12/11/2011 09:44 GMT+7

Buông lỏng hậu kiểm

XUÂN TOÀN
XUÂN TOÀN

TT - Từ khi Luật doanh nghiệp 2005 ra đời cho đến nay, có thể nói quy trình cấp phép đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp đã đơn giản hóa hơn rất nhiều. Người khởi nghiệp không còn phải mất nhiều thời gian đi lại do việc cấp phép ở nhiều nơi đã thực hiện theo quy trình một cửa liên thông.

Không chỉ thế, có nơi thí điểm cấp giấy phép đăng ký kinh doanh qua mạng nhằm cắt giảm các thủ tục không cần thiết, bớt phiền hà cho người dân. Đây là điều rất đáng mừng trong xu hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giúp người dân, doanh nghiệp không bỏ lỡ các cơ hội đầu tư kinh doanh.

Thế nhưng sự việc xảy ra tại TP.HCM, một người chỉ trong hơn một tháng đã đăng ký thành lập 37 doanh nghiệp với số vốn đăng ký lên đến hàng ngàn tỉ đồng quả là đáng suy nghĩ về công tác hậu kiểm.

Theo quy định hiện nay, một người có quyền thành lập nhiều doanh nghiệp và cơ quan cấp phép phải tôn trọng quyền kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, trong vụ việc này có quá nhiều điều bất thường nhưng không được các cơ quản quản lý chặn lại. Đầu tiên đó là người này cùng đứng tên chức danh chủ tịch hội đồng quản trị cả 37 doanh nghiệp, đồng thời giữ chức giám đốc nhiều công ty cổ phần. Tiếp đó, trong số 37 doanh nghiệp này có rất nhiều doanh nghiệp thuộc diện kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, các doanh nghiệp này có số vốn đăng ký rất “khủng”, lên đến hàng ngàn tỉ đồng...

Hàng loạt câu hỏi về sự bất thường này được đặt ra là tại sao một người thành lập nhiều doanh nghiệp như thế để làm gì? Người đứng ra thành lập doanh nghiệp có thực hiện đúng cam kết góp vốn theo đăng ký hay không? Các doanh nghiệp thành lập thuộc diện kinh doanh có điều kiện có thực hiện đầy đủ các yêu cầu này?...

Tất cả những câu hỏi trên chắc chắn sẽ được trả lời rõ ràng nếu như vấn đề hậu kiểm được làm chặt chẽ hơn và quan trọng hơn là các sai phạm nếu có sẽ được phát hiện ngay nếu quy trình cấp phép có được hệ thống cảnh báo sớm.

Không quá khó để phát hiện và ngăn chặn những vi phạm Luật doanh nghiệp. Chẳng hạn, quy định của luật là một người chỉ được đứng tên giám đốc một công ty cổ phần, vậy tại sao khi cấp phép cơ quan quản lý không làm thêm một động tác là gõ tên hoặc chứng minh nhân dân người đăng ký thành lập doanh nghiệp trên hệ thống dữ liệu phần mềm để kiểm tra? Thực tế cách làm trên ở nhiều phòng công chứng đã thực hiện từ lâu nhờ có hệ thống dữ liệu và phần mềm nội bộ.

Chưa biết rõ trắng đen việc mục đích thành lập ồ ạt các doanh nghiệp của ông Võ Văn Vi, nhưng với những gì mà Tuổi Trẻ tìm hiểu cộng với những thông tin mà cơ quan thuế, thanh tra ở Đà Nẵng cung cấp, đã cho thấy phần nào động cơ không minh bạch của việc lập nhiều công ty này. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho cả quy trình hậu kiểm trong đăng ký kinh doanh, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, nơi có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lên con số hàng ngàn mỗi tháng. Nếu các cơ quan chức năng không khẩn trương tập trung nâng cấp công tác hậu kiểm, rất có thể sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp “ma”, với số vốn ảo lên đến hàng ngàn tỉ đồng khác ra đời. Khi đó rất có thể nhiều doanh nghiệp chân chính sẽ rơi vào tròng của những doanh nghiệp ma, lừa đảo...

Xã hội không thể chấp nhận một môi trường kinh doanh kém mà nguyên nhân gây ra có phần do cơ quan chức năng lơ là công tác hậu kiểm.

XUÂN TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp