04/08/2017 11:51 GMT+7

Cá chết trắng bè ở Đà Nẵng là do thiếu oxy

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Nguyên nhân của việc hàng chục tấn cá nuôi lồng bè trên sông Cổ Cò (Đà Nẵng) chết ngày 17-7, đến nay, sau hơn 2 tuần, đã được Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng xác định.

Hộ ông Lê Mỹ (phường Khuê Mỹ) bị thiệt hại nặng với 9,7 tấn cá chết. Ảnh: TẤN LỰC
Hộ ông Lê Mỹ (phường Khuê Mỹ) bị thiệt hại nặng với 9,7 tấn cá chết - Ảnh: TẤN LỰC

Theo đó, nguyên nhân gây của 11 hộ dân trên sông Cổ Cò - đoạn chảy qua phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) - là do lượng oxy hòa tan trong nước (DO) giảm thấp hơn mức cho phép.

Sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 17-7, cá nuôi lồng bè của các hộ dân đồng loạt nổi lên chết trắng, trong đó chủ yếu là cá diêu hồng, cá hồng, cá dìa, cá nâu… Ước tính thiệt hại lên đến 4 tỉ đồng. Sự cố quá bất ngờ khiến nhiều hộ nuôi trắng tay, rơi vào cảnh nợ nần.

Ngay tại thời điểm đó, các hộ đã nghi vấn nguyên nhân là do nguồn nước xả ra từ miệng cống của Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn gần đó. Theo người dân, các lồng cá nằm gần miệng cống này đều chết hàng loạt, trong khi những lồng cá ở xa hơn về phía Bắc chỉ chết lác đác.

Trước nghi vấn này, ông Mai Mã, giám đốc Công ty thoát nước & xử lý nước thải Đà Nẵng - đơn vị quản lý Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn, đã lên tiếng. Ông Mã thừa nhận nước thải qua xử lý từ trạm này đổ ra sông Cổ Cò không đạt một số chỉ tiêu về môi trường.

Cụ thể, công nghệ xử lý nước thải tại trạm này đang sử dụng là công nghệ kị khí, hiệu suất xử lý chất hữu cơ trong nước thải chỉ đạt khoảng 50%. Trong khi đó, để đạt chuẩn nước sạch loại A thì chất thải hữu cơ trong nước sau xử lý phải đạt 0%.

Chưa hết, nước qua xử lý vẫn tồn dư lượng vi khuẩn coliform và amoniac vượt 1-5 lần quy chuẩn cho phép. Quan trọng hơn cả, do xử lý bằng công nghệ kị khí nên nước thải ra có lượng DO (hàm lượng oxy trong nước) rất thấp.

Sáng 3-8, đại diện Sở NN&PTNT Đà Nẵng và UBND quận Ngũ Hành Sơn đã làm việc với 11 hộ dân, và xác định: Từ năm 2006 Đà Nẵng đã cấm nuôi cá lồng trên sông Cẩm Lệ và sông Cổ Cò nên việc các hộ nuôi cá là trái phép.

Việc người dân tiếp tục nuôi cá lồng trên sông Cổ Cò trong 10 năm qua là do lực lượng mỏng, khó kiểm tra giám sát và cũng có tâm lý "tạo điều kiện cho dân làm kinh tế". 

Người dân ngậm ngùi gánh cá đi tiêu hủy. Ảnh: TẤN LỰC
Người dân ngậm ngùi gánh cá đi tiêu hủy - Ảnh: TẤN LỰC
Cá chết trắng bè, người nuôi mất ăn mất ngủ, có người lo đến đổ bệnh. Ảnh: TẤN LỰC
Cá chết trắng bè, người nuôi mất ăn mất ngủ, có người lo đến đổ bệnh - Ảnh: TẤN LỰC
TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp