Phóng to |
Hành khách nhận vé từ máy bán vé tự động - Ảnh: Minh Đức |
Ông Trần Quang Phượng - giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM - cho biết đây là tuyến xe buýt xanh đầu tiên của cả nước. 21 chiếc xe buýt CNG chạy trên tuyến này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Sau lễ khai trương, chúng tôi lên chuyến xe buýt số 1 do tài xế Huỳnh Minh Hậu điều khiển. Hành khách trên xe khá đông. Khác với những chiếc xe buýt kiểu cũ, ghế trên chiếc xe này ít hơn, dành chỗ trống giữa hai hàng ghế để thiết kế tay vịn cho những hành khách đứng và tạo thành một lối đi rộng rãi. Xe mát lạnh nhờ máy điều hòa.
Ngồi phía cuối xe, chị Phan Thị Hoa (quê Tiền Giang) cho biết khi đi xe buýt, chị rất ít khi ngồi phía sau xe vì sợ tiếng ồn của động cơ gây chóng mặt, nôn ói, nhưng với loại xe buýt mới này, chị có thể an tâm ngồi đâu cũng được vì xe chạy rất êm.
Đứng trước cửa xe, phụ xe Nguyễn Minh Nhã bận rộn nhắc nhở và chỉ dẫn hành khách lấy vé tự động trong khi tài xế bấm nút thối tiền và xuất vé. Anh Nhã cho biết: “Do ngày đầu tiên áp dụng bán vé tự động nên nhiều hành khách lúng túng, thậm chí một số người còn tỏ vẻ khó chịu”.
Theo chỉ dẫn của phụ xe, khi hành khách bước lên xe nên chuẩn bị tiền lẻ để bỏ vào thùng tiền ngay cửa lên xuống (nếu sử dụng vé tập cũng bỏ vào thùng tiền này). Tại đây, hành khách chỉ việc lấy lại tiền thối ngay dưới thùng tiền và nhấn vào nút màu đỏ trên máy bán vé tự động để lấy vé. Tất cả quy trình của một hành khách khi bước lên xe chỉ mất 7-10 giây. “Quy trình đó sẽ được rút ngắn lại khi hành khách đã quen” - anh Nhã nói.
Trên chuyến xe buýt khác cùng tuyến do tài xế Lâm Châu Ngọc điều khiển, hành khách tỏ vẻ thích thú với không gian thoáng đãng trong xe buýt. Nhưng mỗi lần thiết bị nhắc trạm (khi tới một trạm nào đó, loa tự động trong xe buýt sẽ đọc tên trạm để hành khách xuống) vang lên, hành khách lại được một trận cười nghiêng ngả vì hầu như lần nào cũng đọc nhầm tên trạm.
Theo lý giải của tài xế, do mới đưa vào hoạt động nên máy nhắc trạm chưa thể đọc chính xác 100%, phải qua một vài lần điều chỉnh máy mới đọc đúng được.
Phát triển xe buýt xanh Ông Lê Trung Tính - trưởng Phòng quản lý vận tải và công nghiệp (Sở GTVT TP.HCM) - cho biết: Việc đưa tuyến xe buýt CNG vào hoạt động là thành quả gần ba năm qua, trong đó giai đoạn 1 nhập 21 xe và giai đoạn 2 lắp ráp 29 xe. Xe buýt sử dụng CNG đem lại hiệu quả rõ ràng nhất là tiết kiệm chi phí nhiên liệu khi giảm 30-45% so với chi phí sử dụng xăng dầu. Đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là giảm mạnh các khí độc hại đối với sức khỏe con người như carbon monoxide, nonmetal hydrocarbon, nitrogen oxide... Chúng tôi cũng đưa thêm nhiều dịch vụ mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của tuyến xe buýt này như toàn bộ xe đều gắn thiết bị giám sát hành trình để đơn vị quản lý giám sát lộ trình tốc độ, xe chạy có đúng giờ hay không, xe có mở máy lạnh và có nhiệt độ bảo đảm để phục vụ hành khách hay không. Hành khách đi trên xe buýt trả tiền vé vào máy bán vé tự động và trên xe có bảng thông tin bằng chữ điện tử để hành khách biết về hoạt động xe buýt và có thể góp ý kiến vào hộp thư. Các xe buýt này đều gắn bảng chữ điện tử bằng đèn led ở đầu xe nên hành khách đón chờ xe ở trạm có thể nhìn thấy từ xa mã số, tên tuyến đường xe buýt hoạt động. Việc Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất 0% và được Thủ tướng miễn thuế nhập khẩu 50 xe buýt sử dụng CNG đã khởi đầu cho sự phát triển xe buýt xanh ở TP.HCM. Để phát triển loại xe này, Sở GTVT TP đang kiến nghị UBND TP chấp thuận hỗ trợ các đơn vị ngoài quốc doanh đầu tư phát triển xe buýt CNG. Cụ thể, TP cần cho các đơn vị đầu tư xe CNG được hưởng định mức, đơn giá của xe sử dụng nhiên liệu diesel. Bởi vì khi được hưởng chênh lệch về định mức nhiên liệu trợ giá cho xe buýt thì các đơn vị mới mạnh dạn đầu tư xe buýt CNG. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận