Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Ngày 10-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Bình Nguyên - phó Ban nội chính Tỉnh ủy Cà Mau - cho biết cơ quan này đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Cà Mau xác minh nội dung báo chí phản ánh và báo cáo kết quả giải quyết.
Trước đó, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Bệnh viện Đa khoa Cà Mau truyền đạt ý kiến của UBND tỉnh yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau chủ động trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí các nội dung liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính của bệnh viện này.
Ngày 3-8, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau ký quyết định phê duyệt kết quả chọn nhà thầu (gói thầu số 8) cung cấp, lắp đặt hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt, thuộc dự án đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính cho bệnh viện.
Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Hợp Phú (quận Đống Đa, Hà Nội), giá trúng thầu 30,6 tỉ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 180 ngày.
Đáng chú ý, việc lựa chọn Công ty Hợp Phú trúng thầu là do Bệnh viện Đa khoa Cà Mau dựa vào tờ trình 288 ngày 28-7-2020 của Công ty CP tư vấn đầu tư Nam Sài Gòn về việc đối chiếu tài liệu thương thảo hợp đồng, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Đồng thời dựa vào báo cáo thẩm định số 32/CT-HM ngày 3-8-2020 của Công ty CP xây dựng Hoàng Mai về việc báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 8: cung cấp, lắp đặt hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt thuộc dự án đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính cho Bệnh viện Đa khoa Cà Mau (Công ty Hoàng Mai có trụ sở phường 5, TP Cà Mau - có chức năng xây dựng dân dụng).
So sánh giá với loại máy này, trước đó một bệnh viện đa khoa ở TP.HCM cũng đã mua với giá trên 15,3 tỉ đồng (giá dự thầu cũng chỉ trên 22 tỉ đồng), thấp hơn nhiều so với giá mua của Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.
Báo cáo về nội dung này, bà Đặng Thùy Trang - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau - cho biết khi mua thiết bị y tế trên, lãnh đạo bệnh viện đã thực hiện các thủ tục cần thiết, gồm ý kiến của Vụ Trang thiết bị - công trình y tế (Bộ Y tế), có sự chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, đồng thời có tham khảo giá mua thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp và dự án có thông qua HĐND tỉnh Cà Mau…
Đáng chú ý, tại quyết định phê duyệt kết quả chọn nhà thầu (gói thầu số 8) của giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau ký, lại có 2 giá trúng thầu "30.600.000.000" (bằng số) và "Ba mươi ba tỉ sáu trăm triệu đồng" (bằng chữ). Một chuyên gia pháp luật cho biết, với nội dung này, cũng có thể hiểu giá trúng thầu bằng chữ hoặc bằng số.
Nói về tính pháp lý của việc UBND tỉnh giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư gói thầu số 8, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng cho biết khoản 6, điều 26 Nghị định 32/2019 của Chính phủ quy định: "Các bộ, cơ quan trung ương và UBND các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc ủy quyền cho cơ quan quản lý trực thuộc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu".
Điều này được hiểu UBND tỉnh là đơn vị chỉ đạo, tổ chức thực hiện (làm chủ đầu tư) hoặc giao quyền cho cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc (Sở Y tế) giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công…
"Việc UBND tỉnh Cà Mau giao nhiệm vụ trực tiếp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm chủ đầu tư trong việc mua trang thiết bị y tế là trái với tinh thần Nghị định 32 của Chính phủ” - luật sư Thăng nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận