Phóng to |
Chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm - cảnh thường thấy ở Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng |
Không buồn sao được khi bộ mặt của Hà Nội và TP.HCM qua bài viết của bạn đọc H.Hương và ống kính của hai nhà báo Việt Dũng, Công Thành được trưng ra thật bê bối, nhếch nhác từ cách chạy xe trên đường đến ý thức bảo vệ mỹ quan của thành phố. Dẫu đọc thấy buồn nhưng không ít bạn đọc là dân Hà Nội thừa nhận bạn H.Hương không “nói quá”. Nhiều người từng đến Hà Nội cũng xác nhận bạn H.Hương mô tả chính xác về giao thông Hà Nội.
* Tôi thấy dân Hà Nội không “sợ” cảnh sát giao thông như dân Sài Gòn. Phần lớn người Sài Gòn khi bị cảnh sát giao thông thổi là năn nỉ hoặc ngoan ngoãn nộp phạt chứ ít khi dám cãi lý... Có lẽ vì thế mà giao thông ở Sài Gòn đỡ hơn Hà Nội chăng? TRẦN KHÁNH DUNG (cp112d510@...) * Tôi vừa ở Hà Nội ba ngày (cũng là lần đầu tiên ra Hà Nội). Phải nói là giao thông Hà Nội rất có vấn đề, mặc dù lúc nào cũng thấy cảnh sát giao thông. Đặc biệt là tài xế taxi ý thức về chuyện “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” rất kém. Nếu khách lên xe mà không dùng Google map xem đường trước thì rất có thể được tham quan Hà Nội bất đắc dĩ với giá cao. |
Bạn Đặng Phước Thiện viết: “Mình cũng từ Sài Gòn ra Hà Nội được hai tháng và thấy bài báo viết khá chính xác. Nhiều người đi đường chẳng cần mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, qua đường chẳng cần đèn xinhan... Tất cả diễn ra bình thường như đi xe ở làng quê vậy. Nhiều người không đội mũ bảo hiểm đi ngang mà cảnh sát giao thông cũng ngó lơ luôn”.
Bạn Thái Trần, một hướng dẫn viên du lịch, xác nhận: “Bạn ấy không nói quá. Tôi thường xuyên dẫn đoàn khách đi Hà Nội. Nếu ai hỏi tôi thành phố nào ở VN giao thông lộn xộn nhất, tôi trả lời ngay là Hà Nội. Tương tự, ai hỏi tôi ở đâu người ta lưu thông bằng xe máy mà không đội mũ bảo hiểm nhiều nhất, câu trả lời cũng là Hà Nội”.
“Chào thua!”, bạn đọc tên Dũng kêu lên như vậy khi nói về giao thông ở Hà Nội. “Văn hóa giao thông của Hà Nội thật sự là “loạn lạc”. Ai trong Nam có dịp ra thăm Hà Nội đều kể về Hà Nội theo cùng một cách: Hà Nội cổ kính và có những con đường rất đẹp, nhưng văn hóa cư xử khi lưu thông ở nội ô thì loạn, ai thích chạy thế nào thì chạy, không có khái niệm nhường đường hay xin đường. Cách cư xử của dân Hà Nội cũng khiến cho dân Sài Gòn ngạc nhiên, nhất là khi hỏi thăm đường” - anh Dũng viết. Và đây là lý giải của anh Dũng về tình trạng này: “Cũng giống như Sài Gòn, Hà Nội cũng đón một làn sóng nhập cư từ các tỉnh nên có lẽ hành xử văn hóa vẫn chưa kịp điều chỉnh”.
Bạn đọc tên An (andieu89@...) góp chuyện về giao thông Hà Nội bằng một dẫn chứng về “người thật việc thật”: “Tôi có cậu em họ ở Hà Nội, tháng trước vào Sài Gòn chơi, cậu ta lấy xe máy chở tôi đi chơi trong thành phố. Trong lúc cậu chạy xe, tôi nói rẽ phải thì cậu ta lại xinhan đèn trái. Tôi hỏi cậu xinhan đèn trái thì sao người chạy bên phải biết mà giảm tốc độ được, cậu ta bảo: ngoài ấy bọn em cứ trống là chạy, chả phải nhan nhiếc gì cả!”.
Nói về “Tật xấu tràn lan giữa Sài Gòn”, bạn đọc Thanh Loan (t_loan@...) kể: “Trên xe buýt hoặc nơi công cộng thì nói điện thoại như chốn không người! Vô quán ăn, xả giấy ngay trên mặt sàn dù có giỏ đựng rác bên cạnh! Tự nhiên hút thuốc lá giữa đám đông, khi có ai nhắc nhở lại chửi thề, gườm gườm, lầm bầm”.
Phóng to |
Có người thản nhiên tiểu tiện ngay khu vực có khách du lịch nước ngoài (ảnh chụp ở đầu đường Lê Lợi, trước chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM chiều 19-7) - Ảnh: N.C.T. |
Nhiều bạn đọc cho biết họ rất xấu hổ về tật xấu của dân mình. Bạn đọc có địa chỉ email ducson915@... viết: “Mỗi ngày tôi đi làm ở khu vực gần vòng xoay Mê Linh (Q.1, TP.HCM) - nơi có một ngân hàng lớn đang xây dựng. Chứng kiến cảnh những tài xế và dân bụi đời phóng uế xung quanh và cảnh người nước ngoài đi bộ phải tránh né người phóng uế khiến tôi thật sự buồn và xấu hổ. Và chứng kiến cảnh người nước ngoài bị giật đồ trên đường phố lại càng buồn hơn. Mong các cơ quan chức năng xử lý mạnh người vi phạm”.
Bạn đọc Nguyễn Thúy An kể về một tật xấu tương đối phổ biến của người TP là xả rác vào cống thải. “Ở TP.HCM, nếu mọi người để ý đến những miệng cống ven đường sẽ thấy 99% đều có rác. Thật khó hiểu là tại sao người ta lại vứt rác vào miệng cống như vậy? Rồi đến mùa mưa, cống ứ đọng, ngập nước thì họ chỉ biết đổ lỗi cho chính quyền này nọ. Trong khi đó mình thấy mấy bác bên vệ sinh môi trường đô thị đi nhặt rác từ cống lên rất cực”.
Bạn đọc có địa chỉ email ngkhacdam@... lý giải để xảy ra những hình ảnh xấu xí là do lỗi cả hai phía: ý thức người dân và cơ quan quản lý. “Giới quản lý không đề cao việc giáo dục nếp sống văn minh, không có chương trình, dự án giúp làm giảm sự thiếu văn minh. Còn người dân quá dễ dãi với chính mình, cái tôi lớn hơn cái ta...” - bạn đọc [email protected]ận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận