16/12/2012 08:09 GMT+7

Bửu Chỉ - những bức tranh chưa được biết đến

LÊ VĂN NGHĨA
LÊ VĂN NGHĨA

TT - Trong thời gian bị giam ở nhà tù Chí Hòa (1973), công tác của Bửu Chỉ là vẽ tranh tố cáo chế độ lao tù gửi ra ngoài theo yêu cầu của phong trào trong nước lẫn quốc tế.

Một số trong những tranh vẽ thời kỳ đó là những bức tranh nổi tiếng bây giờ vẫn còn được sử dụng trên các phương tiện truyền thông.

v4XBOQy3.jpgPhóng to

Anh vẽ tranh trên giấy croquis bằng bút sắt và mực đen với những đường vạch carô thẳng và chéo quen thuộc - đã tạo nên dấu ấn của riêng anh khi vẽ tranh bằng bút sắt. Trước đó anh đã nổi tiếng với những bức tranh sơn dầu khổ to. Anh chiến đấu cho độc lập và tự do của đất nước và dân tộc bằng màu dầu và bút sắt! Và cũng vì bút sắt và màu dầu mà anh đã mất tự do. Ở trong tù, anh lại cùng với bạn bè chiến đấu tiếp...

Bửu Chỉ đã vẽ rất nhiều, vẽ say sưa. Tôi bị giam chung phòng với anh trong Chí Hòa, kể cả khi cả hai cùng bị giam tại trung tâm 3 tuyển mộ và nhập ngũ Quang Trung (thường gọi là trung tâm 3) nên có điều kiện được ngắm những bức tranh anh vẽ từ lúc phác thảo cho đến khi hoàn chỉnh. Đôi khi tôi cũng góp ý nhận xét đôi lời hơi trật chìa. Anh và tôi cùng cười khì và chia nhau điếu thuốc Ruby quân tiếp vụ khét nghẹt khi bức tranh nào đó vừa hoàn thành.

Thỉnh thoảng, tôi thấy anh lấy từ trong bồng ra một tập giấy croquis đóng khổ nhỏ, vuông vắn. Sau khi vẽ xong, anh lại cất vào bồng và không cho tôi xem. Tôi có hỏi anh vẽ tranh gì mà bí mật vậy thì anh chỉ cười chứ không hề tiết lộ hoặc đem triển lãm. Tôi biết đó là những bức tranh anh vẽ cho riêng mình. Có lúc không kìm được tò mò, tôi len lén nhìn khi anh vẽ và chỉ thấy được tên tập tranh là Thầm kín. Sau này, mỗi khi anh vẽ, tôi thường trêu anh là Bửu Chỉ đang vẽ tranh “Thèm kín”.

Vào cuối năm 1974, chúng tôi bị chuyển từ nhà tù Chí Hòa đi các nhà tù khác. Bửu Chỉ cùng Đoàn Khắc Xuyên và Lê Văn Thọ đi nhà tù Gò Công, còn tôi đi Vĩnh Long cùng với Nguyễn Cam và Nguyễn Văn Hòe. Trước khi đi, anh Bửu Chỉ đã tặng tôi tập tranh, coi như là một kỷ niệm vì lúc đó chúng tôi không biết bao giờ mới gặp lại nhau. Trong tù, tôi với anh dù hơi cách nhau về tuổi tác nhưng khá thân thiết vì tính tình văn nghệ sĩ với đầy đủ các thứ ẩu tả của nó. Và cũng có thể vì vài bức tranh trong tập này - thể hiện một vài người con gái trong chuyện tình của anh mà thỉnh thoảng anh kể cho tôi nghe một vài trong số đó.

Tôi mang tập tranh đi qua các nhà tù khác từ năm 1973 cho đến ngày giải phóng. Tôi đã mất mát và bị hư hỏng khá nhiều sách vở nhưng may mắn là vẫn còn giữ được tập tranh nhỏ của anh, dù nó đã sứt chỉ khâu, ố vàng, thấm nước và bị... chuột gặm. Thời may, chỉ còn 12 bức tranh nhỏ vẫn còn nguyên vẹn - một vài trong số đó xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

Sau này khi hòa bình lập lại, ít có thời gian gặp nhau nên có lẽ anh đã... quên tập tranh nhỏ này vì xung quanh anh có nhiều tranh quá lớn. Có lần anh hỏi tôi khi gặp nhau ở Huế: “Hình như mi có giữ của tao một tập tranh khi vẽ trong tù”, tôi chỉ cười mà không xác nhận và anh cũng... quên luôn không thèm hỏi nữa cho đến khi anh mất!

Thôi, sau này tôi sẽ lại mang xuống và tặng lại cho anh nhé, BỬU CHI!

Triển lãm tranh tinh túy của Bửu Chỉ

“Các tác phẩm tuy chưa phản ánh đầy đủ tìm tòi khám phá trong địa hạt nghệ thuật, song đây là những tác phẩm tinh túy của Bửu Chỉ để lại cho đời!”. Đó là nhận xét của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Thừa Thiên - Huế, về triển lãm nghệ thuật Bửu Chỉ tại Huế chiều 14-12, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của người họa sĩ tài danh.

Triển lãm quy tụ 37 tác phẩm (25 tranh sơn dầu và 12 tranh mực tàu) được chọn lựa trong số hàng trăm tác phẩm gia đình lưu giữ suốt mười năm qua, lần đầu tiên ra mắt với mọi người.

Chủ đề tranh chủ yếu đề cập đến con người, triết lý nhân sinh rất đặc trưng của Bửu Chỉ, song được thể hiện bằng nhiều phong cách khác lạ, đặc biệt là sưu tập tranh mực tàu trên giấy đơn sắc (đen - trắng) gây thích thú cho người xem.

Riêng năm bức tranh khỏa thân sơn dầu, với những đường nét và hòa sắc rất thanh, vừa kín vừa lộ, căng đầy nhựa sống... được đánh giá tuyệt phẩm tại triển lãm.

Triển lãm tại Nhà trưng bày 26 Lê Lợi, TP Huế, bế mạc vào chiều 21-12.

LÊ VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp