26/01/2018 09:46 GMT+7

Buýt đường sông: cải thiện thêm để thu hút khách

HẰNG NGA (TP.HCM)
HẰNG NGA (TP.HCM)

TTO - Dẫu biết rằng để mở thêm một bến đòi hỏi nhiều điều kiện và tốn kém kinh phí đầu tư, song về lâu dài thì vẫn phải làm mới mong khuyến khích nhiều người sử dụng tàu buýt.

Buýt đường sông: cải thiện thêm để thu hút khách - Ảnh 1.

Nhiều hành khách đã chọn đi buýt đường sông - Ảnh: H.N.

Mới đây, tôi thử làm một chuyến hành trình với tàu buýt trên sông ở TP.HCM và cảm thấy hài lòng. Tôi nghĩ nếu doanh nghiệp khai thác đầu tư thêm tiện ích thì chắc chắn sẽ có nhiều người chọn đi phương tiện này, góp phần giảm kẹt xe.

Tôi chọn điểm xuất phát cho chuyến đi là bến tàu buýt Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đến bến Bạch Đằng (Q.1), mua vé khứ hồi tổng cộng 30.000 đồng.

Hài lòng từ cách phục vụ

Nơi tôi lên tàu buýt dù chỉ là một bến phụ nhưng được thiết kế khá đẹp và kiên cố: không gian thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh. Cầu tàu lắp đặt bằng sắt chắc chắn, tạo cảm giác an toàn cho hành khách khi lên xuống.

Cung cách phục vụ của nhân viên tàu buýt cũng làm khách hài lòng. Do đến sớm so với giờ tàu chạy nên tôi có dịp hỏi khá nhiều về những thông tin liên quan và đều được nhân viên nhiệt tình giải đáp. Lúc tàu cập bến, tôi thấy nhà tàu luôn bố trí hai nhân viên đứng chào, đón (tiễn) và cảm ơn khách tại cửa lên xuống. 

Buýt đường sông cũng miễn phí cho người trên 70 tuổi và trẻ em cao dưới 1m. Anh nhân viên soát vé đã gây ấn tượng tốt với mọi người khi có một bác trai lớn tuổi quên mang theo giấy chứng minh nhân dân, anh liền linh động giải quyết để bác không phải mua vé.

Khoang tàu rộng rãi, lịch sự, hệ thống máy lạnh đủ đáp ứng ngay cả khi 72 ghế ngồi đều kín khách, cửa cách âm tốt nên giảm thiểu tiếng ồn... khiến hành khách cảm thấy thích thú. Tàu vận hành êm ái, luôn duy trì vận tốc trung bình và ổn định, không phải tăng giảm ga đột ngột nên hành khách ngồi thoải mái, không cần vịn tay. 

Nỗi lo say sóng cũng không có, một bác gần 80 tuổi ngồi cạnh tôi cho biết bác không thể đi xe đò về miền Trung do hay bị say xe, còn tàu buýt bác đi nhiều lần mà vẫn thấy bình thường.

Cải thiện thêm để thu hút khách

Phần lớn khách đi buýt đường sông đều phải qua khâu trung chuyển mới đến được bến tàu, trong đó phần lớn bằng xe buýt. Cho nên tại các trạm (nhà chờ) xe buýt, cần có sự "hợp đồng tác chiến" giữa hai loại hình giao thông công cộng thủy bộ, như dán bản đồ bố trí bến tàu và lịch trình chạy tàu, giúp người dân biết đón xe buýt nào tiện nhất và đặc biệt là nắm được giờ tàu chạy nhằm chủ động về thời gian. 

Hiện nay, tàu buýt chỉ đón khách vào một số khung giờ cố định, mỗi lần cách nhau từ một giờ trở lên, trong khi lịch chạy tàu mới chỉ niêm yết ở các bến tàu chứ chưa được phổ biến tại các điểm đón xe buýt.

Căn cứ vào biểu đồ toàn tuyến buýt trên sông, tôi thấy đơn vị khai thác dự kiến thành lập 12 bến tàu. Tuy nhiên, hiện nay mới có 5 bến đã đi vào hoạt động, vì thế cần khẩn trương bổ sung bến tàu. Dẫu biết rằng để mở thêm một bến đòi hỏi nhiều điều kiện và tốn kém kinh phí đầu tư, song về lâu dài thì vẫn phải làm mới mong khuyến khích nhiều người sử dụng tàu buýt.

Khá đông người đến bến tàu bằng xe máy hai bánh nhưng lại chưa có chỗ gửi xe, như tại bến Hiệp Bình Chánh, Linh Đông... Chính vì vậy mà anh Nguyễn Văn T. (làm việc ở Q.Thủ Đức) đã phải gửi xe máy ở quán cà phê gần bến với giá 5.000 đồng để đi buýt sông. Một bất tiện khác là đường dẫn lên xuống tàu dài hơn 30m, nếu gặp lúc trời mưa to thì việc đi lại khá vất vả. Tôi nghĩ nhà đầu tư nên lắp mái che để tạo thuận lợi cho khách.

Trong khoang tàu, mới chỉ có hệ thống đèn tín hiệu kèm với tên của những điểm đón trả khách, bố trí hai bên nhằm báo hiệu mỗi khi tàu chuẩn bị vào bến. Tôi thấy cần bổ sung hình thức thông báo bằng loa tự động giống như trên xe buýt thế hệ mới. Đồng thời, nên gắn tivi hiển thị thông tin liên quan đến hành trình, giới thiệu, quảng bá loại hình giao thông mới mẻ này cùng với những ưu điểm vượt trội để khách vừa giải trí vừa được biết thêm về dịch vụ mình đang chọn.

Tôi thấy trong số người đi tàu có nhiều khách du lịch nước ngoài, các đoàn khách tập thể. Nếu họ đi cùng một thời điểm khởi hành sẽ dễ xảy ra "cháy" vé. Thế nên, ngoài 8 tàu buýt đang có hiện nay, đơn vị kinh doanh cần mua sắm thêm tàu chuyên phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, giảm giá vé vào giờ thấp điểm cũng là việc nên làm.

Tạo điều kiện cho khách ngắm cảnh đêm

Các bạn trẻ và khách du lịch nước ngoài khi đi buýt đường sông thường dành nhiều thời gian quay phim, chụp ảnh. Quả thật, ngồi trên tàu buýt mà ghi hình cảnh đẹp của sông Sài Gòn thì quá tuyệt.

Cầu Bình Lợi trên đường Phạm Văn Đồng và cầu Bình Triệu vốn đã đẹp, khi nhìn từ tàu buýt thấy càng hấp dẫn hơn. Tôi nghĩ sau này khi lượng khách đi tàu tăng lên, Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị khai thác) nên kéo dài thêm giờ hoạt động để khách được ngắm thành phố buổi tối từ tàu buýt (hiện nay chuyến cuối cùng trong ngày là 18h30).

HẰNG NGA (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp