Theo báo cáo Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 979 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày có số ca mắc COVID-19 thấp nhất kể từ hơn một tháng qua khi luôn duy trì từ trên 1.000 - 3.000 ca.
Hiện các bệnh viện trên cả nước đang điều trị 44 ca bệnh nặng, trong đó có 2 ca thở máy xâm lấn. Số ca bệnh nặng cũng giảm đi gần một nửa so với 24 giờ trước (85 ca).
Trong ngày có 148 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và tiếp tục ghi nhận 1 ca tử vong vì COVID-19 tại Tây Ninh. Số ca tử vong trung bình trong một tuần qua là 0.
Về tình hình tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong ngày 20-5 có 168 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là hơn 266,348 triệu liều.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có hơn 11,601 triệu ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.245 ca nhiễm).
Các điều kiện cần xem xét khi công bố chấm dứt dịch COVID-19
Để công bố hết dịch COVID-19, ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng cần phải xem xét cả các điều kiện về chuyên môn như: nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại như thế nào, việc biến chủng tiếp theo có nguy hiểm không, số ca mắc có gia tăng bất thường không hay nói cách khác là tính ổn định của dịch, hiệu quả và tính sẵn có của vắc xin…
Đồng thời phải căn cứ vào các điều kiện pháp lý dựa trên quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và quyết định về quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm của Chính phủ.
Nếu muốn công bố hết dịch thì cần phải chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B.
Tuy nhiên, nếu có xếp COVID-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác thì COVID-19 vẫn phải có tính đặc thù.
WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận