Nếu không thử, sao bạn biết mình có thành công? - Ảnh: Inspire Blaenau Gwent |
Tôi kể bạn nghe một câu chuyện: có bạn sinh viên xa quê nghèo mang theo kỳ vọng của gia đình, mang theo khờ dại tuổi 18 vào Sài Gòn học đại học mà ngôn từ hoa mỹ thường gọi là “theo đuổi giấc mơ, hoài bão tuổi trẻ”.
Cơn giật mình tuổi 20
Một tuần, hai tuần rồi một tháng trôi qua, bạn chống chọi với nỗi nhớ nhà, vật vã để thích nghi môi trường mới, liên tục đặt hoài nghi về sự lựa chọn của bản thân.
Thời gian trôi, các mối quan hệ mới hình thành, nỗi nhớ nhà nguôi ngoai, nhưng không khi nào trong suy nghĩ mất đi những câu hỏi về bản thân sau này muốn làm gì, muốn sống cuộc đời như thế nào.
Năm nhất năm hai lặng lẽ đi qua. Không dấu ấn, không điểm nhấn. Ngoài việc cố gắng chăm chỉ học hành giành vài ba học bổng làm vui lòng ba mẹ, tham gia năm bảy hội thảo để tích điểm rèn luyện, mở mang kiến thức thì không còn bất cứ một dấu ấn nào khác.
Năm ba, sự hoài nghi về “giấc mơ năm 18 tuổi” ngày một lớn dần. Hốt hoảng nhận ra bản thân đã bị bỏ bê quá lâu. Lười biếng dậy sớm, suốt ngày dán mắt vào màn hình điện thoại, laptop, không lướt Facebook cũng thức khuya "cày" phim.
Phải chăng đã ngủ quá lâu để sẵn sàng thức giấc? Phải chăng cứ dùng những lý do cũ rích mốc meo để bao biện cho con người hèn nhát bên trong?
Rồi bạn quyết định thay đổi thói quen xấu bằng việc bước ra khỏi vùng an toàn: đi làm thêm, tập ngủ đúng giờ, dậy sớm. Nào ngờ, chính quyết định ấy đã tát thẳng vào mặt bạn một gáo nước lạnh.
Thế giới bên ngoài thật rộng lớn, nhiều thứ cần phải học tập và rèn luyện quá, không phải chỉ bó gọn trong những bài giảng ở giảng đường. Bản thân cảm thấy thiếu hụt mọi kỹ năng một cách trầm trọng.
Bước ra khỏi vùng an toàn, bạn ấy nhận được gì?
Kỹ năng giao tiếp
Tính chất công việc giúp bạn ấy có cơ hội được giao tiếp với nhiều người, đủ các đối tượng khác nhau, từ khách hàng khó tính đến dễ thương, từ quản lý trực tiếp đến các bạn đồng nghiệp. Nói năng làm sao cho đúng phép, cư xử thế nào cho phù hợp.
Những ai quen biết bạn đều có cái nhìn khác. Một đứa sinh viên rụt rè, nhút nhát, thụ động ư? Là chuyện mấy năm trước rồi. Môi trường đã tôi luyện nên một bạn sinh viên luôn ở tâm thế sẵn sàng, chủ động hơn, nhanh nhạy hơn.
Bạn dám nói, dám bảo vệ quan điểm cá nhân tích cực. Bạn ứng xử tinh tế và khéo léo hơn, không chỉ trong công việc mà còn trong các mối quan hệ gia đình, xã hội.
Kỹ năng làm việc tập thể và tinh thần đồng đội
Bạn ấy học được cách lắng nghe và kiên nhẫn để hòa nhập các môi trường mới, học được cách phân chia công việc, cách hỗ trợ đồng đội khi cần thiết, cùng nỗ lực vượt qua những khó khăn, cách ăn mừng và chia sẻ thành quả.
Thành quả mà bạn thu được là lòng tin của mọi người, đó chính là chất xúc tác mạnh mẽ để nuôi dưỡng tinh thần hăng hái, nhiệt tình, luôn mang năng lượng tích cực để lan tỏa đến mọi người, kết nối các thành viên cùng hướng đến giá trị chung.
Kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề
Việc ra quyết định giúp rèn luyện lối suy nghĩ linh hoạt, kịp thời, sáng tạo. Hình ảnh bạn giờ đây là một sinh viên năng nổ hơn, nhạy bén hơn, bản lĩnh hơn và chắc chắn hơn trong từng quyết định được đưa ra, từng cách giải quyết các vấn đề gặp phải.
Kỹ năng quản lý thời gian
Khi chợt nhận ra một núi các công việc đang cần giải quyết, nếu là trước đây, bạn sẽ cuống cuồng cả lên, nhớ gì làm đó. Còn bây giờ, bạn bình tĩnh hơn, không nôn nao lo lắng, làm mọi việc với mức độ ưu tiên, quy trình rõ ràng.
Qua rồi chuỗi ngày dài nhàm chán, lặp đi lặp lại vô vị, bạn đã biết phân bổ thời gian hợp lý và khoa học hơn: cho việc học, cho công việc làm thêm, cho các mối quan hệ gia đình và bạn bè, cho sở thích cá nhân, cho luyện tập sức khỏe. Cảm nhận mỗi ngày trôi qua quỹ thời gian luôn được sử dụng một cách hiệu quả.
Các mối quan hệ mới và cơ hội mới
Xây dựng các mối quan hệ mới từ bạn bè đồng nghiệp, quản lý. Không còn bị bó hẹp trong công việc nữa mà rộng hơn, sâu hơn là những người bạn, người anh, người chị thật sự. Quan tâm và chia sẻ chân thành với nhau mọi vấn đề trong cuộc sống thường nhật.
Ra khỏi 'vùng an toàn' dễ hay khó?
Hành trình đó có dễ dàng không? Đương nhiên là không rồi. Sẽ mất đi vài thứ quen thuộc, cũ kĩ, như cảm giác được bao bọc, được bảo vệ chẳng hạn. Thay vào đó là sợ hãi, bất an, và ti tỉ sự hoài nghi.
Nhưng cảm xúc tiêu cực chỉ là phút ban đầu, điều đó có là gì so với những giá trị to lớn mà bạn sinh viên nhận được. Đã có những lúc bạn ấy cảm thấy mọi thứ là quá khổ quá tải với sức chịu đựng, cùng một lúc phải đa nhiệm quá nhiều.
Bạn từng có ý nghĩ từ bỏ, quay lại điểm xuất phát với sự an nhàn, dễ chịu, sáng đi học chiều nghỉ ngơi, hàng tháng nhận trợ cấp của ba mẹ, chẳng việc gì phải một mình gồng gánh đeo mang những áp lực, những mối bận tâm, những hồ nghi từ gia đình, bạn bè về khả năng của bản thân.
Thế nhưng, thật may mắn vì nhờ sự quyết tâm, vì hiểu được bản thân muốn gì, muốn sống cuộc đời như thế nào mà bạn đã bỏ qua những cám dỗ về sự nhàn hạ, mạnh mẽ bước đi, tiếp tục khám phá bản thân và cuộc sống, tiến lên để không ngừng hoàn thiện bản thân, nhận về những cơ hội, những trải nghiệm quý báu.
Hành trình tìm kiếm bản ngã, khám phá bản thân là hành trình vượt qua sự gièm pha, chê cười của bạn bè, là hành trình chứng minh cho gia đình thấy bạn đủ sự kiên trì để thay đổi, để khác biệt. Là hành trình xây dựng một hình ảnh mới, tự tin, chủ động, chính chắn và trưởng thành hơn.
Giờ đây, bạn sinh viên đã mường tượng ra hình ảnh bản thân muốn hướng đến là ai, yêu thích điều gì, quỹ thời gian phải được sử dụng ý nghĩa ra sao để quãng thời gian sinh viên còn lại có những dấu ấn, những điểm nhấn.
Đó là bước ngoặt mạnh mẽ để bạn ấy hiểu về chính bản thân hơn. Việc quẩn quanh trong vùng an toàn cho cảm giác bình yên, nhàn hạ, dễ dàng. Nhưng bước ra vòng tròn đó, bạn mới thực sự biết giới hạn khả năng mình đến đâu, đối mặt với khó khăn là người dũng cảm hay dễ dàng bỏ cuộc, lý trí mạnh mẽ hay cảm xúc lấn át.
Chính những biểu hiện của bạn trong những hoàn cảnh cụ thể, là nét tính cách con người bạn. Làm sao có thể tìm ra được điều đó - để phát huy điểm mạnh, để sửa đổi, cải thiện điểm yếu, trau dồi và hoàn thiện bản thân hơn - ngoài việc nhấc chân bước ra khỏi vùng an toàn?
Thoát khỏi vùng an toàn - tôi đã thử, còn bạn thì sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận