Bùng nổ du khách tạo nên sự ồn ào, đông đúc, lộn xộn. Trong ảnh: chợ đêm Đà Lạt những ngày cuối tuần - Ảnh: MAI VINH
Tình trạng quá tải ở các điểm du lịch đã trở nên đáng báo động. Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nếu không thay đổi thì du lịch Việt Nam có khả năng phải trả giá đắt.
Đà Lạt: Dân số 300.000 người, đón 7 triệu lượt du khách
Từ TP.HCM lên Đà Lạt đi du lịch, bà Nguyễn Hồ Phương Nga (39 tuổi) tưởng đi tìm được sự bình yên, lãng mạn. Nhưng không, giữa những ngày hè này, "Đà Lạt đông nghẹt từ sáng đến tối", chứ không còn chỉ đông vào dịp lễ, tết nữa.
"Trời ơi! Gì đâu mà đi đường nào cũng kẹt xe. Kẹt xe kéo dài từ nút giao thông này qua nút giao thông khác. Chúng tôi năm nào cũng đi Đà Lạt mà cứ mỗi năm mỗi khác theo hướng khiến những người yêu Đà Lạt thấy bớt yêu" - bà Nga thốt lên.
Những người dân ở Đà Lạt cũng đã cảm nhận được sự ngột ngạt, đông đúc đó.
Bà Trần Phong Nhã (36 tuổi, P.2, TP Đà Lạt) cho biết thói quen của mình còn bị đảo lộn nữa khi mà du khách đang ùn ùn kéo nhau lên TP này trong khi hạ tầng du lịch không theo kịp khiến cho mọi thứ đang "rối tung lên".
"Cứ mỗi dịp khách đông là cúp nước hoặc nước yếu. Khiếu nại chỉ nhận được câu trả lời do quá tải" - bà Nhã nói.
Năm 2018, Đà Lạt đón 7 triệu lượt du khách, tăng mạnh so với 2 triệu vào năm 2010, và 5 triệu vào năm 2017. Dân số Đà Lạt hiện tại chỉ khoảng 300.000 người.
Cả tỉnh Lâm Đồng hiện có 1.352 cơ sở lưu trú du lịch, tổng số 20.224 phòng. Đấy là chưa kể làn sóng các homestay đang phát triển tràn lan, mà số lượng phòng ước tính "ngang ngửa với các nhà nghỉ, khách sạn". Đà Lạt đã thực sự quá tải.
Một cán bộ ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng (đề nghị không nêu tên) phải thốt lên: "Cách kinh doanh của ngành du lịch tại Đà Lạt hiện nay là ăn hết phần tương lai".
Nhưng tình thế đó không chỉ xảy ra với Đà Lạt mà còn nhiều điểm đến khác từ Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, Côn Đảo, Vũng Tàu, TP.HCM hay Hạ Long.
Du khách tại Bãi Sau ở Vũng Tàu dịp hè 2019 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đông mà không vui
Năm 2018 có gần 7,5 triệu lượt khách đến Đà Nẵng. 6 tháng đầu năm nay, con số này là hơn 4,3 triệu lượt.
Với tốc độ này, năm 2020 Đà Nẵng có khả năng đón từ 9 - 9,5 triệu lượt khách.
Du khách đến càng đông, các tuyến đường nội thành, ven biển càng kẹt xe, nhất là những giờ cao điểm khi du khách xuống tắm biển xung đột nặng nề với lượng ôtô đông đúc.
Những khu vực tập trung nhiều khách sạn, resort như quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn vào cao điểm du lịch hè đã xảy ra tình trạng thiếu nước, nước yếu. Hệ thống khách sạn đang tăng trưởng cực nóng khi cung vượt cầu.
Tính đến tháng 5-2019, Đà Nẵng có 793 cơ sở lưu trú du lịch với 35.881 phòng, tăng 81 cơ sở với 6.149 phòng so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, vào mùa thấp điểm, những khách sạn nhỏ từ 20 phòng trở xuống chỉ đạt công suất chừng 10%. Càng ít khách, các khách sạn càng chạy đua giảm giá phòng.
Tại Côn Đảo, chính quyền huyện này và ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang lo ngại vì du khách đến đảo ngọc này quá đông, nhất là dịp hè trong khi hạ tầng, cơ sở ở đảo này còn thiếu.
Năm 2018, hòn đảo này đón 300.000 lượt khách. 6 tháng đầu năm, con số này đã là 200.000 dù ở đây chỉ có 80 cơ sở lưu trú.
Các tuyến tàu thủy từ Sóc Trăng, Vũng Tàu đưa du khách ra đảo nhiều hơn. Năm 2020, có thêm 2 tuyến mới từ TP.HCM và Cần Thơ nữa.
Cảng Bến Đầm, bến cảng đường thủy duy nhất ở đây, lại đang xuống cấp. Điện trên hòn đảo này chủ yếu chạy máy phát diesel, và dù mỗi năm ngành điện phải "bù lỗ" 60 tỉ đồng, tình trạng cắt điện luân phiên vẫn diễn ra.
Ở một hòn đảo khác là Phú Quốc, Kiên Giang, du khách cũng lũ lượt tìm đến, khiến cho ngành du lịch lúng túng.
Có khoảng 6.000 phòng của các cơ sở lưu trú ở Phú Quốc, nhưng chỉ có khoảng 4.000 nhân lực làm du lịch ở hòn đảo này, trong khi tiêu chuẩn mỗi phòng cần có 1,8 nhân sự.
Môi trường cũng là một vấn đề đáng báo động. Mãi tới gần đây đảo Phú Quốc mới có nhà máy thu gom xử lý rác thải đáp ứng khoảng 90% lượng rác thải ra hằng ngày.
Còn nước thải thì chỉ có các resort, khách sạn ven biển là có hệ thống xử lý, còn lại đều xả thẳng ra biển. Cơn sốt đất cũng kéo theo nhiều hệ lụy.
Đấy là chưa kể một số vấn đề xã hội cũng phát sinh, từ cò đất, cho vay nặng lãi, trộm cắp, cướp giật...
Dù vậy, 6 tháng đầu năm 2019, Kiên Giang đón gần 4,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.268 tỉ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách du lịch tràn ngập tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh: THÁI THỊNH
Thay đổi hay trả giá đắt?
Một báo cáo chuyên đề đặc biệt về phát triển du lịch tại Việt Nam vừa được WB tại Việt Nam công bố, với nhiều cảnh báo khiến ngành du lịch Việt Nam lâu nay còn say sưa với những con số tăng trưởng phải nghiêm túc nhìn lại những được - mất và nghĩ tới những thay đổi trước khi phải "trả giá đắt".
Theo WB, Việt Nam vừa trải qua giai đoạn bùng nổ cả về số lượng khách du lịch trong nước và khách quốc tế trong thập kỷ qua.
Số lượt khách quốc tế cũng như số lượt khách trong nước đều tăng gấp 4 lần chỉ trong 10 năm từ 2008 - 2018, nhờ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam.
Một nghiên cứu gần đây của nhà cung cấp dịch vụ lữ hành trực tuyến TravelBird đã xếp Hà Nội đứng thứ 5 trên thế giới trong danh sách các TP có rủi ro cao về quá tải du lịch và gặp áp lực về năng lực đón du khách.
Tương tự, một đánh giá giữa McKinsey và WTTC về quá tải ở các điểm đến du lịch toàn cầu đã xếp TP.HCM vào nhóm các TP có rủi ro cao về trải nghiệm của du khách bị xuống cấp do quá tải.
Theo báo cáo này, tại Hội An, số lượng khách du lịch (trong nước và quốc tế) đến phố cổ đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, từ 1,2 triệu năm 2015 đến 2,4 triệu năm 2017.
Chính quyền bắt đầu thu vé du khách thăm phố cổ, nhưng chưa thực sự ngăn được tốc độ tăng lượt khách và tình trạng quá tải kèm theo.
Tại Sa Pa (Lào Cai), khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các công trình du lịch khác (bao gồm cả đường cáp treo dẫn lên đỉnh Fansipan) dẫn đến phá rừng, ô nhiễm, bắt đầu hủy hoại đặc trưng về vẻ đẹp mộc mạc trước đây của vùng này cũng như chất lượng chung về trải nghiệm của du khách.
Đáng chú ý, tuy số lượt khách tăng nhanh nhưng tỉ lệ lợi nhuận lại giảm do mức chi tiêu trung bình giảm xuống, càng khiến áp lực quá tải tăng lên.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu, ông Brian Mtonya nhận định đây là thời điểm phải đưa ra lựa chọn chiến lược về nhịp độ và cơ cấu tăng trưởng du lịch mong muốn trong tương lai, cân đối theo địa bàn địa lý, để đảm bảo bền vững dài hạn trong ngành và để đem lại tác động kinh tế bao trùm.
"Việt Nam không nên hi sinh môi trường, tài sản văn hóa của mình, vốn là những thứ rất quan trọng, để đổi lấy tăng trưởng khách du lịch.
Đây là thời điểm phải hành động. Việt Nam phải có chính sách phù hợp để đảm bảo du lịch đại chúng không nên phát triển theo hướng gây tổn hại tài sản văn hóa và môi trường.
Đã có rất nhiều bài học trên thế giới rồi. WB sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này" - ông Brian Mtonya nói.
Đồ họa: N.KH.
Giải pháp nào?
Ông Trần Chí Dũng - giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho biết địa phương này đang nỗ lực tăng cường công tác quản lý, công bố quy hoạch các khu du lịch, chủ yếu là biển đảo và xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực, trong đó tập trung đào tạo cho lĩnh vực du lịch.
Theo một cán bộ ngành du lịch Lâm Đồng, du khách vẫn còn thích Đà Lạt nhưng về lâu dài đó lại là một câu hỏi khi các cảnh quan, kiến trúc, môi trường đang bị bào mòn.
"Tôi nghĩ những người quản lý ngành du lịch Đà Lạt nên tính toán để vừa đón khách, vừa giữ ổn định để TP phát triển đúng định hướng. Không nhất thiết cứ năm sau đặt mục tiêu đón khách nhiều hơn năm trước..." - vị này nói.
Không thể cấm các nhà đầu tư xây khách sạn, nhưng theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, sở này chỉ có thể đưa ra các khuyến cáo về quy định pháp luật, thị trường, nhu cầu... để các nhà đầu tư có thể tính toán kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.
Những bài học nhãn tiền
Đảo Boracay - một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Philippines, đón tiếp trên 1,7 triệu khách mỗi năm - mới bị chính thức đóng cửa 6 tháng năm 2018 để xử lý tình trạng ô nhiễm biển do quá tải du lịch.
Điểm đến này sau đó đã được mở lại khi các hoạt động và hạ tầng du lịch được quản lý khắt khe hơn, nhưng gây ra tổn thất ước tính là 0,4 - 1,6 tỉ USD cho nền kinh tế Philippines, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu phát triển Philippines.
Đảo Ko Phi Phi Leh, Thái Lan do phải đón đến trên 5.000 lượt du khách và 200 tàu thuyền mỗi ngày, đã phải chịu hư hại lớn, bao gồm cả 80% san hô của vịnh Maya (theo ước tính của Cục Vườn quốc gia).
Hệ quả là hòn đảo này phải đóng cửa 4 tháng năm 2018 để dọn sạch ô nhiễm và để "chữa lành" hệ sinh thái tự nhiên, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Khuyến nghị của WB:
* Tăng cường phối hợp quy hoạch điểm du lịch và phát triển sản phẩm.
* Đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thị trường nguồn khách.
* Phát triển kỹ năng của lực lượng lao động ngành du lịch.
* Tăng cường kết nối chuỗi giá trị du lịch ở địa phương.
* Cải thiện về quản lý luồng khách.
* Nâng cao chất lượng và năng lực hạ tầng điểm du lịch.
* Bảo vệ các tài sản văn hóa và môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận