Nhiều DN không dám vay mở rộng sản xuất kinh doanh do lo ngại lãi suất lại tăng trong thời gian tới. Trong ảnh: sản xuất tại Công ty TNHH túi xách Minh Tiến (Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long |
Dù ngân hàng (NH) cũng có các gói vay vốn rẻ lãi suất 6-7%/năm nhưng chỉ áp dụng trong vài tháng đầu.
Trong khi đó, các NH lại cho rằng lãi suất cao hay thấp còn tùy vào từng khách hàng, khách hàng tốt thì sẽ ưu đãi hết cỡ.
Chỉ thấp thời gian đầu
Để đón đầu cơ hội từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương sắp tới, ông Nguyễn Cảnh Hà - giám đốc Công ty An Thiên Lý (TP.HCM), DN sản xuất nguyên phụ liệu giày dép - có nhu cầu vay đến 100 tỉ đồng để xây nhà xưởng cho thuê lẫn xây thêm nhà xưởng sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ chính ngành nghề mình đang hoạt động.
"Tôi có hỏi một số NH thì được thông báo mức lãi suất cho vay dài hạn 8-10%/năm nhưng với điều kiện sẽ thả nổi sau năm đầu tiên khiến tôi băn khoăn quá” - ông Hà nói.
Theo ông Hà, mức lãi suất nói trên chưa phải là mức lãi suất “dễ chịu” với DN, khi mà thị trường nội địa không thể “nuôi” nổi DN trong thời gian qua với sức mua quá thấp.
Cho nên dù thừa nhận lãi suất cho vay đang có xu hướng hạ dần và rất cần cho các DN có nhu cầu nghĩ đến việc hồi phục sản xuất, tìm kiếm cơ hội mới cho mình nhưng theo ông Hà: “DN đi vay cũng đối mặt với quá nhiều rủi ro một khi NH không thể cam kết mức lãi suất ổn định suốt khoản vay của DN. Nếu NH điều chỉnh lãi vay như từng làm trước đây thì DN chỉ có nước chết chắc”.
Cũng có nhu cầu vay 15 tỉ đồng để mở rộng nhà xưởng may túi xách xuất khẩu, ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc Công ty TNHH túi xách Minh Tiến (Miti), cho biết “đang suy nghĩ về khoản vay dự tính này vì nhu cầu đặt hàng túi xách xuất khẩu tăng vọt thời gian qua, trong khi nhà xưởng hiện tại đang trong tình trạng quá tải, không thể đáp ứng các đơn đặt hàng mới”.
Tuy nhiên, với khoản vay ngắn hạn 6 tỉ đồng lãi suất mức 8%/năm để làm hàng mùa tết sắp tới, ông Kiên cho rằng “mức lãi suất cho vay hiện tại vẫn còn cao, trong khi lợi nhuận của DN ở thời điểm này làm ra chưa chắc để đủ trả lãi vay NH”.
Theo ông Kiên, nếu các khoản vay dài hạn ở mức 6-7%/năm và đừng kèm theo điều kiện “NH có quyền điều chỉnh lãi suất theo thời điểm”, các DN mới yên tâm nghĩ đến việc có nên đầu tư hay không.
“Làm ăn mà luôn phập phồng sợ rủi ro lãi suất NH không như lúc vay ban đầu thì rất khổ cho DN, nhất là thời buổi kinh doanh quá khó khăn như hiện nay” - ông Kiên nói.
Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, cho hay do khoản vay 10 tỉ đồng với lãi suất 9,5%/năm được TP.HCM hỗ trợ 50% chi phí lãi vay theo mức lãi suất áp dụng của Nhà nước cho ngành cơ khí, nên bình quân chỉ đang trả lãi vay ở mức khoảng 6%/năm.
“Với mức lãi suất này, tôi cũng có ý định vay thêm 15 tỉ đồng mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nhưng vẫn lấn cấn có nên vay hay không do lo ngại NH sẽ không giữ nguyên lãi suất cho vay như cam kết ban đầu” - ông Tống cho biết.
Thiếu vốn trung - dài hạn
Phó giám đốc một chi nhánh NH thương mại có vốn nhà nước tại TP.HCM cho biết cũng đang muốn đẩy mạnh cho vay nhưng không được.
Thực tế các khoản vay trung và dài hạn hiện nay chỉ tập trung vào một số ngành nghề có tiềm lực, không bị ảnh hưởng những năm vừa rồi.
Khách hàng ở chi nhánh chủ yếu là DN có nhu cầu nâng cấp mở rộng sản xuất chứ dự án mới gần như không có.
Theo vị này, DN phản ảnh lãi suất cho vay trung và dài hạn còn cao nhưng đó chỉ là bề nổi. Thực tế, những khách hàng có lịch sử tài chính tốt, khả năng trả nợ nhanh và dự án có hiệu quả cao thì lãi suất cực kỳ cạnh tranh.
“Chính sách lãi suất của NH bây giờ phụ thuộc vào khách hàng, có những khoản vay lãi suất chỉ 7-8%/năm” - ông này cho biết.
Đại diện NH Bản Việt cũng cho rằng DN sử dụng vòng vay vốn càng nhanh, hiệu quả càng cao thì lãi suất càng thấp, nhưng không phải DN nào cũng đáp ứng được yêu cầu này.
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết từ đầu năm 2014 đến nay NH đã triển khai 12 gói cho vay ưu đãi trị giá gần 230.000 tỉ đồng với số dư bình quân thời điểm trên 80.000 tỉ đồng, lãi suất các chương trình thấp nhất 5%/năm, dành cho các DN thuộc nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên như những NH khác, VietinBank cũng ưu đãi lãi suất trong những tháng đầu, sau đó thả nổi lãi suất theo thị trường.
Theo các NH, hầu hết nguồn vốn huy động tại các NH hiện nay là vốn ngắn hạn do người dân chỉ có thói quen gửi tiền một năm trở xuống, để có nguồn vốn cho vay trung và dài hạn thì NH phải xoay xở. Đây chính là nút thắt khiến DN khó có thể vay trung và dài hạn với lãi suất tốt.
“Hiện nay NH Nhà nước quy định các NH chỉ sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, dù NH không thiếu tiền nhưng “đêm dài lắm mộng”, cho vay thời gian dài thì lắm rủi ro, buộc NH phải lấy lãi suất cao hơn để dự phòng rủi ro có thể xảy ra” - phó giám đốc một NH thương mại nhà nước chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Huy Khang - tổng giám đốc Sacombank - cũng cho rằng lãi suất cho vay của NH phụ thuộc vào lãi suất đầu vào, tức vốn huy động, nên việc giữ lãi suất cho vay ổn định trong một thời gian dài là nhiệm vụ bất khả thi.
Bởi lẽ khi lãi suất huy động tăng, các NH không thể neo lãi suất cho vay ổn định mà bắt buộc phải điều chỉnh cho phù hợp.
“Vốn huy động ngắn hạn tại Sacombank hiện chiếm 70-80% tổng vốn huy động, trong khi nhu cầu vay vốn dài hạn rất lớn. Dù rất cố gắng cân đối, chúng tôi chỉ có thể duy trì cơ cấu cho vay theo tỉ lệ 40% trung và dài hạn 60% ngắn hạn” - ông Khang nói.
Tuy nhiên theo ông Khang, hầu hết các NH đều có chính sách cho vay trung và dài hạn khá linh hoạt căn cứ theo lãi suất huy động từng thời điểm.
Chẳng hạn, nhiều NH hiện nay áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn bằng cách lấy lãi suất huy động 12 tháng tại từng thời điểm rồi cộng thêm một tỉ lệ nhất định, 2% hoặc 3-4% tùy NH.
Do đó, các DN cần tham khảo mức lãi suất của từng NH để chọn vay ở những NH có lãi suất tốt nhất.
“Tôi cho rằng đây là giải pháp hài hòa lợi ích cho cả ba bên: người gửi tiền, NH và DN” - ông Khang khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Lãi suất 8-9%/năm làm ăn sao được! Chính sách tiền tệ rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của DN. Lãi suất trung và dài hạn vào khoảng 8-9%/năm tuy có giảm so với trước đây nhưng vẫn đang là gánh nặng cho các DN VN. Trong thời điểm hội nhập hiện nay, lãi suất cho vay ở các nước chỉ 1-4%/năm, xét về yếu tố cạnh tranh, DN VN gần như thua hẳn. Vì với lãi suất này, DN VN khó có thể cho ra những sản phẩm giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt. Các khoản vay trung và dài hạn từ năm năm trở lên, dùng cho đầu tư trang thiết bị sản xuất, nếu vay lãi suất cao DN sẽ bị mắc kẹt, khó gồng lên nổi. Không chỉ thất thế trên thị trường xuất khẩu, lãi suất trung và dài hạn quá cao còn làm DN mất lợi thế ngay trên sân nhà. Cần nhanh chóng thay đổi chính sách tài chính, tiền tệ để hỗ trợ lãi suất hạ về mức phù hợp, tạo điều kiện cho DN trong nước phục hồi và phát triển. Ở các nước, để hạ lãi suất, NH trung ương sẽ chiết khấu và cho NH thương mại vay với lãi suất thấp để các NH này cho DN vay lại. N.BÌNH ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận