Câu chuyện CEO Telegram bị bắt đã nhanh chóng trở thành tâm điểm trên mạng xã hội. Hàng loạt nhân vật nổi tiếng và cả tranh cãi đã bình luận về vụ việc này, bao gồm Edward Snowden, Tucker Carlson, và Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.
Vì sao CEO Telegram bị bắt?
Hôm 25-8, Pháp đã gia hạn lệnh tạm giữ đối với ông Pavel Durov, giám đốc điều hành (CEO) và nhà sáng lập ứng dụng mạng xã hội Telegram. Thời gian tạm giữ ban đầu để thẩm vấn có thể kéo dài tối đa 96 tiếng. Khi giai đoạn này kết thúc, cơ quan chức năng có quyền quyết định thả hoặc truy tố.
Trước đó vào ngày 24-8, ông Durov bị bắt khi đáp máy bay riêng tới sân bay Le Bourget ở ngoại ô Paris (Pháp). Việc bắt giữ này liên quan tới cáo buộc ông Durov không quản lý Telegram hiệu quả, và ông trở thành một phần trong cuộc điều tra liên quan tới lừa đảo, buôn bán ma túy, thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố và nội dung độc hại trên nền tảng này.
Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ "tự do ngôn luận", đây là hành động gây lo ngại của Chính phủ Pháp.
Ông Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nổi tiếng vì tố giác Mỹ, chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì vụ bắt CEO Telegram.
Ông Snowden cáo buộc ông Macron "bắt con tin" như một cách muốn tiếp cận các giao tiếp riêng tư của người dùng. "Điều này hạ thấp không chỉ nước Pháp mà là cả thế giới", vị này viết.
Trên mạng xã hội X của tỉ phú Elon Musk - nhân vật được cộng đồng ủng hộ xem như "người bảo vệ tự do ngôn luận" - cũng đầy rẫy bài đăng chỉ trích Pháp cũng như chia sẻ thuyết âm mưu về vụ bắt ông Durov.
Một tài khoản viết: "Pavel Durov, Julian Assange, Edward Snowden, liệu Elon Musk có là người tiếp theo?".
Nga yêu cầu Pháp giải thích vụ CEO Telegram bị bắt
Ông Durov sinh năm 1984 tại Nga, nhưng đã có quốc tịch ở nhiều nơi khác, bao gồm Pháp và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Ứng dụng Telegram của ông hiện có khoảng 950 triệu người dùng mỗi tháng, thuộc nhóm các mạng xã hội phổ biến nhất thế giới hiện nay. Cá nhân ông Durov cũng là một tỉ phú với tài sản khoảng 15 tỉ USD.
Ông Durov có sự nghiệp khá phức tạp. Ông rời Nga năm 2014 vì từ chối yêu cầu của chính phủ về việc đóng các nhóm đối lập trên mạng xã hội VK - sản phẩm ông tạo ra khi mới 22 tuổi. Rời bỏ VK, ông Durov tập trung phát triển Telegram, vốn là ứng dụng ông sáng tạo ra năm 2013 cùng anh trai Nikolai Durov.
Ngày nay, Telegram là một ứng dụng mạng xã hội và trò chuyện bảo mật cao, do đó trở thành nguồn thông tin nổi bật trong cuộc xung đột Ukraine - Nga. Cả chính phủ lẫn quân đội Ukraine và Nga đều được biết đã sử dụng Telegram cho các thông báo lẫn trao đổi thông tin.
Mặc dù ông Durov rời đi như một nhà bất đồng, chuyện chuyên gia công nghệ này bị bắt ở Pháp không khỏi khiến phía Nga cảm nhận sự thù địch.
Bàn về điều này hôm 25-8, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev cho rằng ông Durov đã "tính toán sai" khi rời khỏi Nga rồi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ phải hợp tác với cơ quan an ninh nước ngoài.
Cách đây vài năm, ông Medvedev từng nói với ông Durov rằng một khi đã không hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật, ông Durov đi tới nước nào cũng gặp vấn đề.
"Ông ta tính sai rồi. Đối với mọi kẻ thù của chúng tôi hiện nay, ông ta là một người Nga, và do đó bị coi nguy hiểm, khó đoán. Durov nên hiểu rằng một người không thể chọn quê cha đất tổ của mình được", ông Medvedev nói.
Dù từng không chấp thuận chuyện kiểm duyệt của Nga, hiện ông Durov có vẻ không được truyền thông phương Tây ủng hộ. Báo chí phương Tây mô tả Telegram là một nền tảng đầy những thông tin sai lệch, đặc biệt về cuộc xung đột Ukraine - Nga.
Đài RT cho biết Nga đã liên lạc với Pháp, yêu cầu giải thích về việc bắt giữ ông Durov, cũng như đảm bảo quyền của CEO Telegram.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận