Sau gần hai năm triển khai, chương trình 30.000 tỉ đồng mới giải ngân được hơn 10%. Trong ảnh: khách hàng được tư vấn vay mua nhà từ gói 30.000 tỉ - Ảnh: Tiến Long |
Từ ngày 25-11, theo hướng dẫn tại nghị quyết 61/NQ-CP, công nhân viên chức và những người có thu nhập thấp khi mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng không vượt quá 1,05 tỉ đồng sẽ được vay vốn từ gói 30.000 tỉ đồng...
Thêm nhiều cơ hội vay vốn rẻ mua nhà
Nới lỏng điều kiện và đối tượng được vay gói 30.000 tỉ đồng Theo tinh thần nghị quyết 61/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư hướng dẫn, trong đó bổ sung hai đối tượng được vay ưu đãi để xây mới, cải tạo và sửa chữa nhà ở thay vì trước đây chỉ được thuê, mua, thuê mua nhà. Đối với vay để xây, cải tạo và sửa nhà, người lao động sẽ được vay tới 700 triệu đồng trong 10 năm. Còn đối với mua nhà, người vay được vay tối đa là 1,05 tỉ đồng/căn hộ trong thời hạn là 15 năm, dài hơn so với quy định cũ 5 năm. Ngoài năm ngân hàng có vốn nhà nước, các ngân hàng TMCP cũng được đăng ký tham gia cho vay gói 30.000 tỉ đồng. Tương tự, Bộ Xây dựng cũng ban hành thông tư sửa đổi bổ sung hướng dẫn đối tượng được vay vốn hỗ trợ. Theo đó, điều kiện được vay vốn là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội, diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m² sử dụng/người; đối tượng được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở. Trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên tại địa phương đó (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm... |
Sáng 25-11, ngay sau khi nhiều quy định về xét duyệt dự án vay gói 30.000 tỉ đồng được cởi bỏ, chị Bùi Thị Bích Chương (ngụ P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tức tốc lấy mẫu hồ sơ mới làm lại thủ tục vay vốn mua nhà mà vợ chồng anh chị đã bị ách lại cả năm nay.
Chiều cùng ngày, chị Chương cho biết đã được phó chủ tịch UBND P.25, Q.Bình Thạnh xác nhận điều kiện nhà ở, chuẩn bị nộp hồ sơ lên ngân hàng.
Theo chị Chương, với việc bỏ điều kiện phải mua nhà dưới 70m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2, thay vào đó tổng giá trị hợp đồng dưới 1,05 tỉ đồng theo như quy định mới, cơ hội mua được nhà của gia đình chị là rất lớn.
“Hi vọng lần này không lỡ cơ hội mua nhà nữa, không còn phải chịu cảnh ở thuê...” - chị Chương nói.
Theo lời chị Chương, vào đầu năm 2014, dù chọn được một căn hộ tại TP.HCM phù hợp với điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng và mọi thủ tục đều hợp lệ, nhưng vợ chồng chị vẫn không vay được do không có hộ khẩu và cũng không đóng bảo hiểm xã hội trên 12 tháng tại địa phương có dự án này.
Chưa hết, sau một thời gian có được một bộ hồ sơ hợp lệ, đó là có KT3 và đóng bảo hiểm xã hội trên 12 tháng tại địa phương có dự án này, nhưng cũng không vay được.
“Tôi đã tìm được căn hộ 50m2 với giá 790 triệu đồng tại Q.Bình Tân nhưng cũng không làm thủ tục vay được, do đơn giá trên mét vuông cao hơn 15 triệu đồng, không đáp ứng điều kiện được vay” - chị Chương kể.
Cũng mất hơn năm tháng làm thủ tục nhưng chưa vay được tiền từ gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà, anh Lê Duy Khoa (ngụ TP.HCM) cho rằng việc bỏ điều kiện xét duyệt căn hộ sang xét duyệt tổng giá trị hợp đồng dưới 1,05 tỉ đồng sẽ giúp nhiều người vay được tiền từ gói tín dụng hỗ trợ mua nhà.
Tuy nhiên, theo anh Khoa, vẫn còn nhiều rào cản khác gây khó cho người mua nhà, như phải có hộ khẩu (hoặc KT3), đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng tại địa phương có dự án...
“Vợ chồng tôi chưa có nhà và đang ở trọ, nhưng khi đi chứng thực điều kiện nhà ở, UBND phường sợ trách nhiệm nên không chịu chứng thực. Sau đó lại vướng cả việc không có hộ khẩu và chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng tại TP.HCM nên không thể vay, dù đã chọn được một căn hộ đáp ứng đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng” - anh Khoa nói.
Nhưng vẫn còn nhiều rào cản
Không chỉ người dân mà cả các chủ đầu tư cũng cho rằng quy định phải có hộ khẩu, đóng bảo hiểm xã hội trên 12 tháng tại địa phương nơi dự án chọn mua mới được vay gói 30.000 tỉ đồng là những yếu tố gây khó cho việc giải ngân gói hỗ trợ này.
Chủ đầu tư một dự án bất động sản tại TP.HCM cho biết đang có một dự án tại Bình Dương 100% sản phẩm đáp ứng điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng nhưng hầu hết khách hàng đều không thể vay.
“Dự án có vị trí giáp ranh với TP.HCM, chỉ cách Q.Thủ Đức (TP.HCM) một cây cầu nên khách hàng chủ yếu là người TP.HCM. Có đến trên 80% khách của dự án này có hộ khẩu tại TP.HCM và đóng bảo hiểm xã hội tại TP.HCM nên vẫn không vay được theo quy định của gói 30.000 tỉ đồng” - vị này nói.
Ông Nguyễn Nam Hiền - tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land - cho rằng với quy định tổng giá trị hợp đồng không vượt quá 1,05 tỉ đồng sẽ được vay gói 30.000 tỉ đồng, thay cho quy định về diện tích tối đa và đơn giá/m2 trước đây, nhiều dự án sẽ đáp ứng điều kiện này và cơ hội cũng rộng mở hơn cho người có nhu cầu nhà ở.
Tuy nhiên, quy định về hộ khẩu tại địa phương và đóng bảo hiểm xã hội vô hình trung lại tước đi cơ hội của những người có nhu cầu nhà ở thật sự.
“Thực tế cho thấy tỉ lệ người dân tại chỗ mua căn hộ ngay tại địa bàn mình đang ở, kể cả nằm trong diện được vay gói 30.000 tỉ đồng hay không, chiếm rất ít, cao lắm cũng chỉ 10-15%. Do đó, với các điều kiện ràng buộc nêu trên, những dự án đáp ứng được điều kiện cũng không thể bán cho người có nhu cầu thật sự” - ông Hiền nói.
Trong khi đó ông Lê Minh Khánh, giám đốc kinh doanh Công ty CP đầu tư Nam Long, cho biết đến nay đã có hơn 300 khách hàng mua sản phẩm tại các dự án của doanh nghiệp này vay được gói 30.000 tỉ đồng theo điều kiện cũ.
Và với việc nới lỏng các điều kiện cho vay gói hỗ trợ này, theo ông Khánh, số lượng khách hàng có khả năng mua sản phẩm của doanh nghiệp này chắc chắn sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, do các ngân hàng liên kết với doanh nghiệp này vẫn đang chờ triển khai cho vay theo điều kiện mới, nên đến nay hàng loạt khách hàng của Nam Long vẫn phải chờ.
“Hiện các dự án Ehome 3 và Ehome 4 của chúng tôi có hơn 400 khách hàng đang giữ chỗ để chờ được vay gói hỗ trợ theo quy định mới” - ông Khánh cho biết.
Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chỉ còn một năm rưỡi nữa (tức ngày 1-6-2016), chương trình 30.000 tỉ đồng sẽ kết thúc nhưng đến nay con số giải ngân mới chỉ hơn 10% là quá thấp.
“Dù có nới lỏng một số điều kiện nhưng vẫn còn quá nhiều vướng mắc. Theo tôi, phải bỏ mẫu xác nhận thực trạng nhà ở cũ, thay vào đó là để người khai tự chịu trách nhiệm thì các đơn vị địa phương, các thủ trưởng cơ quan mới dám ký vào giấy xác nhận này” - ông Châu nói.
Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng cần bỏ một trong những thủ tục gây cản trở nhất hiện nay là chứng minh thu nhập, vì đã cho thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Chị Bùi Thị Bích Chương làm hồ sơ xác nhận chỗ ở và điều kiện nhà ở tại Công an P.25, Q.Bình Thạnh vào sáng 25-11 - Ảnh: Đình Dân |
Kẻ hào hứng, người e ngại
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Trung, phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế, cho hay chắc chắn sẽ có đơn đề nghị xin được tham gia cho vay gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng này. Vì hiện nay sản phẩm cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở được Ngân hàng Quốc tế đặc biệt chú ý.
Còn nhìn rộng ra, các ngân hàng cũng coi cho vay mua nhà, xây sửa nhà là tâm điểm để ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Đây là sản phẩm chính của các ngân hàng trong hai năm trở lại đây.
Cũng theo ông Trung, việc cho vay để cải tạo nhà ở cũng là quy định rất tốt cho cả ngân hàng và người vay.
“Bản thân ngân hàng vẫn triển khai, tuy nhiên lãi suất cho vay là thương mại chứ không phải ưu đãi như gói 30.000 tỉ đồng là chỉ 5%/năm và được giữ trong suốt thời gian vay tối đa 10-15 năm. Do đó, chắc chắn Ngân hàng Quốc tế sẽ có đơn gửi Ngân hàng Nhà nước để tham gia cho vay gói ưu đãi này” - ông Trung khẳng định.
Một lãnh đạo đại diện một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho rằng nếu được tham gia cho vay ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng, ngân hàng này chắc chắn sẽ tích cực bởi đầu ra nguồn vốn đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, vị này cho rằng không phải ngân hàng nào muốn tham gia cũng được vì phải chờ Ngân hàng Nhà nước xét dựa trên quy mô, kinh nghiệm cho vay lĩnh vực bất động sản...
Dù vậy, vị này cũng kỳ vọng sẽ có nhiều ngân hàng được tham gia cho vay ưu đãi để nhiều người chưa có nhà được hưởng lợi từ chính sách này, qua đó, thị trường bất động sản sẽ hồi phục.
Bà Đào Hải Ninh, giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông chi nhánh Hà Nội, hi vọng tỉ lệ giải ngân gói tín dụng sẽ cao hơn so với trước đây khi mở rộng cho vay để xây mới, sửa và cải tạo nhà ở.
“Vấn đề quan trọng nhất là các thủ tục có quá khó với người vay hay không? Đơn cử đối với khoản vay để sửa, cải tạo nhà do nhà hư hỏng nặng thì cơ quan nào sẽ thẩm định hiện trạng căn nhà?”.
Trong khi đó, ông Lê Đức Thọ, tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank), cho biết ngân hàng này đang nghiên cứu để hướng dẫn triển khai.
Tương tự, đại diện Vietcombank cũng cho biết sẽ có văn bản hướng dẫn trong tuần này sao cho chính sách đi vào cuộc sống được thông suốt.
Theo ông Bùi Thanh Bình - trưởng phòng chính sách sản phẩm bán lẻ (Vietcombank), tinh thần là Vietcombank sẽ quy định các chi nhánh cho vay khi khách vay đảm bảo điều kiện mà thông tư của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước quy định.
Đơn cử, đối với cho vay sửa nhà, khách vay chỉ cần có giấy chứng nhận của UBND xã phường và tổ dân phố chứ ngân hàng không thể đi xác minh, kiểm tra tình trạng nhà ở của khách vay.
Đối với quy định về chứng minh thu nhập cũng vậy, ngân hàng sẽ căn cứ trên bản sao hợp đồng lao động, bảng lương ba tháng gần nhất, bản xác nhận thu nhập của đơn vị quản lý người lao động để xem xét khả năng trả nợ của khách vay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận