Anh N.V.H. (40 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ khoảng một năm trước, anh thấy ở lòng bàn chân xuất hiện 1- 2 nốt như chai chân, nhưng càng ngày các nốt này càng to ra và xuất hiện thêm những nốt mới.
Do chủ quan anh tự mua thuốc về đắp (được người bạn quảng cáo là acid bôi vào sẽ bong tổn thương hạt cơm) nhưng chỉ thấy các vết đắp thuốc bị loét, chảy dịch và xuất hiện nhiều tổn thương mới. Hiện chân anh H. xuất hiện gần 50 nốt tổn thương hạt cơm.
"Gần đây vợ và hai con cũng xuất hiện những tổn thương tương tự ở lòng bàn chân, bàn tay. Mỗi lần tôi đi lại đều thấy rất đau và khó chịu nên cả gia đình mới quyết định đi thăm khám với bác sĩ", anh H. chia sẻ.
Bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, cho hay đây là một trong những trường hợp điển hình do lây nhiễm vi rút. Cả gia đình bốn người đều xuất hiện rất nhiều tổn thương, nốt sần ở lòng bàn chân, bàn tay. Riêng anh H. có đến gần 100 "hạt cơm" ở lòng bàn tay, bàn chân. Vợ và hai con có tổn thương nhỏ và ít hơn.
Bác sĩ Thành cũng cho biết mụn cóc hay hạt cơm là bệnh da liễu thường gặp, nguyên nhân do vi rút Human Papilloma trên bề mặt da.
Vi rút này có đến hơn 100 type, mỗi type gây bệnh sẽ liên quan tới một vùng da và một tổ chức riêng biệt (hạt cơm thường type 2, 4, 27, 29; hạt cơm lòng bàn chân, bàn tay type 1, 2; sùi mào gà: type 6, 11, 16, 18….).
"Bệnh có tính chất lây lan nhanh, không những có thể lan rộng trên cùng một cơ thể mà còn có thể lây từ người này sang người khác. Bên cạnh đó, có thể lây trực tiếp qua con đường tiếp xúc qua da hoặc các con đường gián tiếp: đi cùng giày, dép, găng tay…", bác sĩ Thành cho hay.
Theo bác sĩ Thành, nốt hạt cơm nếu phát hiện sớm thì việc điều trị rất đơn giản, có hiệu quả và khả năng tái phát rất thấp.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hiểu và làm tốt điều này, thường tự điều trị bằng các phương pháp dân gian như xát lá cây. Hay chữa mẹo như đi đám, đắp tỏi… và chỉ khi tổn thương lan tràn mới đi khám bác sĩ.
Bác sĩ Thành lưu ý nếu da có tổn thương, đặc biệt những nốt sần trên da, nốt mọng nước, cần chú ý giữ vệ sinh vết thương sạch sẽ. Tuyệt đối không cào, cấu, gãi lên các mụn hạt để tránh tổn thương lây lan; không dùng chung đồ cá nhân với người mắc bệnh...
"Đặc biệt, khi bạn có các tổn thương nghi ngờ là mụn cóc hay hạt cơm dù ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nên đến thăm khám trực tiếp với bác sĩ để được điều trị sớm. Tuyệt đối không mua các sản phẩm thuốc bôi, thuốc chấm mụn cóc được quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tránh xảy ra các biến chứng loét, chảy máu, nhiễm trùng", bác sĩ Thành khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận