Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (hàng đầu, giữa) thăm Bảo tàng thế giới cà phê - Ảnh: T.TÂN
Tại hội thảo phát triển cà phê đặc sản VN tổ chức ngày 10-3 nhân , nhiều giải pháp được đưa ra. Có những giải pháp đã nói nhiều nhưng vẫn vướng.
Thay đổi cách làm
Anh Tạ Duy Thanh (trú xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) có 3ha đất, trước đây trồng cà phê theo phương pháp truyền thống. Thời đó, lợi nhuận từ cây cà phê phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường.
Năm 2015, anh Thanh quyết định tham gia Hợp tác xã Ea Tân để phát triển cà phê đặc sản với quy trình khá công phu. Theo đó, khi thu hoạch phải hái quả chín hoàn toàn, chế biến ướt và phơi trên giàn (không phơi trên nền đất) để giữ màu sắc, hương vị của hạt cà phê.
"Từ quy trình sản xuất chặt chẽ, nghiêm ngặt như vậy nên giá trị xuất khẩu cà phê của gia đình tôi và Hợp tác xã Ea Tân đạt thêm 40% so với giá thị trường" - anh Thanh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Lợi, tổng giám đốc Công ty cổ phần cà phê An Thái (Đắk Lắk), cho rằng để đầu tư chế biến sâu phải cần nguồn vốn rất lớn và thời hạn thu hồi vốn kéo dài.
"Tuy nhiên, việc đề nghị hỗ trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến sâu đã được nói nhiều lần, tại nhiều hội nghị, hội thảo nhưng đến nay chưa có nhiều thay đổi" - ông Lợi phản ảnh.
Ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao VN (Vicofa), cũng cho rằng phải tăng đầu tư vào chế biến và Ngân hàng Nhà nước cần cung cấp các nguồn vốn trung và dài hạn. "Hiện doanh nghiệp chỉ được vay vốn ngắn hạn, mức lãi suất thấp nhất cũng khoảng 9%/năm.
Điều này rất khó khuyến khích công nghiệp chế biến sâu, bởi các doanh nghiệp lo ngại sẽ không đi hết chặng đường đã... phá sản" - ông Tự lý giải.
Chọn giống tốt, tăng chế biến sâu
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh các tỉnh trồng cà phê phải thay đổi phương thức sản xuất, tập trung chế biến sâu và nâng cao quảng bá sản phẩm... nhằm nâng tầm cà phê Việt trên thị trường quốc tế. Và để thực hiện được khát vọng này thì Đắk Lắk, các tỉnh có trồng cà phê và Chính phủ phải có những giải pháp thực sự đột phá...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thế giới có 10 triệu hecta, sản xuất được 9 triệu tấn nhân mỗi năm. Trong khi đó, VN chỉ chiếm 7% diện tích nhưng đạt 20% sản lượng thế giới là điều hết sức đáng mừng.
VN cũng đã xây dựng một ngành cà phê từng bước chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê, với kim ngạch khoảng 3,5 tỉ USD... Ông Cường cho rằng sẽ tính toán giảm diện tích cà phê để tăng chất lượng.
Theo ông Lương Văn Tự, để hiện thực hóa quyết tâm biến VN thành "điểm đến cà phê thế giới", các tỉnh trồng cà phê phải thay đổi toàn diện phương thức trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến.
Theo ông Tự, trước tiên phải xem xét về thổ nhưỡng, phải nhìn được vùng đất nào phù hợp với giống cà phê gì cho hương vị ngon nhất.
"Nếu nhiều vùng tại Đắk Lắk có độ cao 500-800m rất phù hợp với cà phê robusta thì Lâm Đồng, Sơn La có những nơi cao trên 1.000m phù hợp trồng cà phê arabica. Ngoài ra, từ khâu thu hoạch đến chế biến cũng cần quan tâm để giữ hương vị thật nhất của cà phê" - ông Tự nói.
Bảo tàng cà phê - điểm tham quan mới
Bảo tàng thế giới cà phê cũng đã khai trương nhân Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 7-2019. Tại đây, du khách có thể tham quan, tìm hiểu về "lịch sử thế giới cà phê" với 10.000 hiện vật là những máy, đồ dùng để chế biến cà phê từ thuở sơ khai tới nay...
Tại bảo tàng còn có "Thư viện Ánh sáng" với nhiều đầu sách quý, những bộ phim bao trùm toàn bộ mọi lĩnh vực của đời sống.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khi thăm Bảo tàng thế giới cà phê (do Tập đoàn Trung Nguyên Legend làm chủ đầu tư) cho rằng việc xây dựng bảo tàng góp phần tôn vinh, phát huy giá trị của hạt cà phê, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk và của VN.
Đây sẽ là điểm nhấn để gia tăng thương hiệu cho "thủ phủ" cà phê VN. Ông cũng kỳ vọng "Thư viện Ánh sáng" sẽ góp phần lan tỏa nguồn năng lượng tri thức, xây dựng nên một thế hệ trẻ giàu ý chí và khát vọng để có thể xây dựng thành phố trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu - điểm đến của cà phê thế giới.
* Nằm trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 7-2019, chiều 11-3, tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã bắt đầu khai hội đua voi. Hàng ngàn du khách đã tham gia, trong đó có du khách đến từ Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Triều Tiên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận