Theo báo cáo đó, tính từ ngày 30-9 đến 6-10-2024 (tuần 40) tại TP.HCM ghi nhận 437 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 23,4% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 39 là 12.733 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, con số cụ thể trong tuần 40 TP.HCM cũng ghi nhận 411 trường hợp mắc bệnh, tăng 19,3% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 40 là 8.198 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.
Cũng tại tuần 40, TP.HCM ghi nhận 141 ca sởi, tăng 60,2% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 40 là 967 ca.
Cụ thể, các quận huyện có số ca mắc sởi cao bao gồm TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận Tân Phú, quận 12, huyện Hóc Môn, quận Tân Bình, quận 1, quận 4, quận Bình Thạnh, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, quận Phú Nhuận.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế để phòng bệnh tay chân miệng.
Đồng thời các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi để tạo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.
Chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do nhóm vi rút đường ruột (Enterovirus) gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ (như nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng) đến nặng (tổn thương não, tim) và có thể tử vong.
Để phòng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch. Cụ thể là:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận