29/07/2020 09:15 GMT+7

Cả nước vì Đà Nẵng

LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG - HOÀNG LỘC
LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG - HOÀNG LỘC

TTO - Chưa bao giờ Đà Nẵng có nhiều chuyên gia 'đỉnh' nhất trong các lĩnh vực của ngành y tế đến như vậy. Cùng với đó, chính Đà Nẵng cũng đang thực hiện nhiều kế hoạch để khoanh vùng, khống chế dịch bệnh.

Cả nước vì Đà Nẵng - Ảnh 1.

Đoàn công tác gồm 10 bác s ĩ Bệnh viện Bạch Mai, 1 bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội chuẩn bị vào thăm khám bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng - Ảnh: L.Đ.N.

Đang có thêm ca bệnh ở Đà Nẵng (tổng số đã có 22 bệnh nhân ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi tính từ ngày 25-7 đến nay). Nhưng Đà Nẵng đang tích cực và có sự chung tay của cả nước, hi vọng sau 15 ngày giãn cách xã hội, bình yên sẽ sớm trở lại.

"Chúng tôi chỉ về khi Đà Nẵng đã ổn"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay ông vừa trở về từ Đà Nẵng sau chuyến hỗ trợ ngắn cho các bệnh viện ở đây. Nhưng "đội Bạch Mai" vẫn còn người ở lại, và còn rất nhiều việc phải làm sau khi 3 bệnh viện lớn của Đà Nẵng phải phong tỏa vì COVID-19.

Ngay sau khi ghi nhận bệnh nhân 416 - bệnh nhân đầu tiên trong số các bệnh nhân Đà Nẵng, Bộ Y tế đã có quyết định cử các tổ công tác đặc biệt chi viện cho Đà Nẵng, nhưng thực tế các chuyên gia đầu tiên đã có mặt từ ngày 24-7.

Đó là nhóm 3 người của bác sĩ Trần Thanh Linh, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy, người đã điều trị cho bệnh nhân 91 phi công người Anh.

Đến ngày 26-7, tổ điều trị của bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa cũng có mặt tại Đà Nẵng. "Chúng tôi chỉ về khi Đà Nẵng đã ổn" - ông Khoa nói với phóng viên Tuổi Trẻ.

Nhưng Đà Nẵng chưa ổn. Ngày 28-7 ghi nhận thêm 7 bệnh nhân mới, trong đó có 1 bệnh nhân quê Quảng Nam dự tiệc cưới cùng bệnh nhân 416.

Cùng lúc 3 bệnh viện Đà Nẵng, Chỉnh hình & phục hồi chức năng và C Đà Nẵng bị phong tỏa, trong đó Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C có tới 2.800 giường bệnh, không chỉ bệnh nhân COVID-19 mà cả bệnh nhân các bệnh khác, trong đó có bệnh nhân bệnh mãn tính, phải định kỳ đi bệnh viện... sẽ xử lý ra sao?

Nhóm hỗ trợ kỹ thuật từ Bệnh viện Bạch Mai và tổ điều trị ngày 28-7 đã đi khảo sát tại Trung tâm Y tế Hòa Vang, tiến tới coi đây là cơ sở cách ly, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

"Trung tâm có thể cách ly, điều trị cho 200 bệnh nhân, hiện các bệnh nhân COVID-19 nhẹ đã được chuyển sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Mặc dù phong tỏa, Bệnh viện Đà Nẵng vẫn phải mở một khu để bệnh nhân nặng đến khám, cấp cứu như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Giờ đây ở Đà Nẵng đúng là cả nước chung tay" - ông Khoa nói.

Cả nước vì Đà Nẵng - Ảnh 2.

Chuyển bệnh nhân, phân chia đầu thẻ khám bệnh

Xác định sẽ xét nghiệm COVID-19 với quy mô lên tới hơn 10.000 người trong toàn địa bàn, những ngày qua ngoài việc đưa nhân viên bệnh viện đi cách ly tập trung, Đà Nẵng cũng lo giải tỏa áp lực cho các bệnh viện này.

Toàn bộ hệ thống chính trị và người dân vào cuộc quyết liệt, đề cao cảnh giác và tập trung cao độ trong phòng chống COVID-19.

Bác sĩ Phạm Phú Điềm, phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, cho biết hiện nay ngoài công tác khám chữa bệnh thông thường, nơi đây đang làm nhiệm vụ kép về phòng chống dịch COVID-19: triển khai lực lượng cho tổ giám sát y tế cộng đồng "quản lý" hơn 130 hộ gần nhà bệnh nhân 416 và tỏa ra các khu vực thực hiện giám sát y tế, đo thân nhiệt với các trường hợp tiếp xúc F2 trên địa bàn.

Nhiệm vụ tương tự cũng đặt trên vai Trung tâm Y tế quận Hải Châu, địa bàn trú đóng của 3 bệnh viện và các khu vực dân cư quanh đó bị cách ly. Đây là quận trung tâm thành phố, nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất đến thời điểm hiện tại.

Theo chỉ đạo của thành phố Đà Nẵng, khi phong tỏa 3 bệnh viện tuyến cuối, các đầu thẻ khám chữa bệnh đăng ký tại đây sẽ được phân về các tuyến y tế cơ sở, trong đó "nặng" nhất là ở quận Hải Châu.

Là bệnh viện tuyến cuối điều trị cho các ca bệnh nặng khắp các tỉnh thành miền Trung, ngoài việc đưa khoảng 400 nhân viên bệnh viện này đến các địa điểm cách ly ven biển sau khi nơi đây được cách ly y tế thì sau khi công bố 11 ca bệnh, trong đó có nhân viên y tế của bệnh viện này, trong hai ngày nay ngành y tế Đà Nẵng đã giảm áp lực cho bệnh viện bằng cách điều chuyển các bệnh nhân sang Bệnh viện 199 (của Bộ Công an ở quận Sơn Trà) để tiếp tục điều trị.

Cả nước vì Đà Nẵng - Ảnh 3.

Vận chuyển hàng hóa tiếp tế của Thành đoàn Đà Nẵng vào khu vực phong tỏa Bệnh viện C - Ảnh: TẤN LỰC

"Chia lửa" bệnh nhân COVID-19

Tại Bệnh viện 199, bác sĩ Nguyễn Văn Đăng, phó giám đốc bệnh viện, chia sẻ tham gia chống dịch cùng với thành phố lần này, bệnh viện cùng lúc làm ba nhiệm vụ: cách ly theo dõi người nghi nhiễm, tiếp nhận các bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C về điều trị và tiếp nhận các trường hợp cấp cứu từ tuyến dưới chuyển lên.

"Nguồn bệnh tăng đột biến vì trong hai ngày qua bệnh viện tiếp nhận thêm 260 ca "chuyển tiếp". Đây đều là những trường hợp thuộc đối tượng người cao tuổi, nhiều bệnh nền cần tiếp tục được theo dõi điều trị nghiêm ngặt. Chúng tôi rất căng thẳng vì đều là những ca bệnh sẵn sàng chuyển biến xấu" - bác sĩ Đăng nói.

Để đảm bảo an toàn trong việc khám chữa bệnh, nơi này đã phân luồng y tế bài bản với quy trình phòng dịch, khử khuẩn "từ trong nhà ra ngoài ngõ".

Chiều 28-7, có mặt tại bệnh viện này, phóng viên ghi nhận có 30 ca chạy thận nhân tạo được chuyển từ Bệnh viện C về đây.

Bệnh viện này chỉ có 4 máy chạy thận nhân tạo, nên bác sĩ Đăng cho biết các nhân viên y tế sẽ túc trực hoạt động 3 ca để giúp người bệnh. Vì đây là bệnh đặc thù, nếu không được chạy thận kịp thời thì bệnh nhân có thể tử vong.

Cả nước vì Đà Nẵng - Ảnh 4.

Bác sĩ Trần Thanh Linh (bìa trái) cùng đồng nghiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh BV cung cấp

Để sẵn sàng ứng phó trong tình hình mới, cùng với sự có mặt của các chuyên gia y tế, nhiều ngày qua các trang thiết bị y tế cũng được dồn dập chuyển về Bệnh viện Phổi thành phố Đà Nẵng. Một số phòng cách ly áp lực âm chuyên dùng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng đã được hoàn thiện.

Ngành y tế xác định đây sẽ là "đại bản doanh" mới điều trị cho các ca nhiễm COVID-19.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Lê Thành Phúc - giám đốc Bệnh viện Phổi thành phố Đà Nẵng - cho biết bệnh viện đang cùng lúc 3 nhiệm vụ là cách ly người nghi nhiễm, xét nghiệm và khu điều trị bệnh nhân COVID-19 dương tính. Bệnh viện này vừa được Sở Y tế cho phép, Viện Pasteur Nha Trang thẩm định việc xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Ông Phúc cũng cho biết vừa qua các chuyên gia của hai bệnh viện Chợ Rẫy và Bạch Mai đã đến bệnh viện này để chuẩn bị đề án một khu vực bệnh viện chuyên về điều trị COVID-19.

Vẫn trong tầm kiểm soát

Lần thứ 2 trong mùa dịch này, Bộ Y tế điều tổ công tác đặc biệt đến điểm dịch. Lần trước là tháng 2-2020, các chuyên gia đã đến Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), nơi có ổ dịch cộng đồng đầu tiên.

"Lần này tình hình phức tạp hơn, khẩn trương hơn, nhưng các tổ và Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) Đà Nẵng vẫn đang điều phối nhịp nhàng và diễn biến vẫn đang trong dự đoán. Hiện có 3 ca bệnh nặng, tổ điều trị theo dõi từng giây từng phút.

Chiều 28-7, các chuyên gia đã hội chẩn liên viện lần thứ 3 và bệnh nhân nặng nhất (bệnh nhân 416) đã có biến chuyển tốt hơn" - ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, thông tin.

10.000 mẫu xét nghiệm thực hiện ra sao?

Hiện có 2 hình thức xét nghiệm đang được sử dụng tại Đà Nẵng là xét nghiệm PCR và xét nghiệm Elisa để xét nghiệm kháng thể.

Theo ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tổ công tác của viện đang có mặt tại Đà Nẵng và lấy mẫu ở các bệnh viện, cộng đồng dân cư khu vực bệnh nhân sinh sống, khu vực quận Ngũ Hành Sơn - nơi có nhiều nhà hàng, quán ăn của người nước ngoài, những người nước ngoài đang ở Đà Nẵng, chủ nhà hàng, khách sạn, nhân viên sân bay - Cảng vụ Đà Nẵng, lái xe taxi, các phòng khám đa khoa tư nhân, dân cư các quận huyện của Đà Nẵng...

Tổng số sẽ có 10.000 mẫu được lấy.

"Kỹ thuật Elisa thực hiện theo cách lấy mẫu máu đưa vào giếng trên phiến nhựa, trên giếng đã phủ kháng nguyên, mỗi phiến có 96 giếng.

Sau khi đưa mẫu máu vào giếng sẽ đưa hóa chất vào, có những mẫu có thể nhìn bằng mắt thường nếu phản ứng tốt, mẫu từ không màu chuyển sang màu đỏ, màu xanh tùy đặt hóa chất, có những mẫu phản ứng ít hơn mình có thể đưa vào máy đọc, đó là máy Elisa.

Hiện các trung tâm kiểm soát dịch bệnh từ tuyến tỉnh đều có máy này" - ông Đặng Đức Anh thông tin.

TP.HCM: giảm chút tự do cá nhân để phòng dịch hiệu quả

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu như trên tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 về tình hình triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP ngày 28-7.

Ông Nhân đặc biệt lưu ý đến tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cho rằng đây là mối nguy cơ cao, yêu cầu mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương; đề nghị Sở Y tế cần làm rõ thông tin virus đã biến thể sang chủng loại mới để có hướng dẫn thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phòng chống dịch.

Liên quan đến việc đón người Việt Nam từ nước ngoài về nước, ông Nhân yêu cầu thực hiện đúng quy trình, người từ Đà Nẵng về phải tự giác cách ly, các loại hình hoạt động không thật cần thiết thì nên giảm.

* Quảng Nam: dừng nhiều hoạt động, dịch vụ, lập chốt kiểm soát

dsc_1710 1(read-only)

Cơ quan chức năng xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam tuyên truyền cho người dân phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: ĐỨC TÀI

Ngày 28-7, ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết hiện có tình trạng nhiều người từ Đà Nẵng về Quảng Nam tránh dịch, gây áp lực lớn cho công tác phòng chống dịch.

Trong cùng ngày, tỉnh thống nhất lập 4 chốt kiểm soát gồm: trục đường chính ĐT 603B là tuyến đường ven biển nối TP Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), tuyến ĐT 607, tuyến quốc lộ 1 (ở thị xã Điện Bàn giáp với TP Đà Nẵng) và quốc lộ 14B.

Ông Tân yêu cầu các huyện lập các chốt kiểm soát: chốt giao nhau giữa cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại quốc lộ 14E, 40, chốt phía nam trên quốc lộ 1 tại huyện Núi Thành, tuyến ĐT 605 và 609 (thị xã Điện Bàn).

Tỉnh cũng khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch; tạm dừng vận chuyển hành khách của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt liên tỉnh từ Quảng Nam đi TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Tạm dừng hoạt động bán vé số dạo, các hoạt động văn hóa, thể thao... tập trung quá 20 người, tạm dừng hoạt động của các khu vui chơi, karaoke, matxa, rạp chiếu phim, vũ trường từ 29-7 đến 13-8.

Ngoài ra, tỉnh đã rà soát, tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 11 trường hợp bỏ trốn khỏi Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó 5 người là bệnh nhân và 6 người thăm nuôi.

* Quảng Ngãi: tiếp tục truy vết F1

Ngày 28-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn cấp truy vết F1 từng đi đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng từ ngày 15-7 đến nay và tiến hành cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm; dừng tất cả các hoạt động lễ hội, tôn giáo, thi đấu thể thao, dịch vụ karaoke, matxa, quán bar...

Các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Quảng Ngãi làm việc phải thực hiện cách ly tập trung ngay lập tức, tỉnh không chấp nhận phương án di chuyển hoặc dừng đỗ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.

Tỉnh cũng đã tìm được một người trốn khỏi bệnh viện tại Đà Nẵng, xét nghiệm và cách ly tại nhà.

MAI HƯƠNG - LÊ TRUNG - TRẦN MAI

Thêm 8 ca COVID-19 mới, liên quan 4 bệnh viện ở Đà Nẵng Thêm 8 ca COVID-19 mới, liên quan 4 bệnh viện ở Đà Nẵng

TTO - Trong 8 ca COVID-19 mới, có 5 ca liên quan Bệnh viện Đà Nẵng, còn lại liên quan Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Giao thông vận tải.

LAN ANH - TRƯỜNG TRUNG - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp