Anh Lâm Đình Thắng (phó bí thư thường trực Thành đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM) |
“Liên hoan vừa là sân chơi, vừa là môi trường để mỗi bạn trẻ tham gia hun đúc cho mình niềm đam mê sáng tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường |
Anh Lâm Đình Thắng (phó bí thư thường trực Thành đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM) |
Bên cạnh những sản phẩm mang tính học thuật, nhiều sản phẩm đã được sinh viên sáng chế dựa trên những nhu cầu bức thiết của cuộc sống và mang tính ứng dụng cao.
Những sản phẩm vì ngư dân và môi trường
Bức xúc trước sự việc một số ngư dân khi khai thác, đánh bắt trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa thường bị tàu nước ngoài đâm chìm, gây nguy hiểm đến tính mạng, chàng sinh viên Nguyễn Phú Cường (Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng nhóm bạn đã bàn thảo và đưa ra ý tưởng phải thiết kế một thiết bị định vị cho ngư dân, để trong tình huống họ gặp nạn trên biển vẫn có thể xác định được vị trí cứu hộ.
Từ đó, nhóm đã mày mò thiết kế bộ định vị có tên “Thiết bị định vị và hỗ trợ cứu nạn trên biển”. Thiết bị này bao gồm một máy định vị đeo tay và trạm cơ sở được lắp đặt trên tàu cứu hộ và ở đất liền.
Khi gặp nạn, ngư dân chỉ cần bấm nút khẩn cấp ở thiết bị đeo tay, thông tin về tọa độ vị trí đó sẽ được chuyển về đất liền và các tàu cứu hộ. Đặc biệt, thiết bị này không cần sử dụng Internet, thời gian sử dụng pin lên đến bảy ngày.
Cùng trường với Phú Cường, sinh viên người Huế Bùi Văn Xứng lại quan tâm đến vấn nạn các nhà máy xả thải gây ô nhiễm, Xứng đã nghiên cứu và cho ra lò một sản phẩm mới toanh có tên “Hệ thống cảnh báo xả thải”.
Sản phẩm được thiết kế để lắp đặt ở cống xả nước thải của các nhà máy, xí nghiệp sản xuất kim loại nặng, nhà máy dệt...
Máy sẽ tự động hút nước thải, phân tích và gửi dữ liệu đến người dùng. “Nếu được phát triển, hoàn thiện hơn thì sản phẩm này có thể ứng dụng vào kiểm soát đối với những nhà máy gian lận khi xả nước thải” - Xứng nói.
Và mô hình máy chiết rót tự động của sinh viên Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM được đặt ngay trung tâm của sân khấu nên luôn thu hút đông đảo người xem. Mô hình hoạt động tự động từ các khâu gắp, rửa, chiết rót, đóng nắp và phân loại.
Chiếc máy này được sáng tạo trong suốt ba tháng, giá thành 250 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập ngoại. Ngoài ra, các trường khối kỹ thuật cũng mang đến liên hoan những chiếc máy in 3D đa năng với giá thành rẻ, nhiều tính năng ưu việt.
Sáng tạo để khởi nghiệp
Khu vực sáng tạo khởi nghiệp của Ngày sinh viên sáng tạo diễn ra ngày 23-10 được nhiều bạn trẻ tìm đến, lắng nghe những nhà khởi nghiệp trẻ chia sẻ ý tưởng.
Ba nhà khởi nghiệp trẻ Trần Đình Thi, Đoàn Thiên Phúc và Vũ Quốc Việt lần lượt chia sẻ những sáng tạo, kinh nghiệm của bản thân khi dám bước ra khỏi “vùng an toàn”, tìm hướng đi riêng và thành công bước đầu của quá trình khởi nghiệp.
Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối, sinh viên Nguyễn Huyền My (Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM) cho biết những kinh nghiệm vấp ngã mà các nhà khởi nghiệp thổ lộ đều là những bài học thực tế quý giá mà sinh viên ít được tiếp cận trong trường.
Anh Phạm Kiều Hưng - phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên VN TP.HCM - cho biết Ngày sinh viên sáng tạo năm nay mang tính lan tỏa cao bởi sự góp mặt của các tỉnh thành Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bến Tre, Đà Lạt.
Riêng tại TP.HCM, có gần 50 trường ĐH, CĐ tham gia. Theo anh Hưng, các sản phẩm sử dụng công nghệ mới, công nghệ thực tế ảo cũng được giới thiệu để sinh viên trải nghiệm và hướng tới ứng dụng trong học tập cũng như các hoạt động khác.
Trước đó vào tối 22-10, Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TP.HCM đã tổ chức lễ tuyên dương và trao bảo trợ cho 10 tài năng trẻ là thanh thiếu nhi đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao. Mỗi tài năng trẻ được trao số tiền 20 triệu đồng, tổng kinh phí bảo trợ trong đợt này 200 triệu đồng. Nguồn kinh phí trên nhằm hỗ trợ các tài năng trẻ trang trải chi phí học tập, nghiên cứu, tập luyện, thi đấu ở nước ngoài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận