25/05/2017 13:15 GMT+7

Cá, nghêu chết ở Hà Tiên: Có hóa chất trong nước biển

K.NAM
K.NAM

TTO - Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước biển ở xã Dương Hòa, Bình An (huyện Kiên Lương) và phường Tô Châu (thị xã Hà Tiên) cho thấy có hóa chất công nghiệp trong nước biển.

Người nuôi phải hốt hàng tấn vỏ nghêu chết để bảo vệ môi trường bãi bồi - Ảnh: K.Nam

 Đây là loại hóa chất thường được dùng trong sản xuất mỹ phẩm và chất tẩy rửa.

Theo bà Võ Thị Vân - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang - trên địa bàn Kiên Lương và Hà Tiên chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy hải sản xuất khẩu và 1 số nhà máy sản xuất xi măng.

Tuy nhiên, hiện tại chưa thể chứng minh các hoạt động sản xuất này có liên quan với loại hóa chất (còn gọi là chất hoạt động bề mặt) tìm thấy trong nước biển.

Cũng trong sáng 25-5, ông Quảng Trọng Thao - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết dự kiến sớm nhất phải 2-3 ngày nữa mới có thể kết luận đầy đủ nguyên nhân khiến nghêu, cá chết hàng loạt trên vịnh Hà Tiên (bao gồm địa bàn huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên). 

Trước đó, liên tục từ ngày 4 đến 8-5, vùng biển các xã Bình An, Dương Hòa, Hòa Điền (huyện Kiên Lương) và xã Thuận Yên (thị xã Hà Tiên) xảy ra hiện tượng cá, nghêu chết trên diện rộng với tổng diện tích thiệt hại khoảng trên 550ha.

Ban đầu, khu vực xuất hiện cá chết tập trung ở kênh Tam Bản và kênh Cây Me thuộc địa bàn xã Dương Hòa, sau đó lan rộng kéo dài tới chân cầu Tô Châu, xã Thuận Yên, thậm chí lan xa gần 30km tới địa phận xã Bình An.

Sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy nhiều mẫu nước, mẫu thủy hải sản đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả, chỉ số khí ôxy trong nước ở kênh Tam Bản vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,5 lần. Nhưng chỉ số này chưa thể khiến nghêu, cá chết hàng loạt như vậy.

Kết quả phân tích ảnh chụp từ vệ tinh cũng không tìm thấy nguyên nhân ô nhiễm từ biển trên diện rộng tại khu vực Kiên Lương, Hà Tiên.

Từ những thông tin ghi nhận được nói trên, Sở Tài nguyên - môi trường Kiên Giang khẳng định chưa tìm thấy nguyên nhân ô nhiễm có nguồn gốc từ biển, vùng biển ven bờ và từ đất liền gây ra hiện tượng hải sản chết vừa qua.

Sở đề nghị UBND huyện Kiên Lương giao Phòng Tài nguyên - môi trường huyện chủ trì, phối hợp UBND xã Dương Hòa thành lập tổ giám sát cộng đồng với các nguồn thải vào kênh Tam Bản, kênh Cây Me, vùng biển ven bờ trong tháng 5-2017.

Thiết lập đường dây thông tin liên lạc giữa tổ giám sát cộng đồng với Phòng Tài nguyên - môi trường huyện, Phòng PC49 - Công an tỉnh để cộng đồng kịp thời thông báo khi phát hiện có nguồn thải bất thường.

Về việc hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do cá, ông Thao cho biết phải chờ xác định nguyên nhân chính xác, nếu do thiên tai, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ. Còn nếu do con người gây ra thì cá nhân, tổ chức nào làm ô nhiễm sẽ phải bồi thường cho dân.

Hiện hàng chục hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ven bờ ở khu vực bãi biển dài khoảng 30km đang rất hoang mang và phải tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ kết luận chính thức nguyên nhân khiến nghêu, cá chết hàng loạt.

“Hiện tại chưa thể khẳng định nước biển ở vịnh Hà Tiên an toàn cho thủy sản hay chưa, nhưng ghi nhận trên 15 ngày nay không thấy hiện tượng cá, nghêu... chết nữa. Bà con nên bình tĩnh chờ thông báo chính thức của cơ quan chức năng trước khi tái khôi phục hoạt động nuôi trồng hải sản ven bờ” - ông Thao nói.

K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp