Phóng to |
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa trong buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: Hà Bình |
Lấy đôi giày thứ ba xuống xem, Thái Hòa giật mình sửng sốt khi thấy dòng chữ “Made in Vietnam”. “Một đôi giày đến từ Việt Nam, bài trí ở nơi sang trọng nhất, được bán với giá cao nhất khiến tôi dâng lên một niềm tự hào khó tả” - ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, hiện là giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT, nhớ lại.
Làm hàng tinh tế hơn
Đôi giày ấy là một trong những bước ngoặt của cuộc đời Nguyễn Hữu Thái Hòa. Ông trăn trở: “Người Việt mình có khả năng làm được những sản phẩm tốt nhất. Nhưng vấn đề là lòng tin. Chúng ta chưa tin vào chính mình. Hãy nhìn xem, đôi giày là minh chứng rõ ràng nhất chúng ta có thể làm được điều đó”. Và cũng chính từ niềm tin “chúng ta có thể làm được”, năm 2010 Thái Hòa rời bỏ chức vụ giám đốc chất lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Schneider Electric (Pháp). Ông đưa gia đình lên máy bay về Hà Nội để toàn tâm cho dự án “Giấc mơ Việt Nam”.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp vị giám đốc cao gầy, dáng vẻ thư sinh này vào một ngày cuối tháng 10 ở TP.HCM khi ông “truyền lửa” cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế. Nhắc lại chuyện “đôi giày”, ông Hòa nói thêm: “Hơn 20 năm làm việc ở nước ngoài, qua câu chuyện đôi giày tôi thấy có sự khác biệt trong doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp phương Tây. Đó là chúng ta chưa có công cụ phát hiện mình giỏi cái gì. Đôi giày là bức tranh mà Adidas phát hiện người Việt giỏi về sự khéo léo, tinh tế”.
Nói rồi ông đúc kết: “Nhìn đôi giày tôi ngộ ra nhiều điều. Đó là không nên đi làm gia công cấp thấp nữa. Chúng ta phải làm hàng hiệu, hàng tinh tế hơn. Người Việt hoàn toàn có thể làm ở những đẳng cấp cao hơn, mức lương cao hơn nhưng chúng ta bằng lòng với chuỗi giá trị ấy (gia công cấp thấp - PV)”.
Nỗi ám ảnh nhược tiểu
Những năm du học, làm việc ở nước ngoài, Thái Hòa bảo ông luôn cố gắng vươn lên trong một môi trường không phải thuận lợi và bình đẳng với người châu Á. Ý thức này đã rèn luyện ông “đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn cái sĩ diện bình thường”. Tinh thần này được hun đúc khi ông tổng giám đốc người Pháp hỏi: “Mày có thể học tiếng Pháp trong ba tháng không?”. Thái Hòa gật đầu. Trong ba tháng ấy, Hòa “đi toilet cũng nghĩ xem giấy toilet nghĩa tiếng Pháp là gì”. “Người Việt khi bị dồn đến đường cùng thì tinh hoa bộc phát” - ông Hòa bảo vậy.
Rồi trong tuần đầu đến nhận việc ở tập đoàn của Pháp, Thái Hòa - với tư cách là thành viên ban điều hành nhà máy - tự tìm đường đi kiểm tra sản phẩm. Lần ấy, ông bị lạc vào một khu vực quan trọng, bị bảo vệ...bắt với lý do “thằng da vàng này có ý định đi ăn cắp”. “Cô giám đốc nhân sự đến bảo lãnh cho tôi ra và xin lỗi tôi ríu rít” - ông Hòa kể lại. Sự cố này để lại trong ông suy nghĩ: “Thế giới không bao giờ phẳng trong tim mỗi con người ở mỗi quốc gia mà chỉ phẳng trong khoa học công nghệ”.
Nỗi ám ảnh đến từ một nước nhược tiểu cũng dâng lên khi ông Hòa làm việc với tư cách giám đốc chất lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Schneider Electric có trụ sở ở Hong Kong. “Mỗi lần đứng trước cảng Hong Kong, rồi Thượng Hải, tôi thấy nơi đó không hơn gì Việt Nam mình cả. Tại sao họ lại phát triển được như thế? Trước đây người da trắng hơn mình. Bây giờ người da vàng mũi tẹt cũng hơn mình. Đứng trước sự phồn thịnh của họ, tôi thấy đau xót quá...” - ông Thái Hòa trầm tư kể.
Lao động, lao động và lao động
Những câu hỏi cứ dai dẳng trong đầu, năm 2008 Thái Hòa bắt đầu bay đi bay lại giữa Hong Kong - Hà Nội thực hiện dự án “Vươn tới đỉnh cao” của Bộ Khoa học công nghệ trong việc đào tạo những nhà quản lý trẻ. Dự án này phát triển giai đoạn 1, 2 ở các tập đoàn Đồng Tâm và FPT. Sau đó sẽ triển khai hàng loạt cho các doanh nghiệp khác như Thủy sản Bình An, Dược Hậu Giang, Cơ khí Quang Trung, Vinaxuki... “Thành công lớn nhất của dự án là thay đổi tư duy chiến lược của lãnh đạo ra tầm rộng lớn hơn” - ông Hòa nói. Sau đó, ông mất một tháng suy nghĩ để “chia tay” Schneider Electric sau 13 năm gắn bó để về làm giám đốc chiến lược cho Tập đoàn FPT với tham vọng vươn ra thế giới.
Ba năm nay, làm việc ở FPT, tham gia dự án “Giấc mơ Việt Nam”, đào tạo những nhà quản trị trẻ ở Viện Quản trị kinh doanh FSB, vị giám đốc 44 tuổi gốc Sài Gòn cũng chạy đi chạy lại nói chuyện với sinh viên. “Các bạn thấy đấy - ông Thái Hòa nói với sinh viên - Tôi cũng da vàng mũi tẹt như các bạn và có thể làm được ở vị trí ấy. Tôi làm được thì các bạn cũng sẽ làm được. Tôi chẳng hơn gì các bạn cả”. Thái Hòa cho rằng ông mang hình ảnh bản thân, từ một thanh niên nghèo khó phấn đấu ra nước ngoài du học, làm việc, vươn lên để truyền cảm hứng, niềm tin cho giới trẻ. Bởi theo ông: “Nếu giới trẻ Việt Nam luôn tin vào khả năng của mình, chắc chắn cả dân tộc sẽ thay đổi”.
Và cũng trong những buổi lên lớp với những nhà quản trị trẻ, những sinh viên, bao giờ ông Hòa cũng truyền đi một thông điệp mà ông cho rằng duy nhất nhắn nhủ với giới trẻ: Lao động, lao động và lao động. Ông nhắn nhủ: “Đừng nghĩ lao động chỉ được đánh giá bằng mức lương người khác trả cho mình. Hãy làm việc không chỉ vì người ta trả lương mà vì cả sự lao động sẽ tích vào người bạn những giá trị. Đừng giới hạn bản thân trong đồng lương người khác trả cho mình”.
“Giấc mơ Việt Nam” Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa hiện cũng là phó trưởng ban đề án “Giấc mơ Việt Nam” do doanh nhân Nguyễn Trí Dũng - Việt kiều Nhật - khởi xướng. Theo ông Hòa, “Giấc mơ Việt Nam” là thông điệp về một chương trình hành động cụ thể nhằm hướng đến con đường thực hiện giấc mơ doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Khởi đầu của dự án là đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý cho doanh nghiệp Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận