Các chết phơi bụng trong nhiều lồng cá ở Phú Thọ sau khi hồ thủy điện xả lũ - Ảnh: QUỐC HỘI
Đến chiều 11-7, tình trạng cá chết tại xã Xuân Lộc và một số xã khác ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Anh Bùi Ngọc Thanh, ngụ ở khu 5 xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, cho biết nhà anh có 7 lồng cá rô phi, lăng và trắm.
Cá bắt đầu lác đác chết từ chiều 10-7, cho đến chiều 11-7, số cá chết đã lên đến hơn 4.000 con, chủ yếu là cá lăng, mỗi con có trọng lượng trung bình 1-1,5 kg.
Không chỉ cá lăng, nhiều lồng nuôi cá trắm và rô phi cũng bắt đầu có hiện tượng cá chết lác đác. Nhiều hộ cho biết cá trắm đen cỡ 2-3 kg cũng đã bắt đầu chết chìm dưới lồng.
Tại nhà anh Dương Tiến Dũng, khu 5 xã Xuân Lộc, hiện có 17 lồng nuôi cá lăng, rô phi, diêu hồng…, cũng bắt đầu xuất hiện tình trạng cá chết rải rác vào chiều 11-7. Trung bình mỗi lồng chết vài chục con và tình trạng cá chết vẫn đang tiếp tục.
"Trước khi chết, cá bơi quanh bè, nhảy lên và đơ ra rồi chết nổi bụng", anh Dũng mô tả.
Cạnh dãy lồng nhà anh Dũng là khu vực nuôi cá của hộ anh Đặng Văn Luyện với 22 lồng, chủ yếu cá lăng, diêu hồng, rô phi, cá trắm.
"Đầu giờ chiều 10-7, khi thấy nước chảy nhanh hơn, nước trong lồng sủi bọt, cá quẫy mạnh hơn và liên tục ngoi lên, tôi bắt đầu thấy lo. Đến khoảng 15h thì bắt đầu xất hiện cá chết, đến 22h đêm chết nhiều, mỗi lồng khoảng vài trăm con. Đến sáng 11-7, số lượng cá chết ngày càng nhiều", anh Luyện cho biết.
Cá phơi bụng trong lồng của nhà anh Bùi Ngọc Thanh - Ảnh: QUỐC HỘI
Vào lúc 16h ngày 11-7, khi phóng viên Tuổi Trẻ Online có mặt, số cá chết trong mỗi lồng của hộ nhà anh Luyện chiếm từ 20-30%, trong đó nhiều lồng cá lăng chết đến 50%.
"Hồi tháng 7-2017, cũng vào dịp thủy điện Hòa Bình xả đáy, nhà tôi có 20 lồng cá bị chết sạch. Đến nay, ngoài hơn 1 tỉ đồng tiền thức ăn cho cá nợ tồn từ năm ngoái, số tiền hơn 700 triệu đồng vay hồi phục sản xuất cho vụ cá năm nay cũng đang có nguy cơ trôi theo dòng nước", anh Luyện đau xót.
Tại các xã Bảo Yên, Thạch Đồng, Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy)… hay xã Tinh Nhuệ (huyện Thanh Sơn), cá trắm đen, chiên và ngạnh nuôi lồng cũng bị chết nhiều, người dân đã phải vớt lên và bán tháo trước khi cá chết hẳn.
Ông Thiều Minh Thế, chủ nhiệm Hợp tác xã cá lồng Thanh Thủy, cho biết hợp tác xã hiện có hơn 340 lồng cá của 30 hộ dân, trong đó riêng xã Xuân Lộc có gần 150 lồng.
Tình trạng cá chết bắt đầu xuất hiện từ chiều ngày 10-7. Ban đầu cá trong lồng ngoi ngóp lên mặt nước, chết lác đác, sau đó số lượng cá chết cứ tăng dần.
Đến sáng ngày 11-7, nhiều hộ dân tỉnh dậy đã không thể tin vào mắt mình khi hàng tấn cá đang khỏe mạnh, chuẩn bị cho thu hoạch bỗng dưng chết nổi trắng bụng, ở nhiều hộ số cá chết lên đến 50%.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Thanh Thủy, hiện có 321 lồng cá trên sông Đà, trong đó đã có 4 lồng cá bị chết, chủ yếu là cá lăng, rô phi và diêu hồng.
Số lồng bị ảnh hưởng là 105 lồng chủ yếu là cá trắm, rô phi và diêu hồng với triệu chứng phát ban, sần đỏ trên thân cá và bỏ ăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận