Bệnh bụi phổi silic là bệnh gây xơ hóa phổi tiến triển không hồi phục, không điều trị được. Cuộc sống của người bệnh chỉ còn được tính từng tháng, từng ngày. Thế nhưng những cái chết âm thầm được báo trước này vẫn đang hằng ngày diễn ra ở nhiều nơi.
Phóng to |
Bụi đá mịt mù ở công trường khai thác đá Hóa An (Đồng Nai) - Ảnh: Tr.Cường |
Chúng tôi tìm đến Công ty cổ phần Hóa An. Nắng gắt trùm lên khu vực bãi khai thác đá trống trải. Chỉ một cơn gió nhẹ, bụi ở những đụn đá bay mù trời. Những xe chở đá nối đuôi nhau ra cổng, cuộn theo những bánh xe là đám bụi đá trắng nhờ.
Bụi mù mịt công trường
Ở từng máy xay, tiếng nghiền đá ầm ầm cùng khói bụi mù mịt. Ở mỗi máy xay đá có một công nhân đứng trông coi, khẩu trang che kín mặt vẫn không ngăn được đám bụi. Thi thoảng công nhân ho húng hắng rồi tiếp tục công việc.
Ở các hầm đá, hàng chục xe đập, cuốc, xúc đá liên tục. Dưới hầm, trong cái oi bức của nắng, bụi, công nhân lái xe nhễ nhại mồ hôi, không ai đeo khẩu trang. Hỏi sao không đeo, một công nhân lắc đầu nói: “Nóng quá, đeo sao nổi”. “Anh có biết nguy cơ nhiễm bệnh bụi phổi silic không?”, anh này cười nói: “Biết”. Để hạn chế bụi, công ty bố trí xe tưới nước trên các đường vào bãi đá. “Trời nắng thế này nước tưới khoảng 10 phút là bốc hơi hết” - anh Lê Hữu Khánh, công nhân đội khai thác đá, nói. Anh Khánh cho biết mình bị bệnh bụi phổi silic.
Anh Đặng Văn Thảo, công nhân tổ mìn (đội khai thác), kể bụi nhất là thời điểm nổ mìn: “Mỗi lần nổ mìn xong, bụi xám đặc, chúng tôi phải chạy vào xem còn “mìn câm” (lép) hay không. Bụi đá cùng mùi thuốc cay khét xộc vào mũi, miệng, mắt làm ho sặc sụa”. Cứ thế 11 năm làm việc trôi qua. Năm 1998, công ty tổ chức khám bệnh nghề nghiệp, anh mới được phát hiện bị bệnh bụi phổi silic với tỉ lệ 41%. Anh Nguyễn Văn Tâm, cán bộ y tế của Công ty cổ phần Hóa An, cho biết có khoảng 30 công nhân công ty bị bệnh bụi phổi silic. Một số ít đã nghỉ hưu, số còn lại vẫn tiếp tục làm việc.
Ở các bãi khai thác đá, bụi nhiều còn ở khu vực khoan và nghiền đá. Anh Thảo kể mỗi lỗ khoan thường sâu 10m, khi khoan bụi đá bay mù trời. Bụi silic khi mới được tạo ra từ khoan đá thường rất bén (sắc), xâm nhập phổi càng nguy hiểm hơn. Kết quả đo kiểm môi trường tháng 12-2008 thấy chín máy nghiền đá của Công ty cổ phần Hóa An có tỉ lệ silic tự do trong bụi trên 30%, hơn phân nửa máy nghiền có bụi toàn phần, bụi hô hấp vượt quá tiêu chuẩn quy định. Theo tiến sĩ Phạm Tiến Dũng - phân viện trưởng Phân viện Bảo hộ lao động tại TP.HCM, khi bụi toàn phần, bụi hô hấp vượt quá tiêu chuẩn quy định thì môi trường đã ô nhiễm bụi, trong đó có bụi silic, người lao động có nguy cơ nhiễm bệnh bụi phổi silic.
Phóng to |
Khẩu trang vải không che hết được bụi đá - Ảnh: Tr.Cường |
Khẩu trang cũng không ăn thua
Dọc quốc lộ 1K ngược về TP.HCM, hai bên đường có nhiều cơ sở nhỏ “ăn theo” các xí nghiệp khai thác đá của Đồng Nai, Bình Dương. Tại một cơ sở cắt đá trước Xí nghiệp khai thác và chế biến đá Tân Đông Hiệp, Bình Dương, bốn công nhân hì hục cắt, đục đá. Xung quanh đá ngổn ngang, bụi bay kín cả tấm bạt che trên đầu. Không ai trong số họ đeo khẩu trang.
Quệt những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, Hồng - công nhân cơ sở này - nói khẩu trang do mình trang bị nhưng nắng nóng, mồ hôi ra nhiều đeo không được. Cách đó không xa, tại một cơ sở điêu khắc các hình tượng, mộ bia, hàng chục công nhân đang cắt, mài những khối đá. Chỉ hai người trong số đó đeo khẩu trang. Ông N., chủ cơ sở này, nói nhân công ở đây làm việc thời vụ nên họ tự lo bảo hộ cho mình.
Theo phản ảnh của công nhân nhà máy 2 Công ty Vinappro (Đồng Nai), môi trường làm việc của một số phân xưởng có nhiều bụi silic. Ông Nguyễn Văn Dân - chủ tịch công đoàn công ty - cho biết công ty trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cho người lao động và làm tốt công tác vệ sinh lao động. Nhưng thực tế chúng tôi ghi nhận tại nhiều phân xưởng đúc, gò hàn, cơ khí của nhà máy 2, phần lớn công nhân không đeo khẩu trang. Khi chúng tôi đề nghị được vào phân xưởng cao su thì ông Dân từ chối với lý do “bảo mật công nghệ”. Theo kết quả đo kiểm môi trường lần cuối (năm 2007), phân xưởng cao su của Công ty TNHH chế tạo động cơ Vinappro có nồng độ bụi hô hấp và bụi toàn phần vượt tiêu chuẩn cho phép. Tỉ lệ silic tự do trong bụi ở phân xưởng này chiếm đến 68%.
Hơn 17.000 người mắc bệnh bụi phổi silic Theo Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), bệnh bụi phổi silic là loại bệnh nghề nghiệp dẫn đầu về số lượng mắc trong 18 loại bệnh nghề nghiệp (tích lũy đến năm 2008) mà cục này thống kê được. Số công nhân bị mắc bệnh bụi phổi silic tích lũy đến năm 2008 trên cả nước đến nay đã là 17.921 trường hợp. |
Theo cảnh báo của Trung tâm Sức khỏe lao động & môi trường TP.HCM, phần lớn các loại khẩu trang không có hiệu quả lọc bụi hô hấp. Nếu có chỉ cản được bụi cỡ lớn. “Hôm nào đi làm tôi cũng bịt khẩu trang 2-3 lớp mà có ăn thua gì đâu” - bà Ngô Thị Mong, 50 tuổi, công nhân cũ của Công ty cổ phần Hóa An, bị bệnh bụi phổi silic, nói. Chính vì điều đó mà gần mười công nhân được hỏi đều lắc đầu với khẩu trang. Mặc dù phần lớn công nhân có đeo khẩu trang nhưng khẩu trang vải bình thường không ngăn được nguy cơ mắc bệnh.
Bán mạng trong cuộc mưu sinh
Bà Duệ đã nghỉ hưu được bốn năm nhưng cái khó, cái khổ xô đẩy bà trở lại nghề đá. 20 năm làm công nhân vệ sinh máy nghiền đá, theo kết quả giám định năm 1998, bà Duệ nhiễm bụi phổi silic 41%. Còn bà Mong năm 47 tuổi phải nghỉ hưu trước tuổi do sức yếu. Bà kể: “Giờ mỗi lần lên dốc hay xách thùng nước là tức ngực như bị bó chặt, thở không được. Buổi sáng thường ho ra đờm”. Anh Lại Duy Việt, nhiễm bụi phổi silic 31% - hiện là công nhân đội khai thác, lo lắng nói so với những năm trước anh thấy sức mình yếu hẳn. Đó cũng là nhận định chung của những công nhân bị nhiễm bụi phổi silic đang làm việc. Nhiều công nhân khác cũng tình cảnh tương tự.
“Sau khi khám, bác sĩ có khuyến cáo không làm việc trong điều kiện bụi silic nhưng ở bãi đá chỗ nào chẳng bụi. Chúng tôi cũng đề nghị công ty chuyển vị trí làm việc nhưng chỉ nhận được sự im lặng” - một số công nhân Công ty cổ phần Hóa An nói. Còn kiếm việc khác làm thì ai cũng lắc đầu vì họ nhận thức được trình độ của mình. Vì thế dù lo lắng bởi mầm bệnh đang âm thầm phát triển trong cơ thể nhưng họ đành chấp nhận đánh đu mạng sống của mình trong cuộc mưu sinh.
Cuộc vật lộn mưu sinh mòn mỏi cùng căn bệnh chết người như gắn với phận người, phận nghề của họ.
Những công việc có nguy cơ gây bệnh bụi phổi silic: tất cả công việc có tiếp xúc với bụi silic tự do, chủ yếu là khoan, đập, tán, nghiền, sàng, khai thác quặng hoặc đá có chứa silic tự do; sản xuất và sử dụng các loại đá mài, bột đánh bóng và các sản phẩm khác có chứa silic tự do; chế biến chất carborundum, chế tạo thủy tinh, đồ sành, sứ, các đồ gốm khác, gạch chịu lửa; công việc đúc có tiếp xúc với bụi cát (khuôn mẫu làm sạch vật đúc...); các công việc mài, đánh bóng, giũa khô bằng đá mài có chứa silic tự do; làm sạch hoặc làm nhẵn bằng tia cát. |
Bệnh bụi phổi silic có chữa được không?Nhiều công nhân mắc bệnh bụi phổiNhững cơn đau và cái chết vì bụi phổi
________________
Kỳ sau:Không thể để họ chết dần chết mòn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận