Tôi nhớ mãi cảnh sum họp gia đình vào dịp cuối năm về quê ăn Tết. Tôi cũng không bao giờ quên các món ăn ngon mà ba - má - anh - chị tôi làm để chiêu đãi cả nhà. Thịt kho nước dừa, khổ qua hầm, giò chả, nem bì; các món làm từ thịt heo, gà, vịt, bò hoặc cá tôm… tôi đều đã ăn qua rất nhiều lần.
Nhưng có một món tôi nhớ mãi đó là món "cá lóc rang muối". Ba tôi nói được ăn món này từ chuyến đi gặt lúa mướn ở dưới Ba Xuyên (Bạc Liêu).
Thuở ấy, dân nghèo ở vùng Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long… cuối năm khi mùa vụ ở quê nhà tạm ổn, đàn ông thanh niên trai tráng rủ nhau xuống Ba Xuyên gặt lúa mướn.
Họ đi bằng xuồng tam bản nhỏ mỗi nhóm vài người; đem theo nào vòng hái, nóp đệm, nồi chảo gạo muối… nhất là muối được đem rất nhiều để xuống đó bắt cá xẻ khô, làm mắm.
Ở Ba Xuyên vào mùa gặt lúa chín vàng rực cả cánh đồng bao la bát ngát. Cá tôm nhiều lắm, bạn gặt tha hồ bắt để ăn, xẻ khô làm mắm đem về.
Thực ra món "cá lóc rang muối" đã có từ thời người dân tứ xứ đổ về đất phương Nam khai hoang lập ấp. Ở nơi đồng không mông quạnh, nồi niêu thiếu thốn, gia vị không có mà cá tôm đầy đồng.
Bởi vậy họ mới nghĩ ra cách chế biến thức ăn từ cá sao cho nhanh, gọn dễ làm mà vừa ngon vừa bổ để bảo đảm sức khỏe, dành nhiều thời gian làm việc kiếm tiền. Thế là món ăn "cá lóc rang muối" ra đời. Tận dụng những phương tiện sẵn có, họ lấy cái chảo bằng đất nung lót một lớp muối hột dưới đáy, bắt con cá lóc vừa tầm đập đầu chịt máu tanh ở mang.
Không cần đánh vảy, chặt kỳ chặt đuôi gì cả. Để con cá lên cái dĩa sành đặt vào chảo muối, đậy nắp lại; nếu nắp không vừa họ hái vài lá sen phủ lên rồi đậy nắp, đặt chảo cá lên cá rang (ông lò) đun độ hai mươi phút, hơi nóng của muối hột tỏa ra làm cho cá chín rất đều.
Đem dĩa cá ra, họ dùng miếng nẹp tra dẹp lột lớp vảy khô giòn bỏ đi, con cá bây giờ vẫn còn nguyên vẹn hình dáng lộ ra lớp thịt trắng phau thơm phức. Sẵn muối rang còn nóng đâm một chén muối ớt. Trên đường đi hái vội một mớ rau rừng ven kênh rạch, hai bên bờ ruộng. Vậy là họ có một món ăn ngon lành.
Thời gian ở Ba Xuyên ba tôi và các bạn làm món "cá lóc rang muối rất nhiều lần nên thạo và nhận ra món này có nhiều ưu điểm hơn các món ăn làm từ cá lóc khác; bởi vì cách làm cá lóc rang muối rất đơn giản gọn gàng mà vẫn giữ nguyên vẹn hương vị ngọt ngào tự nhiên của thịt cá.
Còn các món chiên, hấp, nướng… đều tốn nhiều công đoạn và phụ liệu, làm hương vị của cá cũng vơi đi một phần do bị tươm bớt nước ngọt; lớp thịt dưới da cá bị khô, cháy…
Tôi còn nhớ năm đó ba từ Ba Xuyên về đúng lúc các anh chị đang chuẩn bị tát đìa bắt cá ăn Tết. Hồi đó đào đìa, đắp đập là hình thức nuôi cá thiên nhiên. Đìa trong đất nhà tôi không lớn nhưng năm nào cũng đủ cá tôm ăn Tết và làm mắm đủ ăn cho cả năm.
Như thông lệ hằng năm, nhà tôi làm mâm cỗ rước ông bà vào ngày hai mươi chín tháng chạp, đồng thời là bữa tiệc tất niên của gia đình. Ngoài những món thông thường má và chị hai nấu một nồi cháo cá đậu xanh nước cốt dừa, còn ba thì làm món "cá lóc rang muối".
Để làm cá lóc rang muối cho nhiều người ăn, ba lấy cái trả (nồi đất to) nấu tấm heo từ lâu không dùng đến, rửa sạch để ráo, đổ dưới đáy một lớp muối hột. Ba bắt hai con cá lóc mỗi con nặng gần hai ký lô bữa trước tát đìa đang rọng trong lu, đập đầu, chịt máu ở mang, rửa cho sạch nhớt.
Vì không có dĩa bàn to, ba dùng hai miếng ngói âm dương cũ rửa sạch thay thế, đặt hai con cá lên hai miếng ngói để dưới đáy trả, đậy nắp kín để lên bếp đun, độ bốn mươi phút. Khi cá chín ba lấy ra đặt vào cái sàn gạo có lót sẵn lá chuối tươi, lột bỏ lớp vảy khô giòn rồi rưới lên mình trắng phau của hai con cá một chén mỡ hành lợn cợn đầy ắp tóp mỡ thơm phức.
Xung quanh hai con cá vừa được tắm mỡ hành, các chị bày thêm rau sống, thịt phay (thịt ba rọi luộc chín thái mỏng) bánh tráng, nước chấm. Những món này đều có sẵn ở vườn nhà và tự tay chế biến của má và các chị tôi. Rau sống gồm có xà lách, cải xanh rau thơm có thêm củ kiệu và dưa cải thái sợi. Bánh tráng thì có sẵn.
Ở nhà Tết năm nào má và chị hai đều làm thủ công rất nhiều. Tuy khổ hơi to và dày hơn bánh tráng công nghệ bây giờ, nhưng khi nhúng nước nó rất mềm mại dẻo dai dùng cuốn thức ăn không sợ rách, không cần dùng bún.
Nước chấm, ngoài nước mắm tỏi ớt chanh đường ba làm thêm nước chấm bằng tương hột đâm nhuyễn với tỏi pha với nước mắm ngon và nước dừa xiêm đun sôi, rồi còn trộn thêm mấy muỗng đậu phộng rang đâm thật nhuyễn.
Nó khác với nước chấm tương ăn nem nướng vì không có pha chuối xiêm chín tán nhuyễn. Nó cũng không có sả băm và nước cốt dừa (hoặc chao) như nước mắm thắm…
Lễ cúng rước ông bà xong cũng vừa lúc nắng chiều dịu mát. Đồ ăn được dọn xuống bày lên chiếc đệm bàng mà các anh đã trải sẵn ở góc sân nhà. Mọi người tề tựu đông đủ ngồi quanh chiếc đệm, thật là một hình ảnh thân thương của một gia đình sum họp.
Mâm cỗ có rất nhiều món ăn ngon, nhưng ai nấy cũng đều háo hức muốn thưởng thức ngay món "cá lóc rang muối" để biết nó ngon cỡ nào! Sau lời chỉ dẫn cách làm và cách ăn cá rang muối của ba, mọi đôi đũa đều chĩa hướng vào hai con cá.
Trẻ em thì ăn cá không cần rau, người lớn thì ăn theo cách thông thường… lấy bánh tráng đã được cắt nhỏ bớt, nhúng nước cho mềm, để rau và vài lát thịt phay thêm kiệu, dưa cải sau cùng là một mảnh thịt cá lóc rang muối.
Cuốn lại gọn gàng rồi chấm nước chấm tương tỏi đậu phộng thật không có gì ngon hơn. Đúng vậy, càng nhai các phụ liệu trong cuốn bánh tráng hòa quyện với thịt cá rang muối có mỡ hành với nước chấm tương tỏi đậu phộng tươm ra trong miệng một hỗn hợp tạo nên hương vị rất tuyệt vời,…
Ăn xong miếng này, lại cắn thêm miếng khác, hết cuốn này lại tiếp tục làm thêm cuốn nữa. Không mấy chốc hai con cá to bè đã hết sạch.
Ba chúng tôi mất đã lâu rồi, anh chị em chúng tôi tứ tán mỗi người một nơi. Ai ai cũng có cuộc sống riêng tư. Nhưng chúng tôi có một cái chung là ai cũng nhớ thương ba. Hằng năm, trong mâm cơm ngày Tết của gia đình tôi bao giờ cũng có món "cá lóc rang muối" để tưởng nhớ người cha thân yêu của mình.
"Món Tết quê nhà" cảm ơn gần 1.000 bạn đọc đã gửi bài
Cuộc thi Món Tết quê nhà là nơi bạn đọc báo Tuổi Trẻ chia sẻ những bí quyết về các món ăn truyền thống ngày Tết, cũng là cơ hội cho những người con xa quê được dịp chia sẻ những cảm xúc về ngày Tết, những câu chuyện đón Tết, ký ức sum họp ấm áp, mâm Tết xa quê của bạn...
Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 bài dự thi từ bạn đọc khắp mọi miền Tổ quốc. Các bạn không chỉ viết về những câu chuyện thú vị quanh mâm cơm Tết, những món ăn tình thân sum họp gia đình, những món ăn "bắt buộc" phải có trong mâm cơm ngày Tết của từng vùng miền, những món ăn đặc trưng... mà còn từ đó nói lên tâm tư về ngày Tết quê mình qua ẩm thực.
Do khuôn khổ của cuộc thi, ban tổ chức chỉ có thể chọn số lượng bài nhất định vào sơ khảo để ban giám khảo (gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nhà báo Lê Thị Thái Hòa - biên tập viên báo Tuổi Trẻ, ông Trịnh Đình Lê Minh - đạo diễn phim Mùi hương nước mắm, Chung cư của tôi, Thưa mẹ con đi, Bằng chứng vô hình…) chấm xét giải.
Tác giả và tác phẩm đoạt giải cuộc thi sẽ được công bố trên giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Quý Mão 2023. Các bài sơ khảo sẽ được in thành sách để tặng miễn phí cho các bạn có bài được đăng tải, là món quà xuân của báo Tuổi Trẻ gửi tặng bạn đọc trong các hoạt động của báo.
Lễ trao giải Món Tết quê nhà, ra mắt giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân, ra mắt sách Món Tết quê nhà dự kiến diễn ra vào ngày 31-12-2022 tại Đường sách TP.HCM. Sự kiện này chào đón các bạn đọc của Tuổi Trẻ, nhất là các bạn đã gửi bài đến cuộc thi. Ban tổ chức cảm ơn bạn đọc đã hưởng ứng để cuộc thi thành công tốt đẹp.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận