TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng bún bò Huế vừa là món ăn, vừa là di sản văn hóa phi vật thể |
>>
Quy chế này vừa được ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký ban hành ngày 13-7-2016.
Ý kiến trái chiều
TS Trần Đức Anh Sơn - nhà nghiên cứu văn hóa Huế - cho rằng: “Bún bò Huế vừa là món ăn, vừa là di sản văn hóa phi vật thể, do các thế hệ người Huế sáng tạo, thực hành và trao truyền cho đời sau từ hàng trăm năm nay; được người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới (và cả người nước ngoài) tiếp nhận và thực hành một cách tự nhiên từ hàng trăm năm nay; hoàn toàn không phải là sản phẩm công nghiệp, không phải là thứ mà một cá nhân, một tổ chức hay một địa phương độc quyền chiếm dụng quyền sở hữu trí tuệ."
"Giả sử quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có căn cứ pháp lý và có hiệu lực thì đây là một quyết định bất khả thi, vì tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ không thể có đủ nhân lực và tài lực để giám sát việc thực thi quyết định này” - TS Sơn nói.
Trong khi đó, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành có ý kiến khác: “Tôi hiểu quy chế này là lời mời tham gia một cách tự nguyện dành cho những ai đã, đang và muốn kinh doanh món bún bò Huế theo tiêu chuẩn này."
Ông Thành nói: "Tôi đánh giá đây là một sáng kiến tốt của các nhà quản lý, đem lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng, người bán hàng, các nhà cung cấp và các đơn vị trung gian. Như với khách hàng, họ có những dấu hiệu để nhận biết các cửa hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tính chính hiệu của sản phẩm họ dùng. “Bún bò Huế” theo quy định ở đây chỉ là một trong những phong cách chế biến. Không nên “đồng phục hóa” hay ép buộc các cơ sở kinh doanh tham gia và qua đó đánh mất tính đa dạng và bí quyết nhà nghề của các hộ kinh doanh món ăn này."
"Về mặt truyền thông, thương hiệu, đây là một bước đi táo bạo mở đường cho việc tạo ra mô hình khai thác thương hiệu vùng miền” - Ông Thành đánh giá.
Gây nhầm lẫn, nhãn hiệu chưa được bảo hộ
Trong khi đó, luật sư Châu Huy Quang (điều hành Hãng luật R&T LCT Lawyers) cho rằng quyết định số 761/QĐ-BKHCN ngày 9-4-2013 của Bộ Khoa học - công nghệ có quy định việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm dịch vụ “Bún bò Huế” của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đây là một trong những nội dung thuộc dự án mà trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý, thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để tuyển chọn trong hai năm 2014-2015 của Bộ Khoa học - công nghệ.
Điều này dường như củng cố hơn cơ sở của quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, một địa phương nổi tiếng du lịch, khi ban hành quyết định số 1623/QĐ-UBND quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể về việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” trên phạm vi cả nước, cũng như các điều kiện liên quan để được sử dụng nhãn hiệu này.
Tuy nhiên, theo tôi, điểm mấu chốt cần làm rõ là quyền sở hữu nhãn hiệu “Bún bò Huế” nếu có thì thuộc về ai?
Trường hợp UBND là chủ sở hữu hợp pháp, UBND có các quyền tương ứng của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu của mình, bao gồm cả quyền cho người khác khai thác, sử dụng nhãn hiệu của mình.
Về điểm này, cần chứng minh thế nào là chủ sở hữu của nhãn hiệu hợp pháp, chẳng hạn thông qua văn bằng chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
Ngoài ra, xét thấy do UBND không phải là một đơn vị kinh tế nên liệu việc sở hữu một nhãn hiệu thuộc nhóm hàng ăn uống có phù hợp không cũng cần xem lại.
Dữ liệu công khai của Cục Sở hữu trí tuệ hiện không thể hiện thông tin đăng ký chủ sở hữu về nhãn hiệu “Bún bò Huế”. Trường hợp nhãn hiệu trên hiện chưa được cấp phép bảo hộ cho bất kỳ ai (khả năng cao), nên việc cơ quan nhà nước ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu này là có thể xảy ra.
Không thể tự nhận chủ sở hữu
Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng theo quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” mà UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành thì đơn vị này đã tự cho rằng mình là chủ sở hữu của quyền sở hữu đối với thương hiệu “Bún bò Huế”.
Nhưng sự tự nhận này trái Luật sở hữu trí tuệ. Chúng tôi cho rằng để giữ gìn giá trị truyền thống của thương hiệu “Bún bò Huế”, chính quyền Thừa Thiên - Huế có thể hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng nghiêm túc hơn sản phẩm “Bún bò Huế” để đăng ký chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu này.
Từ đó có các kế hoạch khuyến khích sử dụng thương hiệu “Bún bò Huế” một cách hữu hiệu, nhằm gìn giữ và phát triển giá trị đặc biệt của thương hiệu này.
Nếu chúng ta muốn gìn giữ giá trị văn hóa ẩm thực do nhân dân tạo ra mà bằng cách cưỡng ép hành chính tùy tiện sẽ không được nhân dân ủng hộ, đó là điều rất đáng lo ngại.
UBND được quyền đăng ký và sở hữu
Ngược lại, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty luật hợp danh Thiên Thanh) lại có ý kiến khác. Ông cho rằng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tuy không phải đơn vị sản xuất nhưng là đơn vị quản lý có quyền đăng ký và sở hữu nhãn hiệu chứng nhận đó. Nhãn hiệu chứng nhận là một loại nhãn hiệu mà UBND được quyền đăng ký và sở hữu.
Tôi thấy đây là hướng đi chuẩn và tốt để từ bỏ cách làm ăn manh mún, cùng xây dựng tạo nên một thương hiệu mạnh.
Người dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng nên có cách suy nghĩ khác với tập quán. Việc dùng chung một nhãn hiệu sẽ mang lại hiệu quả hơn và việc trả phí khi dùng nhãn hiệu đó cũng là cách làm văn minh.
Cái tôi băn khoăn là đơn vị sở hữu nhãn hiệu mạnh như vậy có cách nào khai thác, thúc đẩy, giám sát nó hiệu quả hay không?
Còn ý kiến cho rằng UBND Thừa Thiên - Huế đăng ký độc quyền nhãn hiệu “Bún bò Huế” là không phù hợp, tôi cho rằng đây là cách suy luận có lẽ do chưa đọc kỹ nên mới hiểu vậy.
Bởi độc quyền là một khái niệm khác, còn ở đây UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ là đơn vị sở hữu, quản lý. Nếu cơ sở nào đủ điều kiện đăng ký thì đơn vị này cho đăng ký, và chỉ những đơn vị được cấp và sử dụng nhãn hiệu mới chịu sự điều chỉnh của quy chế này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận