09/08/2021 13:17 GMT+7

Bước tiến mới về Myanmar, Biển Đông

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Hôm qua (8-8), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 54 năm thành lập. ASEAN dần cho thấy vai trò trung tâm trong chủ nghĩa khu vực, là một tổ chức đa phương mạnh mẽ hơn, gắn kết với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.

Bước tiến mới về Myanmar, Biển Đông - Ảnh 1.

Đại sứ Brunei tại Việt Nam, ông Pengiran Haji Sahari bin Pengiran Haji Salleh, phát biểu tại Ngày gia đình ASEAN với khẩu hiệu “ASEAN đoàn kết chung tay đẩy lùi COVID-19” vào sáng 8-8 - Ảnh: TTXVN

Trước đó, từ ngày 2 đến 6-8, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và chuỗi các hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN với các đối tác quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand… đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng của khu vực, bao gồm nỗ lực đa phương đối phó với dịch COVID-19, giải quyết vấn đề Myanmar, Biển Đông cũng như xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.

Hy vọng cho Myanmar

Một thành công tuy nhỏ nhưng đáng ghi nhận của AMM-54 là tiếp tục được vai trò trung tâm của mình đối với cuộc khủng hoảng Myanmar. Vai trò trung tâm được thể hiện trong việc ASEAN là nhân tố chính trong việc hòa giải, gắn kết giữa các bên đối lập ở Myanmar nhằm mang lại hòa bình, ổn định cho quốc gia này.

Hồi tháng 4-2021, ASEAN được ca ngợi sau khi thông qua được "đồng thuận năm điểm" giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của các quốc gia thành viên. Thống tướng Myanmar, người vừa tự tuyên bố là lãnh đạo chính phủ tạm thời, cũng tham gia hội nghị này.

Đông Nam Á là một khu vực địa chính trị thường xuyên bị các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga gây ảnh hưởng. Do đó, ASEAN được kỳ vọng có thể đóng vai trò quan trọng chấm dứt bạo lực và làm trung gian cho đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan trong vấn đề Myanmar, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho quốc gia này.

Tuy nhiên nhiều tháng qua, ASEAN và chính quyền quân sự vẫn còn chưa đạt được thống nhất ai sẽ là đặc phái viên tới Myanmar cho đến trước thềm Hội nghị AMM-54. Cuối cùng, sau nhiều tranh cãi, các ngoại trưởng ASEAN đạt được sự thống nhất cử Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, Erywan Yusof, làm đặc phái viên tới Myanmar.

Mặc dù có sự nghi ngại rằng chính quyền quân sự Myanmar sẽ gây trở ngại cho đặc phái viên Erywan Yusof, nhưng ít nhất ASEAN đã thể hiện khả năng buộc chính quyền quân sự Tatmadaw tiếp tục quá trình khôi phục ổn định ở Myanmar.

Điểm nhấn về COC

Đối với vấn đề Biển Đông, các ngoại trưởng ASEAN cũng hy vọng có thể hoàn thành sớm Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Các cuộc đàm phán về COC bắt đầu từ năm 2017 nhưng vẫn chưa kết thúc khi các bên vẫn chưa thống nhất về nội dung văn bản được coi là mang tính ràng buộc về pháp lý và giúp duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Tuy nhiên, điểm nhấn của cuộc họp lần này là các bên đã đạt đồng thuận về yếu tố cốt lõi là COC phải dựa trên luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và có thực chất.

Các nhà ngoại giao ASEAN hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán về văn bản dự thảo đàm phán COC, với kết quả đạt được là thỏa thuận tạm thời về phần mở đầu của COC sau một thời gian đình trệ do đại dịch COVID-19. ASEAN và Trung Quốc cũng nhấn mạnh các bên cần thể hiện thiện chí hợp tác, hành động có trách nhiệm, cùng nhau hướng tới xây dựng Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường.

Tại AMM-54, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố "Trung Quốc sẽ không có yêu sách mới ở Biển Đông". Nhưng vấn đề là Trung Quốc sẽ không từ bỏ yêu sách cũ (đường lưỡi bò) phi pháp theo luật pháp quốc tế, cũng như không nói gì về các hành động gây căng thẳng đối với các hoạt động khai thác tài nguyên biển của các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, một loạt vấn đề vẫn còn ở phía trước khi ASEAN có nhiều quyết tâm chính trị nhưng lại thiếu nguồn lực để thực hiện. Vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ của các quốc gia thành viên hay của khối không chỉ phụ thuộc vào năng lực và quyết tâm của tổ chức này mà còn phụ thuộc vào sự can dự của các cường quốc khác trên thế giới.

Kêu gọi các đối tác hỗ trợ chống dịch

Tại Hội nghị AMM-54, ASEAN đã kêu gọi các đối tác hỗ trợ về phòng chống đại dịch COVID-19 vốn đang phủ bóng khu vực này. Thông cáo của AMM-54 có đoạn: "Chúng tôi kêu gọi tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác của ASEAN trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin, cung cấp khả năng tiếp cận công bằng đối với thuốc COVID-19, làm cho vắc xin COVID-19 có sẵn với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người như hàng hóa công cộng toàn cầu, cũng như chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp sức khỏe cộng đồng khác trong tương lai".

Mặc dù đây là lời kêu gọi không dễ gì thực hiện trong thời gian trước mắt nhưng tổ chức này đã thành công khi thuyết phục các quốc gia đối tác của ASEAN giúp đỡ thêm cho nỗ lực đa phương của khối, thay vì những hoạt động ngoại giao riêng rẽ của các quốc gia thành viên.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đồng ý hỗ trợ thêm 500.000 USD cho Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN để hỗ trợ việc mua thêm nhiều vắc xin, ngoài 23 triệu liều vắc xin cho các thành viên ASEAN và hơn 158 triệu USD viện trợ khẩn cấp COVID-19. Ngoài ra, Úc cam kết đóng góp 21 triệu AUD (khoảng 15,5 triệu USD) cho Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.

ASEAN bàn về tự cường vắc xin COVID-19, Biển Đông, Myanmar ASEAN bàn về tự cường vắc xin COVID-19, Biển Đông, Myanmar

TTO - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 2-8 đề nghị khẩn trương triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vắc xin, bàn về các diễn biến trong khu vực như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, Myanmar…

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp