Phóng to |
Dòng người biểu tình mang theo ảnh các tỉ phú Mỹ được gắn thêm mũi heo diễu hành trên thành phố New York ngày 28-10 - Ảnh: Reuters |
Trước nay, các trùm ngân hàng, quỹ đầu cơ hay quản lý tài chính cấp cao của Mỹ vẫn thường nhờ đến các dịch vụ an ninh khi tên họ được xướng lên trong danh sách 400 người giàu nhất và được đăng tải trên kênh tài chính CNBC hay khi con họ đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi rộ lên làn sóng phản đối ở Phố Wall, các dịch vụ như vệ sĩ 24/24 giờ và hệ thống an ninh tại gia của các công ty an ninh trở nên đắt khách hơn bao giờ hết!
“Chúng tôi dự kiến tăng hơn gấp đôi doanh thu tại New York trong năm nay” - người sáng lập Công ty Chiến lược kiểm soát rủi ro (RCS) Paul M.Viollis nhận định trên New York Times. Công ty của ông hiện đang bảo vệ nhiều yếu nhân tại Phố Wall. Một công ty khác là Insite Security cho biết họ đã nhận được vô số đơn hàng và tình hình kinh doanh này có thể giúp họ kiếm thêm 40% lợi nhuận cho cả năm.
Chi hàng triệu USD cho sự an toàn
Thật ra, giới lắm tiền Mỹ bắt đầu quan tâm đến việc thuê dịch vụ an ninh cá nhân kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ vào năm 2008. Khi đó Lloyd C.Blankfein, tổng giám đốc Ngân hàng Goldman Sachs, đã cho xây một cổng an ninh cao gần 2m bên ngoài ngôi nhà ở Hamptons. Hay như Tập đoàn Lehman Brothers, một trong những tập đoàn tài chính sụp đổ trong đợt khủng hoảng, đã thuê chó nghiệp vụ chuyên phát hiện bom để tuần tra các trụ sở của công ty.
Tuy nhiên, sự lo lắng của “1%” này chỉ lên đến đỉnh điểm bởi cơn giận của “99%” tại Phố Wall. Tuần trước, nhà của nhiều lãnh đạo tài chính đã bị những người biểu tình gõ cửa, như tỉ phú đầu cơ John A. Paulson, tổng giám đốc Jamie Dimon của JPMorgan Chase và tỉ phú Stephen A. Schwarzman của Tập đoàn Blackstone. Một trong những tấm bảng của người biểu tình có vẽ hình cái đầu đứt lìa của ông Blankfein. Một khách hàng vốn là một yếu nhân của một ngân hàng lớn đã hốt hoảng nhờ đến sự giúp đỡ của RCS sau khi nhận được một bức thư từ công viên Zuccotti của phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” để xem liệu ông ta và gia đình ông có phải là mục tiêu sắp tới hay không.
Trong bối cảnh “Chiếm lấy Phố Wall” đang lan rộng toàn nước Mỹ, ngay cả những người giàu ngầm vì ít xuất hiện trên truyền thông cũng lo sợ mũi dùi chĩa vào họ. Do đó, giới nhà giàu sẵn sàng chi hàng triệu USD để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Có đủ loại dịch vụ bảo vệ theo nhu cầu!
Giới siêu giàu Mỹ đòi hỏi nhiều biện pháp bảo vệ phức tạp hơn và không ngại chi mạnh tay. Trước hết, các chuyên gia an ninh, thường là các cựu nhân viên CIA, sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ về khách hàng như lịch sinh hoạt, thông tin về gia đình... để xác định các nguy cơ. Những biện pháp an ninh công nghệ cao được triển khai sau đó, như cửa khóa sinh trắc học, các loại máy quay, cảm biến chuyển động... sẽ giúp bảo vệ khách hàng đến tận răng.
Chi phí cho dịch vụ an ninh không hề rẻ. Nếu việc thuê mướn vệ sĩ tốn 200 USD/giờ/người, một nhân viên lái xe cao cấp ăn lương 150.000 USD/năm thì hệ thống giám sát an ninh tại gia có thể ngốn đến 1,5 triệu USD.
Không chỉ vậy, các tỉ phú Phố Wall cũng thường tìm mua các loại bảo hiểm, chẳng hạn bảo hiểm bắt cóc, hay bảo vệ nhà với kính chống đạn và xây dựng các phòng an toàn kiên cố có tường thép. Đối với những người lo sợ bị theo dõi, điều tra đã có hệ thống giám sát phát hiện các thiết bị nghe lén. Dù vậy, không ít người giàu trở nên hoang tưởng khi tính cả đến kế hoạch tháo chạy khỏi nước Mỹ một khi chính phủ liên bang sụp đổ.
Thư viện “Chiếm lấy Phố Wall” Ở công viên Zuccotti tại khu vực Hạ Manhattan, New York, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” đã có hẳn một thư viện công cộng với khoảng 3.500 đầu sách do mọi người quyên góp. Dù là thư viện ngoài trời và sách chủ yếu được đặt trong các thùng nhựa hoặc cactông, song vẫn được phân loại thành nhiều lĩnh vực, chẳng hạn khu vực sách dành cho trẻ em. Một nhóm phụ huynh thậm chí tổ chức cắm trại đêm cho hàng chục gia đình tại công viên vào cuối tuần để đọc sách. Trên trang web riêng của mình, thư viện cho biết nó được lập ra nhằm “đáp ứng nhu cầu thông tin... nâng cao sự hào hứng” của những người tham gia biểu tình. Còn theo nhà văn Barbara Fister, sự ra đời của thư viện xuất phát từ nhu cầu chia sẻ của cộng đồng “Chiếm lấy Phố Wall”, kéo họ lại gần nhau hơn. “Chia sẻ sách cũng như chia sẻ bánh mì vậy” - bà Fister cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận