TPP được đánh giá là chính sách “di sản” của ông Obama - Ảnh: Reuters |
Rạng sáng 25-6 (giờ Việt Nam), với tỉ lệ 60-38, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật trao quyền “đàm phán nhanh”, hay còn gọi là quyền xúc tiến thương mại (TPA), cho Tổng thống Barack Obama.
Dự luật vừa được chuyển tới Nhà Trắng để ông Obama ký ban hành trong vòng vài ngày tới. Với TPA, Chính phủ Mỹ có quyền hoàn tất đàm phán TPP cùng các thỏa thuận thương mại khác. Khi đó, Quốc hội Mỹ sẽ chỉ có thể bỏ phiếu thuận hoặc chống các thỏa thuận này chứ không có quyền thay đổi nội dung của chúng.
Trước đó, các nhà đàm phán của Nhật và Canada từng khẳng định chỉ có thể đưa ra những nhượng bộ cần thiết để hoàn tất TPP sau khi ông Obama nắm trong tay TPA.
Thượng viện Mỹ cũng thông qua dự luật thực hiện chương trình hỗ trợ công nhân mất việc làm vì thương mại quốc tế (TAA) và chuyển tới hạ viện.
Nhà Trắng cho biết muốn cả TPA và TAA được đặt lên bàn tổng thống để ông Obama ký thông qua cùng lúc trong tuần này.
“Di sản” của Obama
Khi thúc đẩy TPP, ông Obama vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nghị sĩ của chính Đảng Dân chủ. Nguyên nhân bởi các công đoàn lao động tại Mỹ lo ngại TPP sẽ khiến công nhân Mỹ mất công ăn việc làm, do đó đe dọa không bỏ phiếu cho các nghị sĩ Dân chủ trong những cuộc bầu cử sắp tới nếu ủng hộ TPP.
Ông Obama và Đảng Cộng hòa lập một "liên minh kỳ lạ" để đưa TPA vượt qua hai cửa ải Hạ viện và Thượng viện Mỹ, dù trước đó các nghị sĩ Cộng hòa luôn phản đối mọi chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà Trắng.
Theo Reuters, mới đây Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari cho biết sau khi Quốc hội Mỹ đã thông qua TPA cho ông Obama, các nước thành viên TPP hi vọng có thể hoàn tất đàm phán trong tháng 7. TPP với sự tham gia của Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Việt Nam, Malaysia và sáu quốc gia Thái Bình Dương khác sẽ bao trùm 40% nền kinh tế toàn cầu.
Báo Washington Post dẫn lời đại diện thương mại Mỹ Michael Froman mô tả đây là “cơ hội để định hình nền kinh tế toàn cầu trong tương lai”.
Giới quan sát nhận định TPP sẽ là một trong những “di sản” lớn nhất, quan trọng nhất mà ông Obama để lại sau khi rời Nhà Trắng.
TPP là tâm điểm trong chính sách “xoay trục châu Á” của Chính phủ Mỹ. Trung Quốc chỉ trích chính sách “xoay trục” nói chung và TPP nói riêng là chiến lược của Washington để kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Do đó trong thời gian qua chính quyền Trung Quốc liên tục mở rộng quan hệ thương mại - kinh tế với các nước khu vực, bao gồm việc thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).
AIIB thu hút được sự ủng hộ của hàng loạt đồng minh rất thân cận với Mỹ như Anh, Đức, Úc... Do đó, các nhà phân tích cho rằng nỗ lực thúc đẩy thương mại của ông Obama là hết sức quan trọng.
Nếu TPP thất bại, mối nghi ngại Mỹ không còn đủ ảnh hưởng ở châu Á sẽ bùng lên và chính sách “xoay trục” sẽ đánh mất trọng tâm kinh tế.
Vẫn còn trở ngại
Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua TPA, mọi sự chú ý ở Washington sẽ đổ dồn vào chính nội dung TPP với các điều khoản giảm thuế và loại bỏ rào cản thương mại đối với hàng nghìn mặt hàng.
Quan trọng hơn là các quy định thương mại quản lý những lĩnh vực như lao động, tiêu chuẩn môi trường, bản quyền sở hữu trí tuệ... Các nước tham gia TPP vẫn còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề nhạy cảm.
Có thể kể đến việc Nhật sẽ mở cửa thị trường nông nghiệp tới mức nào hay Canada có chấp nhận dỡ bỏ các hàng rào bảo hộ ngành công nghiệp sữa và gia cầm hay không. Hiện Canada vẫn chưa đưa ra đề nghị chính thức về các ngành này.
Một vướng mắc lớn nữa là bản quyền của các công ty dược sẽ được bảo vệ trong bao lâu trước sự cạnh tranh của thuốc phiên bản giá rẻ.
Nếu các nước hoàn tất đàm phán trong tháng 7, sẽ phải mất tối đa sáu tháng Quốc hội Mỹ mới bỏ phiếu thông qua TPP. Theo quy định, Nhà Trắng sẽ phải công bố chi tiết hiệp định khoảng 60 ngày trước khi quốc hội bỏ phiếu.
Giới quan sát nhận định chắc chắn TPP sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ các công đoàn lao động và tổ chức tiêu dùng ở Mỹ. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua TPA, nhiều công đoàn lao động Mỹ thề sẽ tiếp tục chống TPP đến cùng.
“Sẽ có một cuộc chiến mới về TPP - báo Wall Street Journal dẫn lời bà Susan Schwab, cựu đại diện thương mại Mỹ thời tổng thống George W. Bush, nhận định - Với một thỏa thuận thương mại phức tạp, những người chống đối sẽ luôn chỉ trích các điểm họ cho là tiêu cực”.
Nguồn tin Wall Street Journal cho biết dù phần lớn tập đoàn lớn ở Mỹ ủng hộ TPP, một số nhà sản xuất trong đó có các công ty xe hơi đang vận động những nghị sĩ bỏ phiếu chống TPP vì lo ngại giảm thuế khiến nhập khẩu gia tăng.
TPP sẽ được mở rộng Hiện có 12 nước đang tham gia đàm phán TPP. Tuy nhiên theo tạp chí The Diplomat, mới đây Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gregory Domingo cho biết Manila quyết tâm gia nhập TPP. Colombia, Hàn Quốc và Đài Loan cũng đều ngỏ ý muốn trở thành thành viên TPP. Thậm chí Trung Quốc cũng là một ứng cử viên tiềm năng. Tuy nhiên các quan chức Mỹ khẳng định Trung Quốc phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng các tiêu chuẩn lao động và môi trường nếu muốn tham gia TPP. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận