Những ngày này ở Hội An xuất hiện nhiều điểm tập kết lương thực quyên góp cho TP.HCM - Ảnh: Ánh Tuyết cung cấp
Hôm xưa nơi đây mùa lũ, cả nước hướng về miền Trung, có bà con miền Nam hăng hái sẻ chia yêu thương, thì nay, từng chuyến hàng từ Trung vô Nam, thấm đượm thiêng liêng hai tiếng đồng bào.
Ca sĩ Ánh Tuyết
Ngót hơn 10 năm qua, Ánh Tuyết không ca hát gì nhiều, nhưng gặp được ca khúc Gửi vô Nam, sự xúc động dâng trào khiến chị dặn lòng phải cố gắng hát thật tốt và làm một sản phẩm thật ý nghĩa để xứng đáng với tấm lòng người miền Trung đang gửi trao cho TP.HCM.
Đây không phải là sáng tác của nhạc sĩ tên tuổi nào, mà là tiếng lòng của nhà báo Hồ Tấn Vũ - một người con của miền Trung yêu thương một Sài Gòn luôn "biết vui theo cách của mình".
Ánh Tuyết đã hát hết mình giữa phố cổ Hội An với tấm lòng sẻ chia cùng bà con miền Nam - Ảnh: Ánh Tuyết cung cấp
Suốt một tháng nay, những chuyến xe nghĩa tình liên tục chở hàng nghìn tấn lương thực từ miền Trung gửi vô Nam.
“Có mấy trái dưa hồng mà cũng gom, cũng hái, cũng mót cho bằng được gửi vô quá là dễ thương luôn dì hỉ”.
Và đáp lại câu nói ấy của ca sĩ Ánh Tuyết là lời tâm sự của người dân Quảng Nam: “Hồi xưa hạt gạo chẻ làm tư còn chẻ được mà… Cái chi chứ ủng hộ đồng bào miền Nam ảnh hưởng dịch là bà con sẽ ủng hộ liền. Của thì có thể ít, chứ tấm lòng thì nhiều lắm…”.
MV 'Gửi vô Nam' của ca sĩ Ánh Tuyết
Ca sĩ Ánh Tuyết cho biết hiện nay ở Hội An (Quảng Nam) và nhiều địa phương khác ở miền Trung, đi đâu cũng bắt gặp những điểm tập kết quyên góp lương thực cho miền Nam. Những hình ảnh ấy tiếp thêm động lực để chị quyết tâm trở lại phòng thu, thực hiện ca khúc Gửi vô Nam.
Ca khúc đã được hòa âm trong thời gian nhanh kỷ lục bởi nhạc sĩ khiếm thị Ngọc Minh Saxophone, với màu sắc âm nhạc phảng phất những giai điệu dân ca miền Trung.
Gửi vô Nam không đơn thuần chỉ là một MV ca nhạc mà được thực hiện như một đoạn phim tài liệu ngắn mang hình ảnh của những cô dì, chú bác gởi sản vật từ ruộng vườn miền Trung tới đồng bào miền Nam.
Ca sĩ Ánh Tuyết tâm sự sau khi tận mắt chứng kiến người dân quê mình hết lòng vì miền Nam rồi hát ca khúc này, chị đã bật khóc ngay ở những câu đầu tiên - Ảnh: Hồ Tấn Vũ cung cấp
"Hơn 30 năm, Sài Gòn không biết từ khi nào đã trở thành nhịp đập trong trái tim tôi, đã nuôi tâm hồn tôi lớn mạnh cùng nghệ thuật.
Dù rằng tôi đang sống tại Hội An, nhưng trong lúc này lòng tôi cứ đau đáu ngóng tin từng giờ, từng phút, từng giây để biết bà con trong đó bây giờ ra sao, thành phố bây giờ thế nào.
Tôi đã hát bằng tấm lòng của người dân xứ Quảng chắt chiu gom góp những món quà nghĩa tình gởi vô Nam. Buổi sáng hôm đó, tôi đã rơi nước mắt khi thấy bà con gom góp từng bó rau, trái bầu, củ cải…
Ở điểm tập kết nông sản, tôi gặp một cô bị khuyết tật tới góp 100 nghìn. Cô ấy nói biết là mình đang khó đấy, nhưng của ít lòng nhiều, chỉ mong cho miền Nam sớm vượt qua được khoảng thời gian này.
Khi được chứng kiến những hình ảnh nghĩa tình ấy, rồi hát lên lời ca mà bạn Hồ Tấn Vũ viết ra, tôi đã khóc ngon lành.
Sau đó, tôi quyết tâm thu âm, rồi đi quay thêm tư liệu, hình ảnh bà con đang gom góp nông sản gửi vào Nam với hy vọng có thể mang đến một sản phẩm thật ý nghĩa để gửi tặng mọi người lúc này” - ca sĩ Ánh Tuyết thổ lộ.
MV "Gửi vô Nam" đã mang đến nhiều thước phim quý giá về nghĩa tình đồng bào trong lúc khó khăn - Ảnh: Ánh Tuyết cung cấp
Tác giả của ca khúc - nhà báo Hồ Tấn Vũ - cho biết khi sáng tác, anh giữ một niềm tin mãnh liệt rằng Sài Gòn “chắc chắn sẽ vui trở lại”.
Lời ca không mỹ miều câu chữ, nhưng lại chứa đựng sức nặng của sự chân thành: “Tấm lòng miền Trung, gửi vào trong nớ/ Gửi bao yêu thương, theo ngàn câu hò/ Gửi em muối mặn, gửi mẹ gừng cay… /Miền Nam nắng lên, con về thăm nhà/ Miền Nam nắng lên, con vào tăng ca, em vào lớp học, bên hè xôn xao…”.
"Sài Gòn trở bệnh, thấy dì Hai, cô Ba, chú Năm trên quê người ôm măng, người hái bí, hái rau, dưa… gởi theo xe vào trong đó mà nghèn nghẹn. Mấy tháng trước, khi cơn bão đi qua, lũ tràn về cũng chừng ni người được phát phiếu nhận quà của người Sài Gòn cứu trợ.
Hôm nay họ gởi chút cây trái vườn nhà vào trong đó không có nghĩa là họ đã khá giả hơn nhưng chắc cũng là cơ hội hiếm hoi để người quê như các cô chú của mình thể hiện chút lòng thành, chút thơm thảo với người Sài Gòn. Người Trung là rứa, ít nói ra nhưng không ai quên chút gì” - tác giả Hồ Tấn Vũ chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận