Một trong nhiều đống gỗ được người dân Kon Sơ Lăl bắt giữ rạng sáng 18-4 - Ảnh: B.D. |
Dân làng Kon Sơ Lăl ra đường chặn xe bắt gỗ lậu vì bức xúc về tình trạng phá rừng liên miên không ai kiểm soát.
Trưa 20-4, hàng chục thân gỗ sao xanh có đường kính 40-60cm chất thành đống tại sân nhà rông làng Kon Sơ Lăl.
Hai ngày kể từ khi vây bắt gỗ lậu, hàng chục thanh niên ở Kon Sơ Lăl vẫn túc trực ở nhà rông canh giữ gỗ.
“Có người đến đưa cho chúng tôi 5 triệu đồng, bảo cho đưa gỗ đi. Nhưng chúng tôi không cần tiền, chúng tôi chỉ muốn gỗ trên rừng không bị chặt” - anh Yưuh, trưởng làng Kon Sơ Lăl nói.
Tức quá nên phải bắt thôi!
Người dân làng Kon Sơ Lăl cho biết từ đầu năm đến nay, cứ đều đặn mỗi tuần lại có hai xe chở gỗ lặc lè đi từ trong rừng qua khu làng Kon Sơ Lăl ra bên ngoài. Người dân đi làm nương làm rẫy, đi lên rừng thấy gỗ bị chặt la liệt hết sức bức xúc.
Dân làng đã tổ chức nhiều đợt vây bắt nhưng không thành công.
“Xe chở gỗ qua làng thường đi vào lúc 2g-3g sáng, xe chạy rất nhanh và sẵn sàng tông vào người làng nên chúng tôi không cách gì bắt được” - một thanh niên nói.
Rạng sáng 18-4, một người dân khi đi rẫy vào ban đêm ở trên đỉnh núi báo về: có hai xe chở gỗ đang cõng hàng chục cây sao xanh chạy từ trên đỉnh núi xuống, qua trước cửa trạm quản lý bảo vệ rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh) nhưng không bị kiểm lâm ngăn chặn.
Ngay lập tức các thanh niên vác dao rựa, gậy gộc gọi nhau ra đứng ở tuyến đường cạnh nhà rông.
Tiếng kẻng báo động của làng vang lên.
Khi tiếng động cơ ôtô gầm rú từ hướng núi, 20 thanh niên được cắt cử ngồi rải rác hai bên vệ đường đón lõng từ chân núi về đến làng. 5g30, hai chiếc xe đen trũi đầy gỗ trên lưng lao xuống dốc với tốc độ lớn.
Phía trước xe khoảng 2km, hàng chục cột gỗ, đất đá đã được người dân tập kết ra đường để chuẩn bị chặn xe gỗ.
Khi đang đổ dốc, lượng gỗ trên lưng xe quá nặng khiến lốp trước của một xe gỗ bất ngờ phát nổ.
Ngay lập tức hành chục thanh niên, người làng xông ra vây kín hai tài xế yêu cầu đưa xe về khu vực nhà rông để “xử lý”.
Sau nhiều giờ thuyết phục dân làng không thành, hai tài xế bất ngờ trút ngược thùng xe đổ gỗ xuống và nổ máy chạy trốn. Người dân đã báo cho xã.
Ông Nguyễn Ngọc Cư - hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Păh - cho biết sau khi nhận được thông tin, kiểm lâm đã đến lập biên bản, kiểm kê gỗ và xác định toàn bộ gỗ đều là sao xanh, hơn 8m3.
Vì sao người dân làng Kon Sơ Lăl lại tổ chức bắt gỗ mà không báo lực lượng kiểm lâm? Người làng lắc đầu: “Mình không biết! Nhiều lần lắm rồi, tức quá mà không thấy kiểm lâm ở đâu nên dân làng bảo nhau phải bắt”.
Anh Chanh - thanh niên làng Kon Sơ Lăl - nói: “Dân làng ở đây muốn lấy cây gỗ về làm nhà thì khó lắm, xin mãi mới được. Còn người ở đâu thì mang xe lên rừng cắt gỗ rồi đi qua làng như không có gì, Chúng tôi bức xúc lắm nên mới phải làm vậy”.
Sau gần 2g đi bộ lên tiểu khu 185 cách UBND xã Hà Tây khoảng 15km, chúng tôi chứng kiến những hình ảnh đau xót: nhiều thân cây lớn bị cưa đổ nằm la liệt, gỗ được cắt thành từng lóng tròn ngổn ngang.
“Thấy rừng bị phá mà xót, chúng tôi không biết họ là ai cả, tại sao phá thế mà không bị bắt?” - một người vừa dứt lời thì cách bãi gỗ khoảng 1km, một thân cây bị cưa lốc cắt đứt đổ rạp xuống.
Thấy động tĩnh, một người bỏ cưa lốc chạy lủi vào rừng.
Giữ rừng là trách nhiệm của... dân làng?
Người dân ở làng Kon Sơ Lăl cho biết từ khu vực rừng bị phá ra đến trung tâm xã chỉ có duy nhất tuyến đường đi qua làng cũ. Con đường bằng đất này rộng khoảng 6m, được người dân mở để đi làm rẫy nhưng bị xe trọng tải lớn cày nát. Một cán bộ tại trạm quản lý bảo vệ rừng làng Kon Sơ Lăl cũng thừa nhận chỉ có tuyến đường qua làng là có thể đưa gỗ ra ngoài.
Nằm sát ở đầu đỉnh dốc, sát con đường độc đạo này là trụ sở trạm quản lý bảo vệ rừng. “Tại sao gỗ đi ra nhiều như vậy mà trạm không bắt được?” - chúng tôi hỏi.
Một cán bộ ở đây giải thích: “Chỗ đó (địa điểm rừng bị chặt) thuộc tiểu khu 185 - đã được Nhà nước giao cho cộng đồng làng Kon Sơ Lăl quản lý nên họ phải giữ, chúng tôi chỉ giữ rừng của lâm phần mình thôi”.
Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh cũng nói rừng ở Kon Sơ Lăl bị phá là thuộc trách nhiệm của dân. “Rừng đó đã giao cho làng bảo vệ, họ được trả tiền rồi mà” - một lãnh đạo đơn vị quản lý rừng này nói.
Ông Đinh Sứk - chủ tịch UBND xã Hà Tây - nói: “Thấy dân nói rừng bị chặt trộm nhiều chúng tôi cũng chỉ biết vậy, kêu dân quân rồi công an nắm lại nhưng chưa bắt được lần nào. Người dân Kon Sơ Lăl bắt được lâm tặc như thế thì phải biểu dương chứ! Tốt quá rồi”.
Sẽ xem xét chuyển cơ quan điều tra Chiều 20-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Cư - hạt trưởng Hạt kiểm lâm Chư Păh - cho biết hôm nay (21-4) đoàn liên ngành gồm công an, viện kiểm sát, kiểm lâm cùng chủ rừng (cộng đồng làng Kon Sơ Lăl) sẽ trực tiếp lên hiện trường nơi rừng bị phá để khám nghiệm hiện trường, thống kê chủng loại số lượng gỗ bị cắt để phục vụ điều tra. “Nắm sơ qua thì cũng có khá nhiều gỗ bị cắt, chúng tôi sẽ kiểm kê chính xác, nếu có cơ sở thì chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vụ án”. Liên quan đến trách nhiệm của đơn vị mình, ông Cư nói: “Trách nhiệm đó trước hết là chủ rừng - làng Kon Sơ Lăl. Chúng tôi cũng sẽ cho kiểm tra lại vì sao gỗ đi qua trạm chốt bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh mà lại không bị bắt, rồi hai cán bộ kiểm lâm chính quy của chúng tôi nằm vùng ở đó mà cũng không biết rừng bị phá từ sau tết đến nay. Nói chung phải xem xét hết, chủ rừng mà để mất rừng với khối lượng lớn thì cũng sẽ bị khởi tố”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận