Ông Phan Văn Hôn - chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, tại buổi sinh hoạt dưới cờ của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai sáng 5-2 - Ảnh: T.M.
Sáng 5-2, hơn 1.780 học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) có buổi chào cờ xúc động khi được nghe chia sẻ về lực lượng Biệt động Sài Gòn và cuộc tổng tiến công, nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968.
Hai "diễn giả đặc biệt" là ông Phan Văn Hôn (còn gọi là Bảy Hôn), nguyên chuẩn úy, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn và ông Trần Vũ Bình - phó Chánh văn phòng Viện KSND Tối cao phía Nam, con trai Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai, người xây dựng hầm vũ khí đánh Dinh Độc lập Tết Mậu Thân.
"Thời ấy, trong căn nhà số 287/70 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), trong vai trò là nhà thầu khoán, trang trí nội thất cho "Phủ Đầu Rồng", ông Trần Văn Lai đã xây dựng hầm chứa bí mật, vận chuyển vũ khí về cất giấu phục vụ cho trận đánh vào các mục tiêu quan trọng dịp tết Mậu Thân 1968.
Cả Sài Gòn lúc bấy giờ không ai nghĩ một nhà tư sản như thế mà làm cách mạng, đó là chuyện hết sức bất ngờ", ông Phan Văn Hôn kể.
"Cả Đội 5 Biệt động Sài Gòn lúc bấy giờ chỉ có 16 người kể cả ông Trần Văn Lai. Ông Lai xin tham gia trận đánh đó nhưng cấp trên không cho vì ông Lai còn phải ở lại gìn giữ cơ sở này.
Chúng tôi 15 người trực tiếp chiến đấu, lúc đó tuổi đời còn trẻ lắm chỉ 17,18 tuổi. Cuộc chiến đấu vô cùng nguy hiểm, hi sinh sức người, sức của, nhưng là tiền đề cho chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng", ông Hôn nhớ lại.
Ông Trần Vũ Bình - con trai Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai, chia sẻ về quá trình hoạt động cách mạng của cha mình - Ảnh: T.M.
Kể về quá trình hoạt động cách mạng của cha mình, ông Trần Vũ Bình - con trai Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai nói: "Ba tôi đã phải bán đi rất nhiều căn nhà lớn của gia đình, nộp tiền vào ngân hàng làm quỹ phục vụ chiến đấu, đồng thời mua nhiều căn nhà nhỏ khác để thiết kế xây dựng hầm vũ khí.
Việc thiết kế, xây dựng hầm phải đảm bảo bí mật. Ba tôi đã một mình tự tay đào hầm. Mỗi đêm về ba lại đi đào hầm. Tất cả đất đá đào được cẩn thận chất lên ô tô của gia đình, chờ đêm tối chở đi đổ ở các nơi, mẹ tôi cũng phụ giúp cho ba tôi một tay. Một căn hầm như thế phải mất 1 năm trời mới xong".
Ông cũng cho biết mình và gia đình đã nỗ lực đi khắp nơi sưu tầm lại những kỷ vật, dấn ấn của Biệt động Sài Gòn và cha mình để thế hệ sau biết đến lịch sử của lực lượng đặc biệt này.
"Tôi luôn tự ý thức mình sống trong đất nước hòa bình, đi trên con đường đẹp đẽ như hôm nay là nhờ sự chiến đấu, hi sinh của biết bao người, biết bao chiến sĩ", ông Bình nói.
Còn ông Phan Văn Hôn thì gửi gắm kỳ vọng vào những người trẻ hôm nay: "Chính các thầy cô, các cháu là người chủ đất nước trong tương lai. Đời chúng tôi làm cách mạng không phải để cho mình hưởng mà làm để cho đời sau. Vì vậy các cháu phải cố gắng học, có tâm, có tài có đức để làm chủ đất nước này, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên ngang tầm thế giới".
Học sinh chăm chú nghe khách mời chia sẻ về cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân - Ảnh: T.M.
Đại diện trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (bìa phải) trao hoa cảm ơn hai khách mời - Ảnh: T.M.
Ông Phan Văn Hôn và ông Trần Vũ Bình đại diện trao tặng bút ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp và bút ký của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho nhà trường - Ảnh: T.M.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận