13/04/2021 08:02 GMT+7

'Bung lụa' khai phá thị trường nước ngoài bất chấp COVID-19

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

Khi dịch COVID-19 vẫn phức tạp khiến nhiều tập đoàn lớn trên thế giới phải thu hẹp hoạt động, thế nhưng một doanh nghiệp công nghệ Việt lại liên tục mở văn phòng mới, tạo thành trung tâm sản xuất phục vụ các đối tác trên toàn thế giới.

Bung lụa khai phá thị trường nước ngoài bất chấp COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên FPT làm việc tại văn phòng ở Manila, Philippines. - Ảnh: FPT

Ngày 13-4, Công ty FPT Software (thành viên của Tập đoàn FPT) sẽ mở văn phòng thứ ba của tại Manila, biến thủ đô của Philippines thành trung tâm sản xuất lớn thứ hai tại nước ngoài của doanh nghiệp Việt.

Mở văn phòng ở nước ngoài giữa đại dịch

Trước đó, vào cuối tháng 1-2021, doanh nghiệp này cũng đã thành lập trung tâm sản xuất đầu tiên tại châu Mỹ nhằm phục vụ khách hàng Mỹ - thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Chi nhánh FPT Costa Rica đặt trụ sở tại San José, thủ phủ của Costa Rica, một trong những thành phố công nghệ tiên tiến nhất ở Trung Mỹ.

Việc liên tiếp mở các văn phòng mới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp trên thế giới đã khiến nhiều người trong giới không khỏi lo ngại cho bước đi của doanh nghiệp Việt. 

Lý giải quyết định của mình, một lãnh đạo của FPT Software cho biết: "Ấn Độ đã chớp lấy cơ hội từ sự kiện Y2K để thay đổi vị thế quốc gia, tạo nên một cường quốc về CNTT. Ấn Độ làm được thì Việt Nam cũng làm được. Chuyển đổi số chính là cơ hội thay đổi vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số".

Bên cạnh đó, việc lựa chọn Manila, Philippines - nơi dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành mạnh - cũng được xem là một quyết định rất táo bạo của FPT Software. 

Năm 2020, trong bối cảnh Philippines bị tác động khá mạnh từ dịch COVID-19, FPT Software vẫn đạt mức tăng trưởng trên 30% về nhân sự và 65% về doanh thu tại thị trường này. 

Việc thành lập trung tâm sản xuất tại Manila được kỳ vọng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ, giải pháp công nghệ của FPT Software cho khách hàng tại các thị trường nói tiếng Anh.

Tương tự, lý do thành lập trung tâm sản xuất Costa Rica là nhằm tận dụng lợi thế về địa lý và nguồn nhân lực, giúp FPT Software  đảm bảo duy trì vận hành liên tục 24/7, cũng như hỗ trợ khách hàng ngay tức khắc khi cần. 

"Dù Mỹ là đất nước có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất thế giới trong năm 2020 nhưng hoạt động kinh doanh của FPT Software tại thị trường này vẫn đảm bảo tăng trưởng ổn định, khoảng 12% so với cùng kỳ. Năm 2020, thị trường này cũng đã mang về cho FPT Software hợp đồng với hãng kinh doanh ô tô trong 3 năm trị giá gần 150 triệu USD", đại diện doanh nghiệp này cho biết.

FPT không phải là công ty Việt Nam duy nhất "vươn vòi" sang nước khác giữa đại dịch. Thống kê của One IBC - tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ thành lập doanh nghiệp nước ngoài - cho thấy trong năm 2020 đã có hơn 300 doanh nghiệp Việt đầu tư mở thêm công ty ở ngoài lãnh thổ như Singapore, Hồng Kông, Anh Quốc,... 

Ngành nghề kinh doanh của những doanh nghiệp này cũng rất đa dạng, từ may dệt, thực phẩm đến tài chính và CNTT. Có thể nói, trong khi thế giới đang chựng lại vì đại dịch, thì Việt Nam lại tận dụng thời cơ để đón đầu xu thế toàn cầu hóa, mở rộng thị trường ra toàn cầu.

Câu chuyện thành công của Ấn Độ trong lĩnh vực CNTT từ sự kiện Y2K có lẽ là nguồn cảm hứng cho quyết định bứt phá mạnh mẽ của doanh nghiệp phần mềm Việt. Tất nhiên, họ phải vượt qua không ít thách thức khi lựa chọn mở văn phòng mới ngay giữa tình hình dịch bệnh.

Chẳng hạn khi quyết định mở văn phòng mới tại Philippines, "mối đe dọa từ đại dịch COVID-19 là khó khăn lớn nhất chúng tôi phải vượt qua khi chuẩn bị cho văn phòng mới mở. Việc tuân thủ nghiêm ngặt một loạt lệnh giới hạn cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đáng kể tới quá trình xử lý các thủ tục", anh Ralf Jay Mosqueda, giám đốc FPT Philippines, chia sẻ.

Bên cạnh đó, với tổng cộng 57 văn phòng tại 26 quốc gia trên toàn cầu, FPT Software còn đứng trước thách thức đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ nhân viên tại mọi thị trường và hoạt động kinh doanh liên tục của công ty. 

Ngoài ra, theo đại diện FPT Software, họ cũng như tất cả các doanh nghiệp Việt Nam khi ra nước ngoài đều phải gặp khó khăn chung là sự khác biệt về môi trường, văn hóa kinh doanh, ngôn ngữ.

Chẳng hạn như khi kinh doanh tại Nhật Bản, điều kiện đầu tiên là phải có đội ngũ nhân lực thông thạo tiếng Nhật, vì thế công ty phải liên tục bổ sung, nâng cao ngôn ngữ Nhật cho các nhân viên của mình.

"FPT hiện là công ty CNTT nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại Nhật Bản với hơn 1.500 cán bộ nhân viên đang làm việc trực tiếp tại 11 văn phòng tại Nhật Bản và hơn 7.000 người tại Việt Nam tham gia triển khai các dự án cho khách hàng Nhật Bản. Nhờ đó, thị trường Nhật Bản luôn là thị trường đóng góp trên 50% doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT", đại diện doanh nghiệp này chia sẻ..

Doanh nghiệp Việt "bung lụa" ngay trong đại dịch

Bung lụa khai phá thị trường nước ngoài bất chấp COVID-19 - Ảnh 2.

Mytel là nhà mạng đầu tiên tại Myanmar cung cấp dịch vụ VoLTE, eSIM và giới thiệu 5G tại Myanmar. Hiện tại, 75% khách hàng của Mytel sử dụng 4G (cao nhất trong số các thị trường Viettel đầu tư)

Nhờ thích ứng nhanh, một số doanh nghiệp Việt khác cũng gặt hái được thành công từ các nước mình đầu tư. Trong khi viễn thông trên toàn thế giới gần như tăng trưởng âm, nước nào khá lắm được khoảng 1%, thì viễn thông quốc tế của Viettel năm 2020 tăng trưởng hơn 20%. 

Dòng tiền thì các thị trường nước ngoài về Việt Nam đạt 300 triệu USD so với 260 triệu USD dự kiến ban đầu. 

Tại Myanmar, Mytel (tên nhà mạng tại Myanmar của Viettel) chỉ trong vòng 2 năm đã vươn lên gần ngang bằng số 1 về thuê bao, đã có lãi và chuẩn bị bắt đầu có dòng tiền về - sớm hơn đến 3 năm so với thông lệ và dự kiến.

"Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài đạt kết quả rất tốt nhờ thích ứng nhanh với các biến động của thị trường trước dịch COVID-19. Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ và những nỗ lực hợp tác thương mại giữa các quốc gia đã góp phần không nhỏ giúp các doanh nghiệp Việt tự tin và vững vàng hơn khi kinh doanh ở nước khác", phó tổng giám đốc One IBC, ông Vũ Đại Dương, cho biết.

Một doanh nghiệp Việt khác cũng đang nung nấu ý đồ mở rộng ra nước ngoài là Thế Giới Di Động. Theo báo cáo tính tới cuối tháng 2-2021, chuỗi điện máy Bluetronics của Thế Giới Di Động tại Campuchia đạt 50 cửa hàng, bao phủ 13/25 tỉnh thành. 

Số lượng này giúp Bluetronics trở thành nhà bán lẻ thiết bị di động và điện tử tiêu dùng có số lượng cửa hàng và doanh số lớn nhất tại Campuchia. 

Đây được xem là "mô hình" để doanh nghiệp này mở rộng sang các nước khác như Indonesia, Myanmar, Philippines, thậm chí Thái Lan.

logo nhịp sống thương trường

Chuyên mục Nhịp sống thương trường với sự đồng hành của One IBC, công ty cung cấp các dịch vụ tài chính, thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư trong nước và quốc tế.

Nhịp sống thương trường: Muốn nếm quả ngọt phải trải đau thương Nhịp sống thương trường: Muốn nếm quả ngọt phải trải đau thương

TTO - Nhiều doanh nghiệp đã phải trải qua những thất bại, mất mát để có những bài học đau thương trước khi nếm hương vị trái ngọt, như hệ thống cửa hàng FOCI một thời đạt hơn trăm cửa hàng, để rồi biến mất sau đó trong sự ngỡ ngàng.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp