26/03/2023 17:52 GMT+7

'Cá mập' chứng khoán đang đầu tư vào ngành nào, mã nào?

Thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh, gây áp lực cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dù không thoát khỏi vòng xoáy bị ảnh hưởng, nhưng các quỹ đầu tư có vốn dày và được vận hành bởi các "cá mập" chuyên nghiệp, vẫn mạnh dạn đầu tư.

Cá mập chứng khoán đang đầu tư vào ngành nào, mã nào? - Ảnh 1.

Theo báo cáo chiến lược "2023 - cơ hội và thách thức mới", chứng khoán Nhất Việt cho biết hiệu suất các quỹ đầu tư năm vừa qua bị giảm mạnh, gần 93% quỹ cổ phiếu và cân bằng có tăng trưởng giá trị tài sản (NAV) âm 10-30%. Lưu ý, năm qua chỉ số VN-Index đã giảm 34% - Ảnh: BÔNG MAI

Trên thị trường, VinaCapital là công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư tài chính - chứng khoán ở Việt Nam. Trong đó VESAF là một trong những quỹ mở nổi bật được quản lý chuyên nghiệp bởi VinaCapital, đầu tư chủ yếu các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, có giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài, đặc biệt là đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo cập nhật mới nhất, giá trị tài sản ròng của quỹ VESAF đạt hơn 1.030 tỉ đồng.

Hiệu suất đầu tư của quỹ từ đầu năm 2023 đạt khoảng 4,2%, cao hơn mức tăng trưởng 1,7% của chỉ số VN-Index. Mặc dù tổng kết năm vừa qua hiệu suất đầu tư của quỹ bị âm 24,7%, nhưng vẫn thấp hơn mức giảm của VN-Index. Lợi nhuận trung bình ba năm qua của quỹ là 20,2%, cao hơn mức 5,1% của chỉ số sàn TP.HCM.

Phía đơn vị quản lý quỹ nhận định, ở thị trường trong nước, tiêu điểm của sự lo ngại vẫn đến từ việc một số công ty bất động sản không thể thanh toán đúng hạn một số khoản nợ trái phiếu. Các số liệu kinh tế vĩ mô cũng không được tích cực trong hai tháng đầu năm và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết nói chung suy giảm trong quý cuối năm vừa qua, đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

"Trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố tốt xấu đan xen, danh mục của chúng tôi vẫn có một sự thận trọng nhất định, với một phần lớn tỉ trọng vào nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ", phía quỹ mở VESAF cho hay.

Cụ thể, quỹ đầu tư vào cổ phiếu FPT, QNS (Đường Quảng Ngãi) và BMI (Chứng khoán Bảo Minh). Một phần còn lại danh mục vẫn có sự phân bổ chọn lọc vào ngân hàng và chứng khoán - nhóm hưởng lợi khi lãi suất giảm dần.

Tính đến cuối tháng 2 vừa qua, quỹ này phân bổ tài sản gồm 81,8% cổ phiếu, 18,2% là tiền và tương đương tiền. Phía quỹ cũng cho biết: "Chúng tôi sẽ xem xét tiếp tục giảm tỉ trọng tiền mặt trong những giai đoạn phù hợp".

Cá mập chứng khoán đang đầu tư vào ngành nào, mã nào? - Ảnh 2.

Hiệu suất đầu tư của quỹ VESAF so với biến động của chỉ số VN-Index - Nguồn: VinaCapital

Là một trong những quỹ nổi trội nằm trong hệ sinh thái của "ông lớn" Dragon Capital, quỹ DCDS có giá trị tài sản ròng đến kỳ báo cáo mới nhất vào cuối tuần này là hơn 1.228 tỉ đồng.

Quỹ này duy trì tỉ lệ cổ phiếu ở mức trên 80% danh mục, tăng nhẹ tỉ trọng ở nhóm ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, dầu khí và đầu tư công. Ngược lại, quỹ giảm nhẹ nhóm ngành bất động sản, khu công nghiệp, chứng khoán và xuất khẩu.

Về hiệu suất đầu tư, tính từ đầu năm quỹ bị âm 0,1%, trong khi lũy kế VN-Index vẫn tăng trưởng dương. Trong vòng một năm trở lại đây, quỹ bị âm 33,6%, giảm sâu hơn biến động VN-Index. Nhờ thành quả tốt đã được gặt hái trong lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh, giúp bình quân ba năm nay lợi nhuận của quỹ này đạt hơn 9,5%.

Quỹ do Dragon Capital quản lý, đưa nhận định bên cạnh các áp lực khi khối ngoại bán ròng mạnh, doanh nghiệp bất động sản chậm trả nợ trái phiếu..., thị trường chứng khoán Việt vẫn ghi nhận một số tín hiệu lạc quan như: mặt bằng lãi suất ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm, Chính phủ đưa ra nhiều thông điệp cũng như chính sách cụ thể để hỗ trợ thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp.

Cá mập chứng khoán đang đầu tư vào ngành nào, mã nào? - Ảnh 3.

Lợi suất đầu tư của quỹ DCDS - thuộc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam - Nguồn: DCVFM

Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) là quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý. Theo báo cáo cập nhật đến hết ngày 23-3 vừa qua, quy mô tài sản của VEIL đạt hơn 1,67 tỉ USD.

Quỹ phân bổ chủ yếu vào cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thực phẩm - đồ uống, năng lượng…

Top 10 mã được quỹ chọn gồm: VPB (VPBank), ACB (Ngân hàng Á Châu), HPG (Hòa Phát), VCB (Vietcombank), MWG (Thế giới di động), FPT (FPT), PV Gas (PetroVietnam Gas), BCM (Became), VHM (Vinhomes) và KDH (Nhà Khang Điền).

Theo báo cáo mới cập nhật (đến ngày 16-3), quỹ có hiệu suất đầu tư dương 2,55%, trong cùng thời điểm này VN-Index tăng 4,39%. Năm ngoái VN-Index -34,07%, còn quỹ lỗ -35,71%. Tuy nhiên, trong hai năm dịch COVID-19 bùng phát (2020 và 2021), quỹ lời tổng cộng gần 70%.

Dù thị trường chứng khoán trong ngắn hạn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng với góc nhìn dài hạn, thường xuyên làm việc với nhà đầu tư ngoại, ông Matthew Smith - giám đốc nghiên cứu của Yuanta Việt Nam - nhận định, chứng khoán Việt vẫn là thị trường thu hút nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào đầu tư, kiếm lời.

Châu Âu căng thẳng sau cú sốc Credit Suisse, cổ phiếu ngân hàng lao dốcChâu Âu căng thẳng sau cú sốc Credit Suisse, cổ phiếu ngân hàng lao dốc

Deutsche Bank và các ngân hàng khác tại châu Âu đang chứng kiến đợt bán tháo mạnh hôm 24-3. Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên tiếng trấn an rằng “không có gì phải lo”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp