19/11/2019 09:32 GMT+7

Bước qua đêm kinh hoàng

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - "Sợ tai nạn giao thông lắm, mọi người đi cẩn thận, đừng giống mình nha", giọng Thanh ngọng nghịu nhưng đủ đầy thông điệp bởi chính đời anh là nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Bước qua đêm kinh hoàng - Ảnh 1.

Đàn gà do chính tay anh Thanh chăm đã nở bầy - Ảnh: TRẦN MAI

Chừng này tuổi, tôi sống qua bom đạn chiến tranh nhưng chẳng sợ bằng tai nạn giao thông.

Ông Lê Quyên

Nghìn ngày giành giật sự sống, sức khỏe tàn tạ, gia sản khánh kiệt. Từ một thanh niên khỏe mạnh vào Nam làm việc phụ giúp cha mẹ già, giờ anh Thanh tập đi như đứa trẻ, đến nói thương cha mẹ với Thanh cũng quá khó để tròn chữ.

Sợ khủng khiếp

Có lẽ bạn đọc vẫn nhớ hành trình người mẹ đặc biệt trong bài viết "Nghìn ngày cứu con" (Tuổi Trẻ 20-10-2018). Hơn ba năm ròng rã, bà Phạm Thị Cúc (68 tuổi, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) đưa con là anh Lê Văn Thanh (35 tuổi) - bị tai nạn giao thông, trải qua sáu lần chuyển viện, bảy lần mổ. Sau một năm, chúng tôi gặp lại anh Thanh đã ổn hơn trước, có thể nhớ lại tai nạn ập đến với mình.

"Tối đó, tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe mẹ và báo có lương, mai sẽ chuyển cho mẹ chữa bệnh. Sau đó, một người bạn điện thoại, tôi lấy xe đến chỗ hẹn. Đang đi trên đường thì chiếc xe ngược chiều đâm thẳng về phía tôi. 

Có mấy chiếc xe dừng lại, một người phụ nữ từ vỉa hè bước nhanh về phía tôi, tôi kêu "Cứu con với, con đau quá". Sau đó thì tôi không còn biết gì nữa", anh Thanh kể. 

Cái đêm kinh hoàng ấy, lúc chiếc xe lao thẳng về phía mình, anh Thanh đã nhớ ít nhiều và có thể kể lại, điều mà một năm trước anh chẳng thể nào làm được.

Tai nạn giao thông ấy xảy đến quá bất ngờ, biến một chàng trai nặng 73kg, sức vóc như một lực sĩ thành bệnh nhân. Nhịp tim và hơi thở được giữ lại nhờ sự trợ giúp của máy móc y khoa. Bây giờ, ngồi ngẫm lại, anh Thanh vẫn không nghĩ mình hoàn toàn mất trí nhớ đến tận ba năm. 

"Tôi bắt đầu ý thức được là lúc mẹ thông ống cho tôi đi vệ sinh, nó khiến tôi đau. Lúc đó, tôi không cựa hay gọi mẹ được, và tôi đã khóc. Tôi biết mình đang điều trị tai nạn giao thông, nhưng không nghĩ mình đã trải qua ba năm nằm viện", anh Thanh tâm sự.

Gió từ cánh đồng trước nhà thổi từng luồng mát rượi, bà Cúc ngồi cạnh bên, chén cơm bỏ dở khi nghe con kể. Từng lời con nói như vết cứa vào sâu thẳm trái tim người mẹ. Đôi mắt bà Cúc nhìn về phía hư không, kéo sập nụ cười trước đó và thay ngay bằng tiếng thở dài. Càng thương con, bà Cúc càng ước gì vụ tai nạn đó không xảy ra.

Bà Cúc vẫn rùng mình khi nhớ lại hình ảnh con trai mình được kéo ra khỏi Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu với chằng chịt máy thở, ống chuyển dịch để kịp "về nhà" đủ khiến người đối diện ám ảnh. "Sợ khủng khiếp", bà Cúc nói. Sợ đến mức mỗi lần xem tivi thấy tai nạn giao thông, lập tức bà Cúc đi nhanh ra chỗ khác hoặc giật ngay nguồn điện.

Ông Lê Quyên (75 tuổi), cha anh Thanh, nhiều lúc chẳng chấp nhận số mệnh. Nhìn con tập tễnh dạo quanh xóm mỗi ngày, lòng ông vui nhưng cũng rát buốt. Thăm thẳm trong ông vẫn nhớ thằng Thanh năm năm trước gánh vác mọi công việc nặng cho cha mẹ. Thời điểm con chưa bị tai nạn, vợ chồng ông cũng tính chuyện tích góp sửa nhà để có con dâu. "Ai ngờ mọi thứ đổ bể hết. Thật oan nghiệt", ông Quyên bần thần.

Bước qua đêm kinh hoàng - Ảnh 3.

Giọng hát vui khỏe của anh Thanh là hạnh phúc với ông Quyên, bà Cúc - Ảnh: TRẦN MAI

Nghìn lời cảm ơn

Dự tính sửa nhà mãi chỉ là dự tính, giờ đây đến cánh cửa sổ hư hỏng vợ chồng ông Quyên cũng chẳng đủ sức sửa. Gia cảnh vốn khó khăn, sau vụ tai nạn đến, tài sản lớn nhất là con bò, bầy gà cũng phải bán đi. Giây phút vợ chồng mót tất thảy tài sản để bà Cúc vào Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu giữa khuya ấy, cả đời ông chẳng thể nào quên. 

"Chừng này tuổi, tôi sống qua bom đạn chiến tranh nhưng chẳng sợ bằng tai nạn giao thông", ông Quyên nói.

Sáu lần chuyển viện, bảy lần lên bàn mổ, cùng thời gian điều trị triền miên vét sạch tài sản trong nhà. Cả đời nghèo khó nhưng ông Quyên, bà Cúc chưa bao giờ lâm cảnh chẳng còn đồng nào trong túi. Vậy mà sau đêm ấy, họ khánh kiệt, chấp nhận đưa con về nhà sống đời thực vật. 

"Lúc đưa con về, tôi và ổng nát ruột. Nhà không còn một xu, mà nợ đến mấy trăm triệu, người ta tới đòi nữa", bà Cúc tâm sự.

Trời thương, chính lúc khốn cùng ấy, những đôi tay yêu thương của cộng đồng chìa ra giúp người mẹ nối dài phép mầu trong cuộc chiến giành giật sự sống cho con. Cứ thế, vợ chồng thay nhau kể chuyện về những ân nhân. Người đầu tiên đến nhà giúp là chị Như Nhi (TP Quảng Ngãi), chính từ đây nỗi đau của mẹ con anh Thanh được cộng đồng biết đến. 

Chị Như Nhi tâm sự: "Tôi biết anh Thanh từ một người anh ở Ban An toàn giao thông TP Quảng Ngãi nói. Sau đó, tôi đến nhà thăm rồi viết về hoàn cảnh đăng lên Facebook kêu gọi, mọi người chung tay lại đưa anh Thanh vào lại Sài Gòn điều trị. Thật sự tôi rất vui khi thấy anh Thanh đỡ hơn như bây giờ", chị Nhi tâm tình.

Bước qua đêm kinh hoàng - Ảnh 4.

Bài viết được nhiều sẻ chia trên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: PHAN TUẤN

Những cuộc phẫu thuật lắp hộp sọ nhân tạo và cả thời gian tập phục hồi chức năng ở Bệnh viện Phục hồi chức năng TP.HCM sau đó, bà Cúc bảo tất cả nhờ tiền thiện nguyện. "Nếu không có mọi người chắc con tôi chết rồi chứ đừng nói tự đi đứng, ăn uống được như giờ", bà Cúc trải lòng. Rồi bà kể sau bài viết "Nghìn ngày cứu con" đăng trên Tuổi Trẻ, nhiều người đã tìm đến. Khoản nợ mấy trăm triệu đồng cũng nhờ sự tiếp sức ấy mà giải quyết gần xong. 

"Nhiều người đến nhà bảo đọc báo Tuổi Trẻ và khâm phục mẹ con nên đến thăm, biếu tiền. Có lần nhận hơn 50 triệu đồng. Cộng hết cũng hơn 200 triệu, tôi trả nợ, để lại một ít lo cho con", bà Cúc tâm sự.

Bão tố dần qua, cuộc sống bình yên chậm rãi trở về. Bữa cơm trưa vừa xong, anh Thanh cao hứng cất giọng bài hát Cả nhà thương nhau. Con hát, cha mẹ vỗ tay tán thưởng và phụ họa khiến căn nhà trở nên ấm áp. Ông Quyên và anh Thanh bước ra sân, xem cây mai xuân đang xanh tốt. Cả nhà đang háo hức được vui cùng nhau đón tết sau bốn mùa xuân không êm đềm...

"Thanh khỏe lại rồi, Thanh cảm ơn mọi người nha"

Chục con gà mái anh Thanh bảo bà Cúc mua về mấy tháng trước cho anh chăm giờ đã thành bầy. Bà nhẩm tính đến tết bán gà cũng được hơn triệu đồng, đủ sắm vài bộ quần áo tết cho con trai và lo mâm cúng gia tiên tươm tất.

"Bây giờ đi cho gà ăn thôi", anh Thanh nói rồi mang tô bắp rải cho gà ăn và nở nụ cười.

Sau đêm kinh hoàng ấy, lần đầu tiên anh có thể phụ giúp mẹ. Anh hiểu mình khỏe lại được như hôm nay nhờ sự giúp sức của nhiều người. "Giờ Thanh khỏe lại rồi, Thanh cảm ơn mọi người nha", anh cười thật tươi.

Nghìn ngày cứu con Nghìn ngày cứu con

TTO - Vừa nghe Thanh hát bài “Cháu yêu bà” và “Cháu đi mẫu giáo” để tặng mẹ nhân ngày 20-10, bà Cúc vừa vỗ tay tán thưởng. Với bà, thanh âm bài hát ngọng nghịu phát ra từ miệng người con trai 34 tuổi ấy là món quà 20-10 vô giá.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp