02/03/2015 11:37 GMT+7

​Buông câu lúc 0g

ĐỨC THANH - MAI HOA
ĐỨC THANH - MAI HOA

TT - 12g khuya, con nước đang lên. Mặt sông Sài Gòn dập dềnh sóng phản chiếu những ánh đèn lung linh hai bên bờ.

Câu cá trê ở chân cầu Tân Thuận (Q.7,TP.HCM) - Ảnh: Đ.Thanh

Bên kia là tòa nhà Bitexco lộng lẫy. Bên này, nhóm bạn trẻ đang ngồi quanh đống lửa. Với ba chiếc cần câu, họ bắt được những chú cá trê to bằng bắp tay và nướng lên béo ngậy, thơm lừng khiến người ta tưởng đây là một cuộc picnic giữa rừng đêm.

Nhưng không. Đây là Sài Gòn. Và họ chỉ là một trong cả trăm cần thủ thích buông câu lúc đêm về. Đêm mùng 4 tết, dọc những con kênh nhỏ chảy qua quận 7 đã lác đác thấy những bóng người thong thả buông cần.

Thừa con nước thả câu

Dưới ánh đèn vàng, ông Hoàng Nam Nguyễn (60 tuổi, Việt kiều Úc) chẳng cần nhìn vẫn mắc được con giun nhỏ vào lưỡi câu một cách thuần thục và điệu nghệ. Ông quê ở An Giang, sang Úc định cư từ 30 năm nay.

Năm nào ông cũng dành kỳ nghỉ tết dài chừng một tháng để về VN thăm bà con, mua sách và câu cá. Ông nói sách ở VN rẻ hơn và câu cá thì quá tự do vì chẳng có nhiều quy định như ở bên Úc. Ở đó, người ta quy hoạch những khu câu cá riêng, quy định rõ chỉ được bắt những con cá lớn, còn cá nhỏ phải thả về tự nhiên.

Ông thả câu, vợ ngồi ngay sau lưng, hút thuốc và nói chuyện phiếm với người chủ khách sạn. Thông thường sau khi câu được cá, ông sẽ tặng hết cho chủ khách sạn nơi mình ở. Nhưng đêm nay ông chẳng thu được con cá nào.

Trong khi cậu em họ mà ông gọi là Lỳ (tên là Rosaly Mohamed, 19 tuổi, người Chăm) đứng bên cạnh thì giật lia lịa. Ông cũng chẳng buồn. Ông cười, khuôn mặt tươi tỉnh và trẻ trung như một thanh niên: “Câu cá cũng phải tùy duyên, sốt ruột là không được.

Thông thường, cá dễ cắn câu ở thời điểm con nước đang lên và đang xuống. Tôi thích câu cá đêm vì có lẽ thành phố này đẹp nhất là khi đêm về. Trong lành, bình yên và huyền ảo. Những hình ảnh này tôi nhớ mãi khi xa quê”.

“Mỗi lần cá cắn câu, rút cần giật cá lên như giảm được áp lực công việc đang bị đè nén” - anh Việt, 34 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin, chia sẻ. Anh Việt nói câu cá đêm thì cơ hội câu được cá lớn cũng nhiều hơn so với ban ngày. Cá câu được, anh đem biếu hàng xóm lấy thảo.

Dọc bờ kênh dưới chân cầu Tân Thuận 2 nơi anh đang đứng, đã 23g vẫn còn hàng chục nhóm câu ngồi xếp lớp cần mẫn thả mồi. Đây là khúc gần ngã ba sông, nơi dòng kênh Tẻ hòa vào sông Sài Gòn nên sóng lớn, cá câu được cũng to hơn những nơi khác.

Nhiều nhóm mang theo cả bia và mồi nhậu, vừa câu vừa uống bia. Có anh tay vừa mắc dế, giun vào lưỡi câu đã cầm ngay cái chân gà nướng xé ăn ngon lành. Không vấn đề gì. Gió sông vẫn mát và chuyến đi câu sẽ kết thúc khi tàn cuộc nhậu.

Sợ nhất là bị cướp

Theo chia sẻ từ nhóm câu của anh Nguyễn Trường Thành (Q.9), so với 5-6 năm trước thì người câu đêm trên sông rạch cũng giảm nhiều. Phần vì việc câu cá trên một số kênh rạch lớn trong TP bị cấm, phần vì sợ bị cướp. Phải chọn những con đường lớn, không dám câu quá khuya.

Anh Thành cho biết nhóm của anh thường chọn câu ở những nơi có sông lớn như cầu Trường Phước (Q.9), cầu Sài Gòn... Anh cho biết ban đầu cũng bị vợ cằn nhằn dữ lắm, có người còn bị vợ nghi ngờ là xách cần đi câu “cá 45kg”. Nhưng do khéo nịnh vợ, vài bữa lại xách về một con cá to “hối lộ” cho vợ nấu canh nên việc đi câu cũng thoải mái hơn.

Nhóm của anh có năm người, ban ngày mỗi người làm công việc kinh doanh, cách vài ngày lại tập hợp chọn một khúc sông an toàn rồi cùng nhau thả câu để giải trí.

Đúng như lời anh nói, các địa điểm trước đây kín đặc dân câu khi màn đêm buông xuống như những kênh rạch ở quận 2, quận 9... nay cũng thưa vắng người câu. Nếu như trước đây những nơi yên tĩnh, vắng vẻ thường được ưu tiên lựa chọn thì nay các nhóm câu chuyên nghiệp, có điều kiện đầu tư sẽ đi tìm những khúc sông lý tưởng và an toàn hơn.

Còn những người thi thoảng đi câu cho vui lại có nhiều lựa chọn khác, như nhóm bạn trẻ mà chúng tôi gặp dưới cầu Ông Cậy (Q.2) lúc gần 2g khuya một ngày trước tết. Phao sáng nháy liên tục. Chỉ một chốc, gần chục chú cá trê đã nằm gọn trong thùng. Vũ, 20 tuổi, hăng hái nhảy lên đường đi tìm củi và lá cây.

Na Tra, Tú, Ái Phương, Tèo Em vừa xâu cá vừa nhóm lửa. Cả khúc sông lớn như rộn ràng hẳn lên bởi tiếng cười đùa thích thú. Ánh lửa bập bùng, sóng vỗ ì oạp, mùi cá nướng thơm ngậy. Chỉ cách một quãng sông, bên kia là tòa nhà Bitexco và cả khu trung tâm TP rực rỡ ánh đèn. Có tiếng xuýt xoa, chẳng biết vì cá thơm và ngọt, hay vì gió sông mang cái lạnh 20oC dội vào.

Tiếng hát, hò dzô của nhóm trẻ khiến anh dân phòng lượn xe qua thăm tình hình. “Tụi em liên hoan xong sẽ dọn dẹp sạch sẽ, mấy anh ở đây cũng biết rồi nên tụi em không ngại. Thậm chí nhờ mấy anh mà tụi em yên tâm hơn vì ở đây cũng hơi vắng, dù đông người nhưng vẫn sợ bị cướp giữa đêm thì nguy” - Vũ nói.

Còn đội câu không chuyên bên cầu Rạch Đỉa (Q.7) vốn là một gia đình quê ở An Giang. Họ làm thợ sơn nước ở một công trình gần đây và hầu như đêm nào cũng ra cầu ngồi câu tới tận khuya. Không có nhiều tiền, họ sắm được bốn chiếc cần với giá 400.000 đồng/cần, “thuộc loại bèo nhất” như lời chị Đào (27 tuổi) nói.

Chị Đào không biết câu, chỉ ra xem cha, anh trai, chồng và chú hàng xóm thả câu. Cầu Rạch Đỉa bằng sắt, mỗi khi có xe chạy qua là kêu rầm rầm, rung lên như động đất. Phía trước mặt, những con tàu lớn chạy ầm ầm, phả khói khét lẹt vào làn gió sông.

Nhưng họ vẫn ngồi. Cá trê câu được, chị Đào dùng để nấu ăn và thi thoảng đem ra chợ đổi lấy thức ăn khác. “Cũng chẳng biết đi đâu. Thà ra đây ngồi câu vẫn hơn là ở nhà nhậu nhẹt” - chị Đào nói vậy. Thi thoảng, chị khẽ tựa đầu vào vai chồng, lim dim. Bao nhiêu nhọc nhằn như theo làn gió vợi bớt đi.

Thả câu dưới chân cầu đường cao tốc

Dưới chân cầu trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây các cần thủ thoải mái buông câu, gió sông Đồng Nai lồng lộng thổi. Từ ngày thông xe đường cao tốc này, xe cộ từ TP.HCM đi Vũng Tàu nhanh chóng hơn.

Và những người đam mê câu cá cũng có thêm một nơi lý tưởng để buông cần. Cuối tuần, hàng chục người ôm đồ nghề đổ về đây ngồi kín các đế cầu. Nhiều người lặn lội hơn 50km từ Q.6 (TP.HCM). Muốn ra được năm trụ cầu giữa dòng, phải thuê một ghe của ngư dân với giá 100.000 đồng/lượt.

Nhiều nhóm đến đây đem lương thực, mền gối, củi đốt cắm trại ở lại đêm. Cá câu được sẽ nướng trực tiếp trên than hồng đốt sẵn. Có nhóm ra từ sáng sớm đến chiều tối lại về, sáng mai đi tiếp. Đồ ăn buổi trưa là những gói xôi, ổ bánh mì hay những thức ăn gọn nhẹ.

Chiến lợi phẩm là những con cá hú, cá trê, cá lăng không lớn nhưng được cái ngon hơn cá mua ở chợ nhiều lần. “Anh em rủ nhau ra đây thấy vui. Câu đến chiều về được vài ký cá cải thiện bữa ăn cho gia đình thấy cũng vui” - ông Sáu (Q.6, TP.HCM) tâm sự.

HẢI HIẾU

 

ĐỨC THANH - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp