24/11/2016 11:19 GMT+7

Ca khúc Ông bà anh trở thành hiện tượng, vì sao?

TRẦN XUÂN TIẾN
TRẦN XUÂN TIẾN

TTO - Liên quan đến bài hát Ông bà anh trở thành hiện tượng thu hút sự đón nhận nồng nhiệt của xã hội trong mấy ngày qua, bạn đọc Trần Xuân Tiến (Trường ĐH Văn Hiến) đã có bài viết đưa ra nhiều góc nhìn khá thú vị.

Ảnh Hiếu chụp cùng bà trên trang mạng xã hội của Hiếu

Trong bối cảnh nhạc trẻ Việt không ngừng bị dư luận xã hội than phiền vì ca từ dễ dãi vô nghĩa, nội dung túng quẫn trong những cảm xúc bi lụy của oán thán, bội bạc và chia ly, thì sự xuất hiện ca khúc Ông bà anh cho thấy một niềm hi vọng “ngát xanh” về tương lai của những sáng tác có chất lượng cả về nội dung ý nghĩa lẫn nghệ thuật âm nhạc. 

Câu chuyện giữa cũ và mới: chưa bao giờ là cũ!

Ca khúc Ông bà anh là hai chuyện tình được kể lại qua ngôn từ dí dỏm, trẻ trung. Một về mối tình thời ông bà với cảm xúc chứa chan niềm tự hào: “bình dị lắm con ơi”.

Và một mối tình còn lại của đôi trẻ thời hiện đại mà ở đó những phát minh kỹ thuật dường như trở thành bức tường cách ngăn tất cả.

Trong sự so sánh nhẹ nhàng về tình yêu giữa thời nay và thời xưa, những giá trị cũ trở nên ấm áp khi chạm đúng yêu thương. Người nghe các thế hệ đều như có chung sự gật gù đồng cảm.

Không chỉ tạo được ấn tượng nhờ biết cách đặt vấn đề khá dung dị, gần gũi và ngộ nghĩnh, ca khúc Ông bà anh còn cuốn hút khán thính giả bởi chất giọng mộc mạc nhưng nhiều cảm xúc của tiếng hát Lê Thiện Hiếu.

Khi Thiện Hiếu phát biểu với truyền thông rằng bài hát được lấy ý tưởng từ chính câu chuyện tình yêu dở dang của em, khán thính giả lại càng cảm dâng trong lòng sự chia sẻ sâu sắc.

Độ “hot” của bài hát ngày thêm tăng khi trên mạng xã hội háo hức chia sẻ các đoạn clip của bài hát được biến thể với hàng loạt hình thức khác nhau. Trong đó, có cả MV hoạt hình  - một thể loại được cho là khá thú vị vì rằng câu chuyện của tuổi già được truyền tải bằng những tạo hình nhân vật hoạt hình mang màu sắc thơ trẻ.

Nhạc khúc Ông bà anh còn khiến người ta liên tưởng đến bài thơ Tình già của Phan Khôi.

Tác phẩm này cũng từng là một cú hích dư luận xã hội những năm 1930 của thế kỷ trước khi đã sẵn bày “một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”. Bài thơ Tình già đã đề xuất một thái độ mới mẻ đối với tình yêu. Đó là chủ xướng tự do luyến ái.

Cùng có ý tưởng so sánh giữa tân kỳ và xưa cổ, cả bài thơ Tình già và bài hát Ông bà anh đều gợi chung một đề tài mang tính thường xuyên của xã hội là việc lưu giữ những khung hệ giá trị được cho là quý giá của quá khứ và việc đón nhận những làn gió mới của hiện tại, tương lai.

Cùng xây dựng ước mơ trong sự nỗ lực vượt qua những khó khăn đôi khi nghiệt ngã của cuộc sống, tình yêu của thanh niên bây giờ sở hữu một thái độ đầy bản lĩnh và trách nhiệm. Trong sự độc lập tương đối, những người trẻ yêu nhau trong trạng thái của sự mạnh mẽ, tự lập riêng có.

Và công nghệ, mạng xã hội đã cho phép họ yêu xa hóa gần. Một dán nhãn trìu mến, một “icon” dễ thương cũng làm ấm lòng cả khung trời nhớ nhung vời vợi. Tình yêu ít thề nguyền hẹn ước nhưng mỗi ngày là một ngày tận hưởng trọn vẹn niềm yêu, để một mai lỡ đường duyên chia hai lối vẫn mỉm cười đã dốc hết sức mình cho xúc cảm chân thành.

Vậy mới thấy Ông bà anh như một khởi đầu cho việc nhìn nhận lại cách yêu của người trẻ. Ai đã yêu đẹp hãy cứ trao thêm hạnh phúc. Ai chẳng may gặp phong ba trắc trở, chẳng may lạc lối đường tình, hãy đứng dậy tìm lại nguồn vui.

Tinh khôi giữa những bộn bề

Xuất hiện trong bối cảnh nhạc trẻ Việt không ngừng bị dư luận xã hội, các đơn vị quản lý văn hóa than phiền vì ca từ dễ dãi vô nghĩa, nội dung “túng quẫn” trong những cảm xúc bi lụy của oán thán, bội bạc và chia ly, ca khúc Ông bà anh cho thấy một niềm hi vọng “ngát xanh” về tương lai của những sáng tác có chất lượng cả về nội dung ý nghĩa lẫn nghệ thuật âm nhạc.

Cũng vẫn xuất hiện những “từ khóa” của ngôn ngữ trẻ, nhưng người nghe lại tiếp nhận trong cảm xúc hồ hởi thông điệp về tình yêu chân thành. Cả ca từ lẫn giai điệu của bài hát đều tạo được cảm xúc thú vị đối với giới chuyên môn và người bình thường.

Sự tự do, phóng khoáng, đậm chất reggae cũng là yếu tố ghi điểm cho ca khúc Ông bà anh

Bên cạnh đó, sự tự tin cùng phong thái biểu diễn hết mình đã giúp Lê Thiện Hiếu nhận về sự cổ vũ và yêu thích của khán thính giả.

Thiện Hiếu hát mà như thể tự sự, chiêm nghiệm về những trải nghiệm trong cuộc sống mà anh quan sát được và nay “biến hóa” thành âm nhạc.

Có thể nói, giữa bộn bề những điều tiếng mà các bậc phụ huynh đang nản lòng chê trách về nhạc trẻ vì những biến tướng về ngôn ngữ và những hệ lụy về văn hóa của nó, thì bản tình ca Ông bà anh hiện lên như một gam màu tinh khôi làm đẹp lòng cả những khán thính giả khó tính nhất.

Như chính Lê Thiện Hiếu đã tự mình cảm nhận và ý thức được khi viết những dòng thơ cuối trong một trạng thái tỏ bày tâm trạng trên trang mạng cá nhân: “Cảm ơn cuộc sống đẹp tươi/ Cho tôi ngày mới, mỉm cười an nhiên/ Phía trước còn lắm muộn phiền/ Cứ để tôi được khờ, điên nhé người”.

Tin và mong Hiếu sẽ mạnh mẽ vượt qua tất cả để sống hết mình với những đam mê, hoài bão và cống hiến.

Tin và mong xã hội sẽ dành thời gian để suy nghĩ thật thấu đáo về câu chuyện của những người đồng tính, song tính, chuyển giới đang từng ngày khẳng định bản thân trong sự áp đặt về tư duy kỳ thị của số đông.

TRẦN XUÂN TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp