Dù có rất nhiều ca sĩ trẻ chạy đua cùng nhạc điện tử, nhạc dance nhưng Thu Minh hiện vẫn là “nữ hoàng nhạc dance” - Ảnh: Gia Tiến |
Từ những bài thuộc dạng ngâm vịnh như Hàn Mạc Tử cho đến những bài trữ tình như Chiếc vòng cầu hôn hay nhạc đỏ, nhạc cách mạng như bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây và cả nhạc sến, nhạc cổ điển quốc tế cũng đã được điện tử hóa theo phong cách dance xập xình.
Nhiều người tỏ ra hào hứng, thích thú với những thử nghiệm này. Ngược lại, cũng rất nhiều ý kiến không đồng tình khi âm nhạc đang được dance hóa tất tần tật...
Xập xình mọi lúc mọi nơi
Dù nhạc điện tử, nhạc dance không phải là những khái niệm quá mới trên thế giới hay tại VN nhưng chưa bao giờ thể loại này, phong cách này lại “đương thời” như hiện tại.
Dù trước đó, Lady Gaga hay Rihana đã khiến bạn yêu nhạc trên toàn thế giới phải quay cuồng nhưng chính chiến thắng tại Giải Grammy lần thứ 56 vừa qua của nhóm nhạc Pháp theo phong cách điện tử Daft Punk ở hai hạng mục quan trọng nhất (Ghi âm của năm và Album của năm) và của nữ ca sĩ 17 tuổi Lorde ở hạng mục Bài hát của năm đã chính thức ghi dấu nhạc điện tử đang “làm trùm”.
Trở lại thị trường trong nước, nhạc điện tử, nhạc dance ngày càng phổ biến và được phổ cập nhiều hơn. Lần đầu tiên trên sóng truyền hình quốc gia VTV, chương trình Chinh phục đỉnh cao (thi hát opera) đã có hẳn một đêm thi rất rộn rã và đầy thách thức cho các ca sĩ chuyên nghiệp hát opera kết hợp với nhạc điện tử, mang đến nhiều trải nghiệm mới cho cả người thi lẫn khán thính giả hôm 16-1.
“Chơi” với nhạc điện tử hay nhạc dance là lựa chọn từ rất lâu của nhiều nghệ sĩ Việt. Người mẫu Ngô Thanh Vân khi lấn sân sang lĩnh vực ca hát cách đây hơn 10 năm đã chọn nhạc điện tử, nhạc dance cho album đầu tay NTV Virus.
Không có thế mạnh về giọng hát, bù lại là thế mạnh ngoại hình cộng với nhà sản xuất giàu kinh nghiệm là nhạc sĩ Quốc Bảo, dự án NTV Virus được đánh giá là thành công khi mang đến cho Ngô Thanh Vân danh xưng ca sĩ với rất nhiều sô diễn, đặc biệt là ở các quán bar, vũ trường (nơi mang đến nguồn thu khá tốt cho ca sĩ).
Trên thực tế, không gian sống mãnh liệt nhất của nhạc điện tử hay nhạc dance là ở quán bar, vũ trường hay những cuộc hội hè của người trẻ - nơi cần những thứ “quái chiêu” để có được thật nhiều phấn khích. Ra ngoài không gian đó, thể loại này thông thường chỉ ở mức thử nghiệm.
Đến thời điểm này, dự án hay album nhạc dance thành công nhất thị trường nhạc Việt hiện tại, mang đến một sức sống mới, cái nhìn mới cho nhạc điện tử, nhạc dance và cho cả chủ nhân của nó hẳn chỉ có Thiên đàng (2006) và Body language (2011) cùng của Thu Minh.
Nhạc cho vũ trường
Vì sao Thu Minh thành công với dance hay nhạc điện tử dù trước đó cô chuyên trị nhạc đỏ và nhạc trữ tình, ballad? “Vì trong máu Minh có “chất dance”, tức có sự yêu thích, cảm nhận tốt những âm sắc, tiết tấu cũng như nhịp đập đầy phấn khích của thể loại này. Minh cũng có một hình thể phù hợp để biểu diễn nhạc dance.
Giọng hát của Thu Minh cũng rất “bốc” để hát những ca khúc sôi động. Và hơn thế nữa, cá tính cũng như tinh thần chịu khó học hỏi, tìm tòi đã giúp Thu Minh thành công” - nhà báo Minh Đức, hiện là giám khảo cuộc thi Chinh phục đỉnh cao, nhận định.
Thành công của Thu Minh cùng dance cũng nhờ sự hậu thuẫn rất đặc biệt từ nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và Nguyễn Hải Phong - hai nhà sản xuất đã mang đến cho Thu Minh những bản phối điện tử, dance hiện đại, cuốn hút nhưng cũng rất gần gũi, dễ nghe.
Thành công của Hồ Quang Hiếu với thể loại dance dù được người trong giới đánh giá là vì “tổ đãi” nhưng thực chất anh cũng là một giọng ca đậm chất dance.
Có một thực tế là lâu nay các ca sĩ VN thường cho vào album mình một hai bài sôi động ở thể loại điện tử, dance, techno... để toàn album không quá buồn tẻ, chứ ít ai làm hẳn một album toàn nhạc điện tử hay nhạc dance.
Nhạc dance vẫn được mặc định là nhạc cho vũ trường, nơi người ta nghe những beat nhạc (nhịp điệu của âm nhạc) và lắc lư theo nhiều hơn là thưởng thức giọng ca của ca sĩ.
Việc chọn dance làm hẳn một album ít nhiều bị định kiến là không xứng tầm cho một ca sĩ khoe giọng của mình, dù thực chất có rất nhiều loại nhạc dance với nhiều cách thể hiện khác nhau và không phải loại nào những giọng ca thuộc hàng karaoke cũng hát được.
Ngay cả một ca sĩ thuộc hàng diva như Hồng Nhung cũng chưa thể thống trị được dòng nhạc từng bị coi thường là “không xứng tầm” này. Chính Hồng Nhung đã chọn thể loại nhạc điện tử với album Vòng tròn cho sự trở lại của mình sau thời gian sinh con.
Tuy nhiên, dù có được một hai bài “hit” nhưng Vòng tròn cũng chỉ giúp cô thể hiện được sự trẻ trung lâu năm và hợp thời của mình, chứ không phải là một album quá đặc sắc trong sự nghiệp của Hồng Nhung.
Mang tính thời vụ Hiện có khá nhiều ca sĩ trẻ theo đuổi hoặc chuyển hướng sang thử nghiệm cùng nhạc điện tử, nhạc dance như Hà Linh, Lưu Hương Giang, Thủy Tiên, Thu Thủy, Mai Khôi, Phương Vy, Thảo Trang, Trang Pháp, Đông Nhi... Và hầu hết ca khúc, sản phẩm nhạc điện tử, nhạc dance mới của các ca sĩ này đều mang đến cho họ những hợp đồng biểu diễn liên tục. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chia sẻ: “VN cũng theo dòng chảy của thế giới khi thích thú với nhạc điện tử, nhạc dance. Nhưng làm một album nhạc dance hay, chuyên nghiệp, đỉnh cao không phải là chuyện đơn giản. Những gì chúng ta nghe ra rả trên thị trường hiện nay hầu hết là những bản dance mang tính thời vụ, làm và nghe đều cho vui và cũng sẽ nhanh chóng bị lãng quên”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận