dở dang việc học, em gái cũng phải đi làm phục vụ... Lúc ấy tôi mới thấy hối hận về những tháng ngày phung phí của mình.
Có những đêm tôi ước một điều rất đơn giản: có đủ tiền để tiếp tục ngồi ghế giảng đường. Nhưng khi thấy gia đình ai cũng mệt mỏi, kiệt sức vì kế sinh nhai, tôi biết tốt hơn mình nên khép lại chuyện học.
Hiện tại dẫu hoàn cảnh gia đình đã vượt qua khó khăn và bản thân cũng có chút tiếng tăm, nhưng tôi biết mình không bao giờ phung phí tiền như ngày xưa nữa. Tôi muốn cảm ơn việc gia đình gặp khó khăn, vì nhờ đó mà tôi biết giá trị thực của đồng tiền, và biết giá trị con người không phải ở sự phung phí tiền, “đẳng cấp” thật sự chính là do lao động.
Trong khi một bộ phận bạn trẻ vào vũ trường để “thể hiện đẳng cấp” thì ở những nước giàu hơn ta, việc vào vũ trường và tiêu tiền như giới trẻ VN là điều rất lạ lẫm. * VŨ ĐĂNG HỌC (27 tuổi, Việt kiều Mỹ): Mỹ: thường gọi từng ly một Tôi sống ở San Jose, Mỹ, nơi có khá nhiều vũ trường và thỉnh thoảng tôi cũng đến những nơi này để giải trí. Ở đây phải đủ 21 tuổi mới được bước vào. Nếu muốn uống khách phải tự tới quầy mua, không ai được phép mua cả chai mà chỉ mua từng ly. Vì vậy không ai có cơ hội thể hiện đẳng cấp. Thực tế cũng chẳng ai nghĩ chơi trội cả chai hạng sang là đẳng cấp. Rất ít trường hợp có tiếp viên chào đón, vây quanh khách nồng nhiệt như ở VN. Thú thật, tôi là người trẻ và sống ở nước ngoài lâu năm, thế nhưng vẫn không chịu được cảnh bạn trẻ trong nước tiêu tiền quá tay như vậy. * ĐÀO TRỌNG NHÂN (18 tuổi, du học sinh ở Anh): Anh: chẳng có đẳng cấp nào ở đó cả! Theo quan sát của tôi, ở Anh giới trẻ đi bar - vũ trường chỉ để giải trí vào dịp cuối tuần hoặc các buổi sinh nhật, tốt nghiệp... chứ không thường xuyên như giới trẻ Việt. Một số người tới vũ trường nhưng vẫn có thể uống những loại giải khát không cồn, không nhất thiết phải uống bia hay rượu như ở VN. Bar không chỉ là nơi để vào uống rượu bia mà còn là nơi để xã giao, chuyện trò, coi đá banh (quán nào cũng có màn hình lớn), chơi bida... Nói chung không gói gọn trong nghĩa rượu bia và nhậu nhẹt, khoe mẽ, chơi trội và là nơi thể hiện đẳng cấp. * ALEC EDWARD BROOKS (18 tuổi, người Úc, đang thực hiện Gap Year tại VN): Úc: chưa đủ tuổi, có muốn vào cũng chịu! Ở đất nước chúng tôi phải trên 18 tuổi mới được phép đặt chân vào vũ trường và dùng thức uống có cồn. Giới trẻ dẫu tò mò, muốn vào cách mấy cũng không được vì hình phạt rất nặng. Bản thân tôi khi ở Úc cũng không có cơ hội để đến những chốn này vì chưa tới tuổi. Vì vậy tôi cũng như nhiều bạn bè rất ngạc nhiên khi thấy vũ trường ở VN hoạt động quá dễ dãi, hút thuốc, uống rượu thả giàn. Đó là chưa kể việc tiêu tiền của giới trẻ tại VN quá mức kinh khủng như vậy! * NGUYỄN CÔNG HIẾU (23 tuổi, cựu du học sinh tại Nhật): Nhật: giới trẻ hiếm đến vũ trường Khoảng thời gian du học tại xứ sở mặt trời mọc, tôi thấy mọi người chỉ vào vũ trường trong những dịp lễ lớn, còn ngày thường chủ yếu là du khách. Giới trẻ Nhật tuy bị nhiều người coi là lập dị, có phong cách ăn mặc kỳ quái... nhưng họ không tiêu tiền như rác và “chứng tỏ đẳng cấp” ở vũ trường như giới trẻ Việt. Mặt khác, quy định về lượng cồn được uống ở các quán bar rất nghiêm ngặt, không dễ dãi như ở VN. Chính điều đó cũng góp phần lớn vào việc tạo nên quy củ, không thả giàn như ở VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận