Những cửa hàng thức ăn nhanh mọc lên như nấm ở Anh - Ảnh: T.T.D. |
Điều đó dẫn tới vấn đề về bất bình đẳng xã hội và những hoài nghi về phúc lợi xã hội, báo Guardian ngày 25-7 nhận xét.
Thức ăn nhanh ở khắp nơi
Từ lâu nay, thức ăn nhanh vẫn bị đánh giá là không tốt cho sức khỏe, đặc biệt được coi là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh béo phì.
Nhưng văn hóa cửa hàng dạng take away - mua mang đi ngay chứ không ngồi lại - càng làm bệ phóng cho thức ăn nhanh tiếp tục gia tăng chóng mặt.
Tổng số lượng cửa hàng kinh doanh thức ăn dạng take away ở Anh đã tăng thêm 4.000 trong ba năm qua, tức tăng 8%, theo Guardian.
Số liệu do Trung tâm nghiên cứu chế độ ăn và hoạt động (CEDAR) của đại học Cambridge cho thấy hiện có 56.638 cửa hàng take away tại Anh, chiếm hơn 1/4 tổng số các cửa hàng bán thức ăn nước này.
Dữ liệu cũng nói rằng trong 30 khu vực trung tâm nơi cửa hàng take away chiếm đa số, thì đến 25 khu vực thuộc dạng kinh tế khó khăn ở phía bắc nước Anh.
Giáo sư Simon Capewell, phó chủ tịch phụ trách chính sách tại Khoa y tế công cộng ở Anh, nhận định: “Thức ăn nhanh và nước uống có đường được bán tại các cửa hàng này tạo ảnh hưởng quan trọng lên tình trạng béo phì và tiểu đường. Hơn nữa, sự phân bổ các cửa hàng thức ăn nhanh dày đặc ở các khu vực còn nghèo khó sẽ càng khiến tình trạng bất bình đẳng dai dẳng về sức khỏe”.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu mối liên hệ giữa sự gia tăng của các cửa hàng thức ăn nhanh với cân nặng và những mối lo về béo phì ở Anh.
Gần 2/3 người trưởng thành và 1/3 trẻ từ 2-15 tuổi đang có biểu hiện tăng cân, béo phì, theo Public Health England, cơ quan y tế công cộng thuộc Bộ Y tế Anh.
Chính quyền khó giải quyết
Một trong những ý kiến phổ biến để ngăn chặn nguy cơ sức khỏe từ thức ăn nhanh là kêu gọi chính quyền các thành phố hành động, song song với nỗ lực của doanh nghiệp.
Thực tế từ năm 2010, hơn 20 khu vực tại Anh đã có kế hoạch hạn chế sự bành trướng của các cửa hàng take away.
Trong số đó có quy định không được mở cửa hàng thức ăn nhanh trong vòng 400m gần các trường học.
Nhưng thực tế, theo giáo sư Capewell, chính quyền nhiều nơi đã đối mặt với việc ngân sách cắt giảm, vì vậy phải thỏa hiệp và nới lỏng quy định cho các doanh nghiệp buôn bán những loại thức ăn không tốt cho sức khỏe.
Yếu tố tài chính và nhân khẩu học cũng góp phần khiến “làn sóng” thức ăn nhanh khó có thể kiểm soát.
Hội đồng quận Barking và Dagenham ở London nhận xét rằng thức ăn nhanh có giá quá rẻ và dễ tiếp cận với người trẻ và người nghèo.
Hơn nữa, các công ty/cửa hàng này chỉ bán thứ mọi người muốn ăn, nên sự can thiệp của chính quyền không chắc có hiệu quả.
Câu chuyện có thể bị đẩy ngược lại phía người dân, và trước hết là nỗ lực tự cải thiện sản phẩm của doanh nghiệp.
Lấy ví dụ trường hợp của ông Roziur Choudhury tại vùng ngoại ô Dagenham thuộc Anh.
Ông này nảy ra ý tưởng kinh doanh thức ăn nhanh “lành mạnh” như gà nướng, khoai chiên dầu ít béo và sa lát miễn phí.
Ông Choudhury đặt cược vào doanh nghiệp của mình khi bán giá 3,49 bảng cho 6 cặp cánh gà, mức giá cao hơn gần gấp đôi các cửa hàng thức ăn nhanh khác.
Choudhury quan niệm rằng mình bán hàng bằng lương tâm.
Ông nói: “Tại sao anh lại cho mọi người ăn những thứ mà mình biết chắc sẽ chẳng cho gia đình mình ăn nổi? Nếu mọi người nghĩ tới sức khỏe của họ, họ sẽ không đi mua những cặp cánh gà với giá 1,99 bảng đâu”.
Bác sĩ ALISON TEDSTONE (trưởng bộ phận dinh dưỡng tại Cơ quan y tế công cộng Anh): Trách nhiệm của chính quyền và doanh nghiệp Chính quyền địa phương và ngành công nghiệp ăn uống đều phải có vai trò trong việc tạo ra môi trường khuyến khích những lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe. Trong số đó bao gồm việc giảm số lượng cửa hàng take away và tăng chất lượng thực phẩm, đặc biệt trong những cộng đồng kém phát triển. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận