Cuộc thi "Thương hiệu tôi yêu" nhận được bài viết của nhà sáng lập thương hiệu ẩm thực Cà Mèn về hành trình gầy dựng một thương hiệu từ hai bàn tay trắng.
Cà Mèn - thương hiệu từ quê hương
Năm 2009, khi vào TP.HCM học đại học, có một người bạn hỏi tôi: “Quảng Trị có phải là Huế không?”. Lúc đó, tôi thoáng chút tủi thân: “Quảng Trị là Quảng Trị, làm răng nói Quảng Trị là Huế được".
Xa nhà, chắc chắn ai ai cũng thèm quay quắt hương vị quê hương, tôi cũng vậy. Lái chiếc xe máy cà tàng đi khắp thành phố, đâu đâu cũng thấy phở Hà Nội, bún bò Huế, mì Quảng… Ấy vậy mà, rất hiếm có một quán ăn bán đặc sản Quảng Trị. Lúc đó, ý nghĩ về một quán ăn chuyên về đặc sản Quảng Trị lóe lên trong đầu tôi.
Bẵng đi một thời gian dài, đến năm 2015, tôi ra trường và nhanh chóng tìm kiếm được một công việc ổn định tại công ty chuyên về logistics với mức thu nhập đáng mơ ước thời điểm đó: hơn 1.000 USD.
Những tưởng, tôi sẽ gắn bó lâu dài với công việc ấy. Nhưng, đến một ngày, khát khao mang ẩm thực Quảng Trị vào phố lại trỗi dậy trong tôi và tôi quyết định nghỉ việc, mở Cà Mèn, dù mọi người xung quanh không hề ủng hộ.
Thời gian đầu, gọi là quán cho sang nhưng thực ra chỉ là một cửa hàng nhỏ, kèm đôi bộ bàn ghế nhựa. Nhân viên là mấy người anh em thân thiết, hầu như một mình tôi gánh hết từ thủ kho, kế toán, tới cả nhân viên phục vụ hay giao hàng.
Khi thấy tôi quyết tâm tập trung xây dựng Cà Mèn, ba mẹ dần ủng hộ và đảm nhận luôn việc lựa chọn nguyên vật liệu tươi ngon, đóng hàng rồi gửi vào Sài Gòn cho quán.
“Làm như Sài Gòn thiếu bánh ướt" hay “gửi hàng bằng máy bay thì bán vì đam mê chớ lời lãi chi”, đó là những câu nói mà tôi được nghe rất nhiều vào thời điểm đó. Nhưng, tôi quan niệm, đã là đặc sản Quảng Trị thì phải xuất phát Quảng Trị, phải do người Quảng Trị làm ra và phải mang hương vị Quảng Trị, vậy mới đúng nghĩa là đặc sản Quảng Trị.
“Mang Quảng Trị đi muôn phương"
Đời khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Tính đến nay, Cà Mèn đã hoạt động được hơn 8 năm. Trong 8 năm, tôi trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, thành công nếu có cũng chỉ bước đầu nhưng thất bại thì nếm trải đầy cay đắng, có những thời điểm Cà Mèn rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Cuối năm 2018, sau khi thanh toán hết chi phí lương thưởng, mặt bằng, tôi chỉ còn đúng 500.000 đồng trong túi. Trong căn phòng trọ nhỏ, hai vợ chồng tôi ôm nhau khóc thì nhận được tin nhắn đòi nợ, một khoản tiền 5 triệu đồng. Vợ tôi đã quyết định cầm chiếc laptop với giá 5 triệu đủ để trả nợ.
Có lẽ đó là khoảnh khắc đau nhất của cuộc đời tôi. Khởi nghiệp thất bại là chuyện bình thường, nhưng để vợ con, gia đình phải khổ theo, tôi không đành lòng. Quyết tâm phải vực dậy cho bằng được để không phụ lòng những người luôn tin tưởng tôi và Cà Mèn.
Tết năm 2019, tôi đóng cửa phòng, chiêm nghiệm về những gì đã qua. Bắt tay viết lại chiến lược kinh doanh cho chặng đường mới. May mắn bằng nỗ lực của bản thân cũng như sự hỗ trợ chung tay của nhiều anh chị, Cà Mèn đã dần vượt qua khó khăn.
Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ một thời gian sau, dịch COVID-19 xuất hiện và ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới. Lúc này, một doanh nghiệp nhỏ như Cà Mèn lại càng khó khăn gấp bội. Có thời điểm thành phố giãn cách, không được phép kinh doanh buôn bán nhưng tôi vẫn cố gắng tìm mọi cách để duy trì đội ngũ của mình.
Vậy là bếp yêu thương Cà Mèn ra đời với 700-800 phần cơm yêu thương mỗi ngày trao tặng đến các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly có nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Khó khăn luôn là một người bạn đồng hành cùng start-up, nhưng khó khăn nào rồi cũng sẽ qua. Tôi quan niệm vậy và tự rèn luyện cho mình bản lĩnh để đối đầu với những thách thức trong cuộc sống.
Sau khi mọi thứ dần ổn định trở lại, tôi bắt tay vào việc thực hiện sứ mệnh “Mang Quảng Trị đi muôn phương”. Cháo bột cá lóc đóng gói đã trở thành sản phẩm đầu tiên đặt nền móng cho hành trình này.
Tháng 6-2022, sau thời gian thử nghiệm, Cà Mèn tung sản phẩm ra thị trường với kích thước gần giống gói mì tôm. Và dù là sản phẩm đóng gói nhưng bên trong có đầy đủ cá lóc tươi, sợi bánh canh, nước xốt, sa tế và hành lá, để khi nấu xong sẽ có ngay một tô cháo bột cá lóc ngon trọn vị, không khác gì đang ngồi ăn ở hàng quán.
Khi cháo bột cá lóc ra đời, tôi luôn có một nỗi khát khao đến cháy bỏng, bà con kiều bào xa xứ ở khắp nơi trên thế giới đều được thưởng thức món ngon của quê nhà, được tìm về hương vị của những bữa cơm mẹ nấu.
May mắn thay, sản phẩm cháo bột cá lóc đóng gói được khách hàng đón nhận và đánh giá tích cực. Nó không còn là một sản phẩm ăn liền đơn thuần, mà đã trở thành cầu nối vô hình, mang tình yêu thương của quê hương Quảng Trị đến những người con xa xứ.
Có lần, khoảng 2 giờ sáng, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Mỹ. Ở đầu dây bên kia là một cụ bà hơn 80 tuổi định cư tại Mỹ 3 thập niên, gọi điện thoại và khóc. Bà nói món cháo giống hương vị của mẹ bà từng nấu nên rất xúc động.
Rồi có người anh thân thiết với tôi, trước khi bay đi châu Âu du lịch, anh nhắn tôi: “Giá như có mấy gói cháo bột, thèm đồ ăn Việt Nam quá!”.
Chị tôi, định cư ở Mỹ đã hơn 10 năm nay. Mỗi mùa tuyết rơi, chị lại nhắn: “Trời rét rồi, giá như có tô cháo bột cá lóc nóng hổi, húp xì xụp cho đã!”.
Đó là những câu chuyện, là nguồn động lực để Cà Mèn cố gắng hơn mỗi ngày.
Rồi Cà Mèn có cơ duyên được hợp tác với những đối tác lớn, để chỉ sau chưa tròn 2 năm ra mắt, đã có những container cháo bột cá lóc được xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Úc, Canada, Singapore và sắp tới sẽ là Nhật Bản, châu Âu.
Hiện tại, xưởng sản xuất của Cà Mèn đang tiêu thụ các nguyên liệu sạch từ nông nghiệp, giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con nông dân ở tỉnh nhà Quảng Trị. Hy vọng trong thời gian sắp tới, với việc phát triển thêm nhiều thị trường mới, ngày càng có nhiều bà con có thêm công việc với thu nhập ổn định.
Nhìn những gói cháo bột cá lóc, bún lươn xào nghệ, miến lươn Cà Mèn được bày bán trên kệ của gần 1.000 siêu thị trên toàn nước Mỹ, tôi cảm thấy bồi hồi xúc động, thầm dặn mình và anh em phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng bà con cô bác đã tin yêu.
Bên cạnh đó, Cà Mèn cũng rất hy vọng câu chuyện về hành trình khởi nghiệp của mình có thể tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ cùng nhau nỗ lực cố gắng, góp phần vào sự phát triển kinh tế quê hương.
Đó là câu chuyện về thương hiệu Cà Mèn - “Mang Quảng Trị đi muôn phương". Và tôi là Nguyễn Đức Nhật Thuận, cha đẻ của Cà Mèn, người thường được mọi người gọi với cái tên thân thương là “Thuận Cà Mèn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận