Ngày 25-5, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã ký quyết định phê duyệt phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định đặt ra mục tiêu phát triển ngành hàng tôm Cà Mau đến năm 2030 trở thành trung tâm lớn nhất của cả nước, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Mục tiêu đến năm 2030 Cà Mau giữ ổn định diện tích nuôi tôm đạt 280.000ha. Trong đó nuôi tôm siêu thâm canh đạt 8.000ha, thâm canh 1.700ha, quảng canh cải tiến 240.000ha, quảng canh 30.300ha. Phát triển hai khu phức hợp thủy sản ở hai huyện Năm Căn và Đầm Dơi.
Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng cung ứng cho nhu cầu người nuôi trong tỉnh đạt từ 80% trở lên. Sản xuất thức ăn nuôi tôm đáp ứng được 40% so với nhu cầu.
Tổng sản lượng tôm nuôi đạt 350.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 1,65 tỉ USD. Nâng cao năng lực chế biến cho các nhà máy thủy sản. Chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm chế biến xuất khẩu theo hướng nâng cao tỉ trọng các sản phẩm xuất khẩu giá trị gia tăng lên 80%, giảm tỉ trọng sản phẩm sơ chế xuất khẩu xuống dưới 20%.
Dự kiến nguồn vốn đầu tư phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2030 khoảng 20.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 4.050 tỉ đồng, còn lại là vốn từ các thành phần kinh tế khác.
Cà Mau cũng định ra tầm nhìn đến năm 2050 ngành tôm phát triển bền vững có năng suất, chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Sản xuất được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trong toàn chuỗi. 100% sản phẩm từ tôm truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Cơ sở hạ tầng vùng nuôi được đầu tư tập trung, đồng bộ, hiện đại.
Ngành tôm là ngành sản xuất chính để tạo sản phẩm, giá trị, kim ngạch xuất khẩu trong ngành thủy sản là trung tâm chế biến tôm của trong nước và thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 6 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận